Dệt ước mơ bằng nghị lực
Đằng sau nỗi bất hạnh là nghị lực của những cậu học trò xứ Quảng mà chúng tôi gặp được tại Đà Nẵng trong kỳ thi chung THPT quốc gia năm 2015.
Làm thuê kiếm tiền đi thi
Nguyễn Văn Ý (SN 1997, trú thôn 5, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) một mình ra Đà Nẵng để dự thi lần này khi trong túi chỉ có vỏn vẹn 400 nghìn đồng. Em bảo, đó là số tiền dành dụm được từ việc làm thuê ngoài giờ học từ hồi đầu năm lớp 12 đến nay. Ý nói: “Hôm ra đây thi, em đóng tiền trọ hết 200 nghìn, số tiền còn lại dùng để trang trải việc ăn uống. Thi xong, em ở lại đây làm thuê trong một quán ăn để kiếm tiền chứ không về quê”. Ý lớn lên không biết mặt cha, mẹ mất trong một cơn bạo bệnh từ hồi em mới học lớp 6, chị gái đi lấy chồng cách đây vài năm nên em sống tự lập một mình. Căn nhà tình thương do Đoàn Khối doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam hỗ trợ xây dựng năm 2012 phần nào đã tiếp thêm động lực để Ý tiếp tục đến trường, viết tiếp ước mơ của mình.
Nguyễn Văn Ý tranh thủ ôn bài trong khuôn viên trường. Ảnh: V.HÀO |
Năm nay Ý đăng ký thi vào ngành chế tạo máy (Đại học Bách khoa Đà Nẵng). Qua nửa số môn thi, em cũng tự tin với phần làm bài của mình. Ý kể, lớp 11 đạt học sinh giỏi; sang lớp 12 thì chỉ còn đạt học sinh tiên tiến vì ngoài việc học, một mình em còn phải đối diện với biết bao lo toan của cuộc sống. Một thân hình gầy guộc, nhỏ nhắn nhưng chẳng có công việc làm thuê nào mà em chưa từng trải. Em phải đi bóc vỏ keo, kiếm củi, phụ hồ hay bồi bàn… nhằm có tiền trang trải cuộc sống, học hành. Từ khi mẹ Ý mất, khoản học phí được các trường miễn hoàn toàn và em còn được nhận trợ cấp xã hội 180 nghìn đồng/tháng. Cùng với đó là sự quan tâm, sẻ chia của các cấp, nhóm từ thiện để động viên em trên con đường học vấn. “Bà con thân thuộc không nhiều, chỉ có mấy dì nên em phải tự thân kiếm sống từ rất sớm. Những kỳ nghỉ hè trước, em thường ra Đà Nẵng làm thuê nên được chủ tin tưởng. Hôm mới ra đây (29.6), em gọi điện xin làm việc chỗ cũ thì được họ đồng ý liền” - Ý tâm sự.
Chúng tôi gặp Ý khi đang bước vào ngày thứ hai tại điểm thi Trường Cao đẳng Kinh tế - kế hoạch Đà Nẵng. Em nói: “Nếu thi đậu, em sẽ vừa học vừa làm để nuôi sống bản thân. Còn lỡ bị trượt thì em sẽ tiếp tục làm thuê ở đây để kiếm tiền năm sau thi tiếp. Em sẽ nỗ lực theo đuổi ước mơ của mình để có tương lai tươi sáng hơn”.
Đi thi bằng xe lăn
Cậu học trò mắc bệnh xương thủy tinh Nguyễn Trọng Tín (xã Tam Phước, Phú Ninh) nhiều năm liền luôn đạt học sinh khá, giỏi khiến thầy cô, bè bạn khâm phục (Báo Quảng Nam từng có bài nêu gương). Năm nay, tại điểm thi Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Đà Nẵng, người cha - anh Nguyễn Hoàng nhọc nhằn đẩy xe lăn rồi cõng Tín vào trường thi khiến nhiều người cảm động, nể phục. Tiếp xúc với chúng tôi vào những ngày đầu “vượt vũ môn”, chàng trai này luôn có một ánh nhìn trìu mến, nụ cười lạc quan dù em chỉ nặng chưa đầy 30 ký, đôi chân teo tóp.
Anh Hoàng chia sẻ, dù gia đình làm nông bận rộn tối ngày nhưng vẫn luôn dành thời gian an ủi, động viên con trai tiếp tục học hành. “Dù mắc bệnh nhưng cháu nó rất ham học, cũng đạt thành tích cao. Tín bắt đầu đổ bệnh từ năm 2 tuổi, lớn lên cứ đòi được đến trường và được tôi chở đi hàng ngày. Hai cha con ra đây thi, dù cũng gặp những khó khăn nhất định nhưng ý chí mạnh mẽ của Tín khiến gia đình cũng an tâm. Mong sao cháu làm bài được tốt” - anh Hoàng tâm sự trong lúc ngồi đợi con thi. Tại căn phòng trọ, anh Hoàng chu đáo chăm sóc con mình từng bữa ăn kèm theo những lời động viên, cử chỉ ân cần để Tín yên tâm thi cử.
Tham gia kỳ thi này, Tín đăng ký thi khối A với niềm tin vào một kết quả khả quan để em có thể xét tuyển vào một trường đại học ở Đà Nẵng. Kết thúc ngày thi đầu tiên, em cho biết môn Toán làm khá tốt, còn môn Ngoại ngữ thì chỉ đạt trung bình. “Lần ra Đà Nẵng này, em chỉ biết cố gắng hết sức để có một kết quả tốt. Đã có những lúc cuộc sống thật sự khó khăn với em khi phải bỏ học một năm để đi điều trị bệnh. Nhưng có chỗ dựa từ người cha, gia đình, trường lớp nên em không được phép gục ngã” - Tín nói.
Nắng nóng, thí sinh sinh hoạt khó khăn Kết thúc hai ngày thi đầu tiên tại Đà Nẵng, thời tiết nắng nóng ít nhiều đã ảnh hưởng đến quá trình ăn uống, sinh hoạt của các thi sinh. Hầu hết phòng trọ không có trang bị máy quạt nên các em rất vất vả trong giờ nghỉ trưa. Ghi nhận của chúng tôi vào đầu giờ trưa hôm qua 2.7, tại những điểm trường thi có bóng cây ven đường bên ngoài, thí sinh và phụ huynh tranh thủ mắc võng nghỉ ngơi, hóng mát để có tâm lý tốt nhất chuẩn bị cho buổi thi chiều. Còn những điểm trường không có bóng mát, các thí sinh tập trung tại những quán xá gần đó hay tranh thủ ôn bài ngay trong khuôn viên trường. Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) vào sáng 2.7, ông Phan Văn Hải (trú tại Điện Thọ, thị xã Điện Bàn) cho biết vì đưa con ra đây thi sáng đi tối về nên mang theo chiếc võng để phục vụ cho việc nghỉ ngơi của con mình. “Điểm thi này có chỗ thuận lợi là có bóng cây che mát ven đường nên cũng thoải mái. Tuy nhiên do tiết trời nắng nóng nên không chỉ con tôi mà hầu như nhiều cháu ở đây đều chủ yếu uống nước, ăn ít cơm. Con gái tôi đăng ký thi xét vào Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng. Kết thúc mấy môn đầu, nghe cháu nó nói làm bài cũng tốt” - ông Hải chia sẻ. |
VĂN HÀO