40 năm loay hoay làm chế độ
Ông Thái Thêm (SN 1927), trú thôn Thạnh Đại, xã Đại Hưng (Đại Lộc), dù gần 90 tuổi nhưng còn khá khỏe mạnh, minh mẫn. Vừa rót trà mời khách, ông Thêm vừa hồi tưởng về những ngày hoạt động cách mạng của mình…
Hoạt động mật
Năm 1964, ông Thái Thêm chính thức được ông Trần Quang Đại, cán bộ an ninh cách mạng và ông Đặng Chí Kinh, cán bộ công an tỉnh Quảng - Đà đứng cánh Thượng Đức giao làm cơ sở mật tại khu vực Thượng Đức. Nhiệm vụ của ông là thu thập thông tin về các đợt hành quân của địch và những hoạt động khác để báo cáo lại cho ông Đại tại một địa điểm trong rừng sâu ở thôn Thái Sơn. Để tránh sự nghi ngờ của địch, nhiều lúc ông ghi thông tin vào tờ giấy nhỏ rồi đưa cho con gái Thái Thị Bồng - khi ấy mới 13 - 14 tuổi, qua bên kia sông gặp và đưa cho ông Đại. Cuối năm 1964, ông Thêm được ông Phạm Nhung - một cán bộ cách mạng ở địa phương, giao nhiệm vụ đến huyện Quế Sơn vận chuyển lương thực. Sau khi báo cáo sự việc với ông Đại, ông Thêm lên đường đến Quế Sơn. Tại đây, ông miệt mài vận chuyển lương thực vào các căn cứ cách mạng. Sau 3 tháng ở Quế Sơn, ông Thêm lại trở về địa phương tiếp tục công việc làm cơ sở mật của mình.
Ông Thái Thêm vẫn chưa được công nhận người có công. Ảnh: N.L |
Năm 1969, địch bất ngờ bắt ông Thêm đi lính tại Hòa Cầm. Sau 3 tháng huấn luyện, ông được đưa về đóng quân tại địa phương. Dù nằm trong hàng ngũ của địch nhưng ông Thêm vẫn thường xuyên cập nhật thông tin tình báo gửi về ông Đại. Nhiều hôm địch đi càn, không kịp báo tin cho cách mạng, ông Thêm giả vờ lấy súng bắn lên trời để báo động… Mọi việc trong thời gian này của ông Thêm làm đều được ông Trần Quang Đại xác nhận. Sau khi quân cách mạng chiếm đánh được Thượng Đức, ông Thêm được điều động ra vận chuyển lương thực ở kho lương Thượng Đức về các căn cứ trên thượng nguồn. Trong khi đang vận chuyển lương thực bằng ghe, từ xa ông Thêm phát hiện trực thăng của địch quần thảo nên đẩy ghe vào bụi rậm để giấu, còn ông chạy lên bờ trú ẩn. Không may trong lúc chạy ông bị vấp ngã, trật xương chân phải. Dù sau đó ông đã được đưa xuống Hội An chữa trị nhưng do thiếu thuốc men và y cụ để chữa trị nên chân ông bị rút gân, khiến chân phải của ông ngắn hơn chân trái từ 2 - 3cm. Và từ đó ông bị tật vĩnh viễn.
Tâm nguyện cuối đời
Dù có nhiều đóng góp với cách mạng nhưng đến nay ông Thêm vẫn chưa được công nhận người có công. Bà Trần Thị Mười - vợ ông Thêm, tâm sự: “Tôi và ông ấy cưới nhau từ năm 1952 và đã có với nhau mấy người con nhưng tôi không hề biết ông hoạt động cách mạng. Đến khi giải phóng, ông ấy mới kể tôi nghe mọi chuyện. Ông bảo, nhiệm vụ bí mật quá nên phải giấu cả vợ”. Theo ông Thêm, từ năm 1978 ông đã đăng ký khai nhận thành tích nhưng cán bộ phụ trách người có công khi ấy tại địa phương không chịu làm. Ông Thái Văn Khuyến (SN 1967, con ông Thêm) cho biết thêm, năm 1995, ông hoàn thành hồ sơ xác nhận người có công cho ông Thêm nhưng vẫn không được giải quyết. Đến năm 2007, ông Khuyến tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng ở huyện nhưng đều không có hồi âm. “Để làm chế độ cho cha, ngoài việc làm việc tại xã, tôi còn mang hồ sơ xuống Phòng LĐ-TB&XH huyện Đại Lộc, Phòng Thi đua - khen thưởng huyện Đại Lộc nhưng vẫn chưa được giải quyết. Có người bảo cha tôi hoạt động cách mạng sao họ không biết. Thử hỏi, ông làm cơ sở mật ngay trong lòng địch, nếu ai cũng biết thì ông làm sao sống được đến ngày nay? Cha tôi gần đất xa trời rồi, giờ ông chỉ có một tâm nguyện cuối cùng là được công nhận người có công thôi mà vẫn chưa được” - Ông Khuyến chán nản.
Ông Phạm Đức Thịnh - Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho biết, hồ sơ đề nghị công nhận người có công của ông Thái Thêm đã được xã gửi xuống huyện nhiều lần, nhưng không được giải quyết vì ông Thêm có thời gian đi lính cho địch. Tuy nhiên, xem xét hồ sơ của ông Thêm, chúng tôi thấy có đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết, đặc biệt là giấy xác nhận của 2 ông Trần Quang Đại và ông Đặng Chí Kinh về quá trình hoạt động cách mạng của ông Thêm. (Ông Đại và ông Kinh sau năm 1975 làm lãnh đạo Công an huyện Đại Lộc). Đặc biệt, trong giấy xác nhận của ông Đặng Chí Kinh ngày 23.1.2007 có ghi rõ ràng: “Ông Thái Thêm, sinh năm 1927, quê quán xã Đại Lãnh nay là xã Đại Hưng, Đại Lộc là cơ sở cách mạng do tôi trực tiếp chỉ đạo tham gia giúp đỡ cách mạng từ năm 1963 đến năm 1974. Cụ thể, từ năm 1963 - 1968 công tác nắm tình hình địch và xây dựng cơ sở tiếp tế lương thực và thực phẩm cho đội công tác. Đến năm 1969 anh Thêm bị bắt đi lính địa phương quân, tiếp tục làm cơ sở cho tôi và luôn bảo vệ được đường dây liên lạc và cơ sở bí mật của ta trong lòng địch”.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng ở huyện và ở tỉnh cần xem xét đề nghị giải quyết chế độ người có công đối với ông Thái Thêm, vì ông hội đủ các điều kiện để được hưởng chế độ đãi ngộ mà Nhà nước đã ban hành.
N.LINH - K.LINH