Vì mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh đã giúp chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) nhanh chóng đi vào cuộc sống. Vì vậy, Quảng Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2020, 95% người dân có BHYT.
Chăm sóc sức khỏe nhân dân
Từ khi thực hiện Luật BHYT vào năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1,1 triệu người tham gia BHYT (chiếm tỷ lệ 77,64% dân số). Đặc biệt, chính sách BHYT đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo, người cao tuổi… với sự trợ sức từ Nhà nước đã tháo gỡ được những khó khăn trong đời sống của người dân. Khi gặp rủi ro về bệnh tật, BHYT như một “phao” cứu sinh, giảm được nỗi lo về tài chính cho nhiều gia đình. Điều này tác động tích cực đến an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Nam. Sau khi Luật BHYT đi vào cuộc sống, để đảm bảo nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, UBND tỉnh luôn đảm bảo kinh phí đóng BHYT cho các đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định. Đối với hộ cận nghèo, Quảng Nam đi tiên phong trong việc hỗ trợ 30% kinh phí còn lại (theo quy định, hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng BHYT), đưa tỷ lệ người dân có thẻ BHYT tăng nhanh chóng.
Người có thẻ BHYT sẽ bớt lo về tài chính khi khám chữa bệnh. Ảnh: D.L |
Cùng với đó, khám chữa bệnh BHYT ngày càng được ngành y tế chú trọng, đầu tư trang thiết bị máy móc để phục vụ nhân dân tốt hơn. Toàn tỉnh hiện có 38 cơ sở y tế thực hiện khám chữa bệnh BHYT. Sở Y tế đã vào cuộc sát sao trong việc chỉ đạo các bệnh viện đảm bảo thái độ, chất lượng khám chữa bệnh BHYT, không phân biệt bệnh nhân có thẻ hay không có thẻ BHYT. Sở Y tế và BHXH tỉnh cũng đã thực hiện chương trình phối hợp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi cho người khám chữa bệnh, và sử dụng quỹ BHYT hợp lý, an toàn, hiệu quả. Hai bên liên tục tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh, qua đó kịp thời nhắc nhở và điều chỉnh những vấn đề chưa hợp lý hay có sai sót, nhằm phục vụ người bệnh tốt hơn.
Vào cuộc đồng bộ
Đối với số người tham gia BHXH (trong đó có BHYT) so với mặt bằng chung của cả nước thì Quảng Nam cao hơn rất nhiều. Đó là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến các huyện, thành phố. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 38 về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới, sau đó Tỉnh ủy Quảng Nam đã chỉ đạo rất sát sao, ban hành các chỉ thị, văn bản kịp thời giúp BHXH tỉnh, Sở Y tế phối hợp với các ngành thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị ra đời, các địa phương đã quan tâm đến việc thực hiện BHXH tự nguyện, BHYT trong nhân dân. Với chính sách BHXH, người dân đã quen thuộc và hiểu được tầm quan trọng, những quyền lợi thiết thực khi tham gia BHXH. Nhưng BHYT là một chính sách tương đối mới, hơn nữa Luật BHYT (sửa đổi) có hiệu lực từ đầu năm 2015 có nhiều nội dung thay đổi, nên nhiều người chưa hiểu rằng BHYT là một chính sách quan trọng, mang tính chia sẻ trong cộng đồng và nhằm mục đích thực hiện công bằng, nhân đạo trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Cũng chính vì lẽ đó, Quảng Nam đã ban hành thêm các chính sách hỗ trợ có ý nghĩa lớn cho đối tượng khó khăn nên lộ trình BHYT toàn dân của tỉnh được kỳ vọng sẽ đạt 95% vào năm 2020.
Sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị đã mang lại hiệu quả tích cực cho việc thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT. Người dân đã hiểu rộng hơn, sâu hơn về chính sách và tham gia tích cực, đặc biệt đối với các đối tượng tham gia BHYT tự nguyện. Từ khi dịch vụ khám chữa bệnh được điều chỉnh tăng giá, nếu không có thẻ BHYT, phần lớn đối tượng khó có thể lo được chi phí điều trị nếu gặp bệnh hiểm nghèo. Có BHYT, người dân yên tâm lao động sản xuất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế; an sinh xã hội càng vững chắc hơn.
Nhiều rào cản trong thực hiện chính sách BHYT Đó là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn nhìn nhận tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về thực hiện chính sách BHYT, tổ chức hôm 1.7 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, mục tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 75% dân số đặt ra trong 2015 là một vấn đề đầy khó khăn và thách thức. Để hướng đến mục tiêu, bộ đã tập trung chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám và điều trị, giảm phiền hà cho người bệnh… nhằm thu hút người dân tham gia BHYT nhiều hơn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc đang tồn tại trong việc thực hiện chính sách BHYT. Trong đó có việc cấp ủy, chính quyền một số địa phương, đơn vị gần như bỏ rơi trách nhiệm chỉ đạo thực hiện; có nơi chẳng khác gì giao hẳn nhiệm vụ tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT cho ngành y tế và cơ quan BHXH. Trong khi đó, nhiều đại lý thu BHYT còn bị động, chưa tích cực bám dân để vận động, tuyên truyền. Yếu trong khâu tuyên truyền cũng là nguyên nhân dẫn đến việc người dân không kịp thời nắm bắt chủ trương, chính sách mới về BHYT, chưa thấy rõ lợi ích thiết thực của việc tham gia BHYT theo hộ gia đình… Trong khi đó, ở một số cơ sở y tế, nhất là tuyến dưới, dịch vụ y tế chưa đáp ứng yêu cầu; còn rườm rà về thủ tục khám và điều trị bệnh, chuyển tuyến, thanh toán BHYT… |
HOÀNG LINH