Đồng hành cùng sĩ tử
Hôm qua 1.7, ngày thi đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia 2015, các thí sinh (TS) dự thi 2 môn bắt buộc là Toán (180 phút) và Ngoại ngữ (90). Kỳ thi năm nay, Quảng Nam có 21.460 TS đăng ký dự thi; trong đó 16.441 TS thi tại cụm thi Đại học Đà Nẵng để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển đại học, cao đẳng và 5.019 TS thi tại Quảng Nam chỉ để xét tốt nghiệp.
Trong cái nắng hầm hập như thiêu đốt, lòng người như dịu mát lại khi những tình nguyện viên, chủ nhà trọ, các tổ chức tình nguyện đã tận tình giúp đỡ để thí sinh vượt khó vào đời…
LẤP LÁNH NGHĨA CỬ
Nhiều gia đình tại thị trấn Trà My (Bắc Trà My) sẵn sàng giúp đỡ chỗ ăn, chỗ ở miễn phí để các TS yên tâm thi cử trong kỳ thi chung.
TS và người nhà được ăn, ở miễn phí tại nhà anh Bùi Văn Hưng (thị trấn Trà My, Bắc Trà My).Ảnh: VĂN HÀO |
Kết thúc ngày thi đầu tiên 1.7, có mặt tại Trường THPT Bắc Trà My - nơi có 198 TS đăng ký thi xét tốt nghiệp, chúng tôi ghi nhận các TS không tỏ ra bỡ ngỡ với kỳ thi chung lần này. Cùng với nhà trường, sự tiếp sức của những gia đình hảo tâm nơi đây đã phần nào khiến TS tự tin hơn.
Một sự trả ơn
Dù bận bịu với công việc giao chuyển gas cho khách hàng nhưng anh Bùi Văn Hưng (chủ đại lý gas Hưng Kỳ, thị trấn Trà My) vẫn không quên dặn dò vợ lo toan việc chợ bếp để chuẩn bị bữa trưa cho các TS và người thân đang lưu trú tại nhà mình. Hiện vợ chồng anh Hưng đang tạo điều kiện ăn ở miễn phí cho 5 thí sinh và phụ huynh. Anh Hưng bảo: “Nhà rộng, nhiều phòng nên tôi muốn giúp đỡ về nơi ăn chốn ở để các cháu có được một mùa thi tốt nhất. Trước đó, tôi lên đăng ký với lãnh đạo Trường THPT Bắc Trà My để nhà trường và các đội tình nguyện chỉ dẫn cho những TS hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu thì về đây lưu trú”. Anh Hưng chia sẻ, bản thân đã từng nhiều lần nhận được sự sẻ chia, đùm bọc của xã hội nên việc làm lần này như một sự trả ơn… Đang lo chuyện bếp núc thì nhận được điện thoại của con gái út đang dự thi ngoài Đà Nẵng, chị Kỳ - vợ anh Hưng phấn khởi nói: “Cháu nó gọi về bảo làm môn Toán cũng tốt. Vợ chồng tôi cũng có con ăn học, đi thi nên thấu hiểu nỗi lo chung của các bậc cha mẹ. Ở đây, các cháu sinh hoạt như nhà mình. Tôi thì tranh thủ lo cơm nước. Nhà vẫn còn chỗ và có thể giúp đỡ chỗ ở cho khoảng hơn 10 người” - chị Kỳ nói.
vs.jpg |
Dãy nhà trọ của thầy giáo Phan Văn Duy (đang công tác tại Trường THPT Bắc Trà My) xôm tụ hơn mọi hôm khi những ngày này đón tiếp những học sinh đồng bào dân tộc thiểu số xuống ở trọ miễn phí, sẵn sàng cho mùa thi. Thầy Duy tâm sự: “Vì điều kiện của những học sinh vùng cao này còn lắm khó khăn nên gia đình bố trí phòng ở cho TS. Chúng tôi chỉ mong muốn được tiếp thêm một phần sức lực, là chỗ dựa để các em yêm tâm, tự tin bước vào phòng thi và có được một mùa thi hiệu quả nhất”.
Tự tin vào phòng thi
Bữa cơm trưa được vợ chồng anh Hưng, chị Kỳ chuẩn bị chu đáo với nhiều món ngon, có đầy đủ thịt, cá. Không khí vui vẻ, ấm cúng qua những lời hỏi thăm về bài thi, lời dặn dò và cả những sự chia sẻ cách làm bài của những TS đang cùng ở trọ. Với các em, đó như một sự động viên, là động lực để tự tin bước qua từng môn thi.
Trường THPT Bắc Trà My đã đề xuất UBND huyện hỗ trợ tại chỗ cho con em đồng bào thiểu số mức tiền ăn 30.000 đồng và 0,5 ký gạo/ngày. Còn đối với thí sinh dự thi tại Đà Nẵng, nhà trường đề xuất huyện hỗ trợ 300 nghìn đồng/thí sinh để trang trải việc đi lại, ăn uống. |
Cùng đứa con trai đón xe buýt từ Tiên Châu (Tiên Phước) lên Bắc Trà My hôm 29.6, khi đang loay hoay tìm chỗ lưu trú thì chị Trần Thị Bình (39 tuổi) được đội tiếp sức mùa thi giới thiệu đến chỗ ở miễn phí của gia đình anh Hưng. Không chỉ tiết kiệm được một khoản chi phí, mà như chị Bình tâm sự, ở đây cảm giác như ở nhà nên hai mẹ con vơi đi nhiều nỗi lo. “Vì không ăn được cơm quán nên dẫn con đi thi, tôi có mang theo nồi cơm điện nhỏ và hai cái chén để dù có ở đâu thì cũng cố tạo ra được “bữa cơm nhà” cho con mình. Khi lên đây, được giới thiệu chỗ ở miễn phí cũng đã mừng rồi, lại còn được dùng cơm chung với gia đình anh Hưng nên con tôi càng yên tâm, làm bài được tốt hơn” - chị Bình nói.
Cũng được ăn ở nhờ tại nhà anh Hưng, ông Lê Công Luân (50 tuổi, quê Tiên Ngọc, Tiên Phước) xúc động cho biết, cha con ông may mắn khi lên đây nhận được sự đón tiếp nồng hậu, chu đáo của một gia đình tốt bụng, chất phát. “Nghĩa cử này thật đáng trân trọng. Tôi rất cảm kích và mong muốn có nhiều tấm lòng như thế trong mỗi mùa thi để con em chúng ta vững tin bước vào phòng thi” - ông Luân nói.
Tại phòng trọ miễn phí của thầy giáo Phan Văn Duy, TS Trần Văn Vũ (dân tộc Ca Dong, quê Trà Đông, Bắc Trà My) cùng 2 người bạn của mình tranh thủ ôn kiến thức cho các môn thi tiếp theo, sau khi kết thúc môn thi của ngày đầu tiên. Trần Văn Vũ tâm sự: “Được thầy Duy giúp đỡ, tôi và các bạn đỡ lo phần nào về chuyện tốn kém chi phí. Vì thế mà càng cố gắng để có được một kết quả tốt nhất trong kỳ thi chung này”. (PHẠM VĂN HÀO)
CẢ TỈNH CÓ 35 THÍ SINH BỎ THI
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, tại cụm thi Quảng Nam có 4.958 TS dự thi trong tổng số 4.993 TS đăng ký dự thi chính thức (có 13 TS lưu ban và 13 TS thuộc diện bảo lưu điểm), tỷ lệ dự thi 99,3%. Cả tỉnh có 35 TS bỏ thi, trong đó 25 TS bỏ thi có lý do; các điểm thi có số TS bỏ thi nhiều là Trường THPT Phan Bội Châu (Tam Kỳ), THPT Nam Giang, THPT Bắc Trà My (mỗi điểm thi có 6 TS bỏ thi). Qua 2 môn thi đầu tiên, tất cả 14 điểm thi trên địa bàn tỉnh đều diễn ra an toàn, nghiêm túc; không có TS hoặc cán bộ, giám thị nào bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy chế thi.
Giám thị hướng dẫn TS ghi các thông tin cần thiết vào giấy thi tại điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu (Tam Kỳ). Ảnh: X.PHÚ |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Quảng Nam, các lực lượng chức năng tham gia bảo vệ kỳ thi năm nay được tăng cường khá nhiều và làm việc tích cực đã giúp tình hình an ninh trật tự bên ngoài tại các điểm thi đảm bảo. Tại điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu (Tam Kỳ) - nơi tập trung TS của các trường THPT trên địa bàn TP.Tam Kỳ, huyện Phú Ninh và Trường THPT Hùng Vương (Thăng Bình), Công an TP.Tam Kỳ cử lực lượng cảnh sát giao thông túc trực trước cổng trường nên không xảy ra tình trạng người nhà thí sinh tụ tập chung quanh cổng trường gây lộn xộn như các năm trước.
Ngày mai 2.7, các TS bước vào ngày thi thứ 2 của kỳ thi với 2 môn Ngữ văn (180 phút), Vật lý (90 phút). (X.PHÚ)
TẤM LÒNG NGƯỜI ĐÀ NẴNG
“Thoải mái như ở nhà” là nhận định của nhiều TS Quảng Nam dự thi tại Đà Nẵng trong kỳ thi THPT quốc gia.
Các tình nguyện viên hướng dẫn TS tham gia kỳ thi. Ảnh: Q.H |
Tại ký túc xá tập trung phía tây TP.Đà Nẵng có 400 phụ huynh và TS đến tá túc. Ông Ngô Văn Tuấn - Phó Giám đốc Ký túc xá cho biết, ngay từ rất sớm đơn vị đã liên hệ với Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam để thống nhất giờ giấc đón TS và bố trí phòng. “Các TS ở đây được thành phố miễn phí hoàn toàn tiền trọ, điện nước. Đồng thời để động viên TS, chúng tôi còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ 500 suất ăn và mỗi TS một lốc sữa tươi/ngày cho đến hết kỳ thi” - ông Tuấn nói. Trong khi đó, tại ký túc xá Đại học Bách khoa Đà Nẵng hiện cũng có 100 phụ huynh và TS được bố trí ở trọ miễn phí. Để hỗ trợ TS, ký túc xá thành lập đội xe ôm thanh niên tình nguyện để chở TS có hoàn cảnh khó khăn đến điểm thi.
Đại học Đà Nẵng cho biết, trước khi diễn ra kỳ thi, đơn vị đã chuẩn bị bố trí 5.400 chỗ ở ưu đãi cho TS và người nhà. Trong đó có 3.400 chỗ ở hoàn toàn miễn phí cho con em thương binh, liệt sĩ, gia đình có công cách mạng, bộ đội, công an, kiểm ngư, hộ nghèo, hộ cận nghèo và thuộc các hải đảo, vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn, TS bị khuyết tật… tại các ký túc xá. Ngoài ra, Ban chỉ đạo chiến dịch Học sinh - sinh viên tình nguyện hè năm 2015 đã huy động gần 400 tình nguyện viên đón tiếp, tư vấn, hỗ trợ TS và phụ huynh tại bến xe trung tâm, ngã ba Hòa Cầm, ngã ba Huế, trước các cổng trường và ký túc xá các trường thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng... Dịp này, Thành đoàn Đà Nẵng hỗ trợ TS và người nhà 500 suất cơm, gần 4.000 suất nước uống. |
Cùng TS tá túc tại ký túc xá phía tây TP.Đà Nẵng, thầy giáo Nguyễn Đình Lâu (Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nước Oa, Bắc Trà My) được phân công phụ trách học sinh của trường dự thi cho biết, các TS được tạo điều kiện rất tốt trong sinh hoạt. “Khi vừa tới Đà Nẵng chúng tôi được đưa đón tới tận nơi trọ với điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn nhiều so với trường nội trú. Ở đây các em được bố trí phòng ở rất thoáng mát và sạch sẽ, điểm sinh hoạt ôn thi cũng rất thuận tiện”- thầy Lâu nói. (HƯNG QUỐC)
VƯỢT NGHỊCH CẢNH VÀO TƯƠNG LAI
Câu chuyện vượt lên nghịch cảnh, vượt khó vào đời của thí sinh đất Quảng nhiều năm qua không còn xa lạ. Và năm nay, nhiều thí sinh dù gia cảnh có khác nhau nhưng ở họ có chung một niềm tin mạnh mẽ vào tương lai...
TS Quảng Nam được bố trí chỗ ở miễn phí tại ký túc xá Đại học Đà Nẵng.Ảnh: Q.H |
Bất chấp cái nắng như nung, các bậc phụ huynh vẫn không rời khỏi cổng trường, nơi con em mình đang dự thi. Mỗi người đến từ những vùng quê khác nhau, nhưng họ đã gác lại tất cả công việc để cùng con em mình khăn gói lên đường ứng thí. Đứng chờ con trong chiếc nón lá che khuất vành mắt, cô Nguyễn Thị Hà (quê Tiên Phước) tâm tư: “Mười hai năm ăn học của tụi nó quyết định trong mấy ngày hôm nay, dù có bận việc gì thì cũng phải gắng mà lo. Tôi nghỉ bán hàng một tuần rồi, ra cùng con chỉ mong nó gắng hết sức mà làm bài. Tôi nghĩ có mẹ đi cùng nên nó cũng đỡ lo lắng, sẽ làm bài tốt hơn”. Bà Võ Thị Ngọc Lan, quê Điện Bàn, nhà chỉ có hai mẹ con. Bà đã phải vay mượn tiền đưa con ra Đà Nẵng dự thi. Bất chấp cái khó nhưng không vì thế mà bà nản lòng. Bà bảo: “Nợ thì dần rồi cũng trả. Việc bây giờ là phải lo cho con. Giờ mà nó thi đậu nữa thì không gì vui bằng”.
Vượt qua cái nghèo, bước qua luôn cả nghịch cảnh của số phận, có những thí sinh dù mới sinh ra chưa toàn vẹn nhưng các em vẫn quyết tâm đến trường với một niềm tin ở bản thân không gì khuất phục. TS Nguyễn Đình Phước dự thi ngành công nghệ thông tin Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, bị teo cơ từ nhỏ. Phước chỉ cao 0,9m và nặng chưa đầy 30kg. Dù điều kiện thể chất khó khăn nhưng lực học của Phước luôn khiến bạn bè nể phục. Trong 3 năm THPT, điểm trung bình các môn của Phước luôn từ 7,9 trở lên, riêng các môn Toán - Lý - Hóa đều trên 9,1. Năm nay, cha con Phước bắt xe buýt từ Tam Kỳ ra ở trọ nhà bà con tại Đà Nẵng để dự thi. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên từ nhỏ Phước luôn cố gắng học tập. Ông Nguyễn Đình Toản - cha của Phước cho hay: “Cháu chịu thiệt thòi so với chúng bạn cùng lứa nhưng biết hoàn cảnh gia đình còn chật vật nên chưa bao giờ đòi hỏi cha mẹ điều gì”. Nói về lý do chọn ngành công nghệ thông tin, Phước chia sẻ rằng, vì phù hợp với điều kiện sức khỏe và cũng là mơ ước trở thành “hiệp sĩ công nghệ thông tin” như một số thần tượng của mình. Khác với những thí sinh “tí hon” mà chúng tôi gặp ở những kỳ thi trước, Phước tỏ ra rất tự tin với khả năng của mình trước giờ thi. “Tôi không lo về học lực của mình vì kiến thức cơ bản cũng đã ôn rất kỹ trong thời gian qua. Riêng môn Toán có lo lắng chút ít vì phải trình bày mà mình lại có tật viết nhanh và chữ xấu” - Phước thật thà nói. Biết được hoàn cảnh của Phước, sáng 30.6, PGS-TS Trương Thị Diễm - Trưởng điểm thi khu H, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã đưa Phước đi đo và chọn sử dụng bàn dự thi phù hợp với cơ thể. (H.QUỐC)
Lưu ý các điểm nhận đề thi 8 môn cùng lúc Đó là lưu ý đặc biệt của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga tại buổi kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia ở cụm thi số 27 tại Đà Nẵng. Thứ trưởng Bùi Văn Ga đề nghị Ban chỉ đạo cụm thi số 27 (Đà Nẵng và Quảng Nam) rà soát lại việc thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, không để xảy ra trường hợp TS vì khó khăn mà không được dự thi, nhất là TS đồng bào dân tộc thiểu số, ở nơi còn khó khăn. Đồng thời yêu cầu Đại học Đà Nẵng, Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam phối hợp thật tốt để kỳ thi diễn ra nghiêm túc. “Lần đầu tiên chúng ta tổ chức kỳ thi liên quan tới cả triệu thí sinh cả nước với nhiều mục đích nên không được để xảy ra sai sót. Với Quảng Nam và một số địa phương khó khăn về địa lý phải nhận đề thi 8 môn cùng một lúc từ cơ sở in sao phải đảm bảo tuyệt đối an toàn trong suốt kỳ thi. Chỉ cần một điểm thi mở đề không đúng lịch môn thi là ảnh hưởng tới cả nước” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga lưu ý. Theo báo cáo mới nhất của Đại học Đà Nẵng, có 14.405 thí sinh Đà Nẵng và 16.441 thí sinh Quảng Nam đăng ký dự thi ở 29 điểm thi tại Đà Nẵng. Có 81 thí sinh kịp thời bổ sung, điều chỉnh hồ sơ đăng ký dự thi. Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, trong số 14 điểm thi dành cho TS chỉ xét tốt nghiệp THPT tại địa phương có 7 điểm thi ở miền núi đã được UBND tỉnh hỗ trợ 1,2 tỷ đồng để giáo viên và học sinh ở tại trường ôn thi từ ngày 25.6 cho đến hết kỳ thi. Ngoài ra tại mỗi điểm thi đều bố trí hơn 20 cán bộ an ninh để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn. (Q.H) |
Chuyện bên lề * Sáng 1.7, sau khi được đưa tới điểm thi tại trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, TS Dương Hiển Phước phát hiện mình mang nhầm tài liệu không có thẻ dự thi, do đó cha của Phước phải quay về quê ở xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, để lấy thẻ dự thi. * Tại điểm thi Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng có nhiều thí sinh ở Quảng Nam đã đi lạc vì khuôn viên trường quá rộng và chưa quen địa hình. Tại trường có 3 điểm thi là khu B, khu F và khu H, mỗi khu đều có dán sơ đồ phòng thi và bố trí tình nguyện viên hướng dẫn thí sinh nhưng vẫn xảy ra trường hợp đi trễ 15 phút do lạc và nhầm phòng thi. * Không để tái diễn tình trạng kẹt xe như mọi năm, trong thời gian diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia, UBND TP.Đà Nẵng đã cấm các loại xe tải chở vật liệu xây dựng lưu thông ở một số tuyến đường vào giờ cao điểm. Thành phố cũng giao nhiệm vụ cho công an các quận, huyện phối hợp các Hội đồng thi để đảm bảo tuyệt đối an ninh trật tự ở các điểm thi, đồng thời không cho xe đậu đỗ, bán hàng rong gần khu vực điểm thi; không để phát tán các tờ rơi quảng cáo xung quanh khu vực có tổ chức thi. (H.Q) |