Sân chơi bổ ích
Nhiều mô hình, sáng kiến kỹ thuật trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội lần lượt được ra đời thông qua Cuộc thi sáng tạo trong thanh thiếu niên - nhi đồng do Huyện đoàn Duy Xuyên vừa tổ chức.
Em Võ Tiểu My thiết kế bản đồ Việt Nam bằng chất liệu đơn giản nhưng tinh tế. |
Huyện đoàn Duy Xuyên vừa tổ chức lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên - nhi đồng lần thứ II năm 2015. Được biết, sau 9 tháng phát động, Ban tổ chức đã tiếp nhận 46 mô hình sản phẩm của 36 liên đội, trường học với tổng cộng 54 thí sinh tham gia. Kết quả chung cuộc, Ban tổ chức trao 2 giải Nhất cho các mô hình “Xe đánh rãnh và gieo hạt” của em Phan Thanh Nhã, học sinh Trường THCS Nguyễn Chí Thanh và “Robot cứu hỏa” của em Phùng Ngọc Tuấn, học sinh Trường THCS Ngô Quyền. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 3 giải Nhì, 4 giải Ba và 7 giải Khuyến khích. |
Tham gia cuộc thi này, em Phùng Ngọc Tuấn (học sinh lớp 9, Trường THCS Ngô Quyền, xã Duy Hải) mang đến mô hình “Robot cứu hỏa”. Vật liệu làm nên sản phẩm này gồm sắt, vòng bi, mô tơ chuyển động, các sợi dây xích, bình chứa nước, vòi phun nước và thiết bị điều khiển. Tuấn cho biết, robot này chuyển động do 2 mô tơ được gắn trên bộ khung sắt và hoạt động đối lập với nhau. Mô tơ chuyển động được là do nguồn điện kết nối với hai công tắc. Khi đóng nguồn điện, mô tơ chạy thì các bánh xích hoạt động. Trường hợp tắt công tắc bên trái, mô tơ bên phải vẫn chạy, kéo theo robot hoạt động quay đầu sang trái và ngược lại. Về phần dập lửa, robot mang theo một bình chứa nước được nén bằng áp suất. Một van đóng mở nước được gắn trong bộ điều khiển chung, còn vòi phun nước đặt ở phía trước. Khi di chuyển đến nơi chữa cháy, chỉ cần mở van, nước tự động phun ra. Tuấn nói: “Em tạo ra sản phẩm này vì robot có thể vượt mọi địa hình, chữa cháy ở những khu vực nằm sâu trong hẻm nhỏ, nơi mà những xe chuyên dụng không thể tới được. Không chỉ vậy, nó còn được điều khiển từ xa. Nếu đưa vào áp dụng trong cuộc sống, em tin tưởng sẽ mang lại hiệu quả tích cực”.
Trong khi đó, em Võ Tiểu My – học sinh lớp 3, Trường Tiểu học số 2 xã Duy Vinh thì thiết kế một tấm bản đồ Việt Nam bằng những vật liệu hết sức đơn giản như áo mưa tiện lợi, xốp, cát trắng, vỏ chai nhựa…, nhưng cách thực hiện rất tỉ mỉ. My nói: “Thông qua mô hình này, em muốn các bạn hiểu rõ hơn về đất nước mình, nhất là chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Đây mới chỉ là hai trong số nhiều sản phẩm sáng tạo của các bạn thanh thiếu niên - nhi đồng trên địa bàn huyện Duy Xuyên mang đến cuộc thi.
Nhiều mô hình sáng tạo được ra đời từ sân chơi bổ ích này. Ảnh: THÀNH NHI |
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Ngọc Hải – Bí thư Huyện đoàn Duy Xuyên cho biết, cuộc thi là một trong những hoạt động dành cho các em có độ tuổi 6 - 19. Qua đó, khơi dậy tiềm năng, phát huy tư duy sáng tạo, hướng đến các hoạt động có ích cho xã hội. Ngoài việc giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, xây dựng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai thì đây còn là sân chơi bổ ích cho lứa tuổi học trò. Chị Hải chia sẻ: “Qua việc thu nhận, chấm chọn mô hình cho thấy các ý tưởng của thanh thiếu niên - nhi đồng rất phong phú, thuộc nhiều lĩnh vực như đồ dùng dành cho học tập, sản phẩm thân thiện với môi trường, dụng cụ sinh hoạt gia đình, đồ chơi trẻ em, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Đặc biệt, các em biết tận dụng những vật liệu phế thải để làm ra xe đánh rãnh gieo hạt giống, máy xử lý rác tại gia đình, bộ sưu tập đèn kính, áo phao… một cách rất tinh tế và đầy tính thẩm mỹ”.
Theo thầy giáo Lê Trung Thiêng, Phó phòng GD-ĐT huyện Duy Xuyên, mặc dù các mô hình sản phẩm vẫn còn ít so với tiềm năng của các em nhưng nhìn chung cuộc thi năm nay có sự sáng tạo, đổi mới, khác biệt so với lần trước. Thầy Thiêng nói: “Dù mới trải qua 2 năm, song việc tổ chức cuộc thi này đã thực sự đi vào nền nếp và cuốn hút đông đảo học sinh. Các trường học đều có sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các em phát huy năng lực sáng tạo. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng trong giáo dục hiện nay và cho cả tương lai”.
THÀNH NHI