Ứng phó với MERS-CoV

(Theo Cục Quản lý môi trường y tế) 01/07/2015 08:49

Theo thông báo mới nhất của Bộ Y tế, Việt Nam vẫn chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm MERS-CoV. Tuy nhiên, sự lây lan của dịch bệnh ở một số nước trong khu vực tiếp tục đặt ra những cảnh báo về nguy cơ xâm nhập và bùng phát dịch, nhất là đối với những địa bàn có lượng khách du lịch cao như ở Quảng Nam.

Ở một tỉnh du lịch như Quảng Nam, việc tăng cường giám sát đối với du khách nước ngoài là một trong những biện pháp nhằm phát hiện sớm, ngăn ngừa dịch MERS-CoV. Ảnh: T.C
Ở một tỉnh du lịch như Quảng Nam, việc tăng cường giám sát đối với du khách nước ngoài là một trong những biện pháp nhằm phát hiện sớm, ngăn ngừa dịch MERS-CoV. Ảnh: T.C

Lên phương án ứng phó

Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV) có khả năng lây truyền từ người sang người, chủ yếu trong nhóm người có tiếp xúc gần. Người mắc bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính: sốt, ho, viêm phổi nặng và nhanh chóng dẫn đến suy hô hấp cấp…, nguy cơ tử vong cao (tỷ lệ tử vong trong số ca mắc từ 35% - 40%). Cũng có một số trường hợp người nhiễm vi rút MERS-CoV không có triệu chứng hoặc biểu hiện lâm sàng rất nhẹ, gây khó khăn cho việc phát hiện. Đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh.

Trên trang web và trang mạng xã hội chính thức của Bộ Y tế, thông tin về dịch MER-CoV liên tục cập nhật để cảnh báo người dân về mức độ nguy hiểm. Đến hết ngày 24.6, Hàn Quốc ghi nhận thêm 4 ca nhiễm MERS-CoV, không có thêm ca tử vong, nâng tổng số ca bị nhiễm MERS-CoV ở nước này lên 179 trường hợp. Cùng ngày, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, đã có tổng số 1.352 ca mắc MER-CoV với 479 ca tử vong tại 27 nước, trong đó có nhiều nước ở khu vực châu Á như Philippines, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… Đây chính là nguy cơ rất lớn đối với Quảng Nam - địa bàn có lượng du khách nước ngoài đến mỗi ngày khá lớn.

Xác định mức độ nguy hiểm của dịch MERS-CoV, Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc liên quan triển khai ngay một số hoạt động như: hoàn thiện kế hoạch truyền thông phòng chống dịch MERS-CoV; cấp khẩu trang đặc chủng N95 cho các đơn vị điều trị và dự phòng; lập kế hoạch trình UBND tỉnh đáp ứng cho các hoạt động theo diễn biến của dịch. Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Sở đã sớm tham mưu UBND tỉnh lập kế hoạch phòng chống MERS-CoV và thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch. Sở cũng đã có kế hoạch phòng chống dịch cho các phòng ban liên quan của ngành. Những biện pháp khẩn cấp ban đầu đã được triển khai đồng loạt. Trong tuần này, sở sẽ tổ chức tập huấn chuyên môn cho các đơn vị để đảm bảo sẵn sàng ứng phó”.

UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch MERS-CoV tỉnh Quảng Nam gồm 15 thành viên, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh làm Trưởng ban.

Ngoài việc hạn chế đến các vùng có dịch, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo người dân cần chủ động phòng dịch bằng một số việc làm cụ thể như: giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; Tăng cường thông khí nơi ở, nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế..., hạn chế sử dụng điều hòa; Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác; ăn uống đủ chất, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý; Nếu thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và xử lý kịp thời.

Theo ghi nhận của phóng viên, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đã lập kế hoạch sẵn sàng thu dung, tổ chức điều trị cho ca bệnh MERS-CoV trong điều kiện cách ly nghiêm ngặt. Ông Nguyễn Văn Sơn - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế cho biết, theo kế hoạch của ngành và kế hoạch chung do UBND tỉnh ban hành, phương án ứng phó nhằm phát hiện và tổ chức xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch MERS-CoV, điều trị tích cực các ca bệnh, hạn chế lây lan và tử vong do MERS-CoV đã được phổ biến cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Các tình huống đặt ra khi chưa ghi nhận ca bệnh tại Quảng Nam, hay khi xuất hiện các ca bệnh và khi dịch lây lan trong cộng đồng đều được chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể triển khai ngay biện pháp ứng phó. “Quảng Nam là địa bàn đón lượng khách du lịch nước ngoài tương đối lớn, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện và lây lan dịch khá cao. Kinh nghiệm từ những lần chống dịch bệnh trước đây và sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Y tế giúp tỉnh nhanh chóng có kế hoạch ứng phó trước những diễn biến phức tạp của dịch” - ông Sơn nói.

Tăng cường giám sát

Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh MERS-CoV nào. Ca nghi nhiễm đầu tiên của một du khách Nga ở Đà Lạt trước đó cũng đã được xác nhận âm tính với vi rút gây bệnh. Do đó, bên cạnh công tác chuẩn bị về nhân lực, phương tiện, kinh phí và các phương án ứng phó, việc giám sát nhằm phát hiện sớm nhất các ca bệnh đã được chuẩn bị. Song song với tập huấn chuyên môn về triển khai công tác giám sát, phòng chống MERS-CoV cho cán bộ y tế các tuyến, Sở Y tế chỉ đạo triển khai giám sát tất cả ca viêm hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng. Ông Huỳnh Công Quang - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện tăng cường giám sát hành khách tại cảng Kỳ Hà, cảng Tam Hiệp, sân bay Chu Lai. Ngoài ra, Trung tâm Y tế dự phòng cũng đã chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, sinh phẩm y tế để kịp thời lấy và gửi mẫu xét nghiệm chẩn đoán xác định MERS-CoV”.

Tại các huyện, thành phố, đội chống dịch các tuyến cũng được kiện toàn, sẵn sàng phương án hỗ trợ các địa phương điều tra, xử lý ổ dịch. Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch tại các vùng miền, đánh giá nguy cơ xuất hiện dịch để đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp. Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện công lập, tư nhân chuẩn bị sẵn sàng phương án phân luồng khám bệnh, cơ số thuốc, khu vực cách ly, giường bệnh; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân. Trường hợp người nước ngoài nhập cảnh vào địa bàn tỉnh nghi ngờ mang mầm dịch sẽ được kịp thời tổ chức cách ly và áp dụng các biện pháp phòng chống, hạn chế sự lây lan của bệnh. “Những việc làm này nhằm phát hiện sớm ca bệnh, tổ chức cách ly và điều trị tích cực. Nếu có dấu hiệu của dịch, phương án khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu” - ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế cho biết thêm.

Bí quyết bảo vệ sức khỏe mùa nắng nóng

Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), vào mùa nắng nóng, người dân có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe, thường gặp là: say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng. Nguyên nhân chủ yếu là phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc do thay đổi nhiệt độ đột ngột. Những đối tượng có nguy cơ cao gồm: người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai; những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu hoặc trong môi trường nóng bức; người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, đái tháo đường…

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân, người lao động nên hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt ở khoảng thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ. Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi ra ngoài trời. Người lao động nên mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi. Trong bữa ăn cần tăng cường các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày. Đặc biệt, mỗi ngày cần uống tối thiểu 1,5 - 2 lít nước, uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần.

Đối với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng, nên bố trí thời gian làm việc vào những lúc trời mát mẻ nhất trong ngày như sáng sớm hoặc chiều muộn; hạn chế thời gian làm việc trong môi trường nhiệt độ cao. Nếu bắt buộc phải làm việc ngoài trời nắng nóng, không nên làm việc quá lâu, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên định kỳ sau khoảng 45 phút đến 1 giờ làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong khoảng thời gian 15 - 20 phút. Khi làm việc, hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng. Không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc; uống thêm các loại nước có bổ sung muối và khoáng chất như Oresol đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc…

(Theo Cục Quản lý môi trường y tế)

THÀNH CÔNG

(Theo Cục Quản lý môi trường y tế)