Giảm áp lực cho sĩ tử

QUỐC HƯNG 30/06/2015 10:25

Rất nhiều học sinh châu Á gặp áp lực trong các kỳ thi tuyển sinh đại học bởi sự cạnh tranh gay gắt cũng như kỳ vọng quá mức từ gia đình.

Vào tháng 6 hằng năm, Gaokao - kỳ thi tuyển sinh đại học duy nhất ở Trung Quốc là một cuộc cạnh tranh “khốc liệt” nhất. Trước nhiều chỉ trích về cuộc thi quá chú trọng về số điểm, Bộ Giáo dục Trung Quốc năm nay quyết định cải cách một số chương trình tuyển sinh nhằm chọn lựa sinh viên dựa vào kỹ năng và thực tế. Đồng thời giúp học sinh có cơ hội lựa chọn các môn thi phù hợp với khả năng, sở trường nhằm phát huy niềm đam mê khi được tuyển chọn. Tuy vậy, mỗi năm ước tính khoảng hơn 10 triệu sĩ tử Trung Quốc đi thi, trong đó khoảng 2 triệu thí sinh sẽ bị đánh rớt.

Rất nhiều học sinh châu Á bị áp lực trong cuộc thi vào các trường đại học. (Ảnh: ttlearning)
Rất nhiều học sinh châu Á bị áp lực trong cuộc thi vào các trường đại học. (Ảnh: ttlearning)

Áp lực của sĩ tử về định hướng tương lai cũng như sự kỳ vọng quá mức của nhiều bậc phụ huynh khiến kỳ thi đại học tại Trung Quốc trở thành nỗi “ám ảnh”. Do đó, trong khi chờ đợi kết quả cao khảo năm nay sau khi kết thúc vào ngày 10.6, trang mạng Weibo của Trung Quốc tổ chức diễn đàn với chủ đề “Cổng trường đại học không phải là con đường duy nhất”. Diễn đàn là nơi chia sẻ, động viên cũng như nhắn nhủ thông điệp trên đến toàn xã hội nếu con cái trượt kỳ thi quá áp lực này. Nhà văn trẻ của Trung Quốc - Tiancan Tudou nói: “Vào được đại học rất quan trọng, song đây không phải là con đường duy nhất để vào tương lai. 18 tuổi, các em cũng có thể tự chọn con đường đi của riêng mình”.

Bên cạnh được ủng hộ, diễn đàn trên cũng nhận được không ít chỉ trích của nhiều bậc phụ huynh. Rằng tương lai của con em mình được quyết định nơi giảng đường đại học. Qua đó, tạo nền tảng quan trọng để các em sẽ kiếm được việc làm ổn định, lương cao, tương lai tốt hơn. Mặt khác, diễn đàn cũng tác động tích cực đến tâm lý các em thi trượt, hạn chế những suy nghĩ tiêu cực cũng như động viên các bậc phụ huynh khi con đạt điểm thấp. Đây vốn là vấn đề “nóng” của xã hội Trung Quốc sau mỗi kỳ cao khảo.

Tương tự, cuộc cạnh tranh vào giảng đường đại học tại Ấn Độ rất gây cấn. Là quốc gia đông dân thứ hai thế giới với khoảng 1,2 tỷ người, mỗi năm hàng triệu sĩ tử thi vào đại học. Trong đoạn tin nhắn trên video, nhà soạn kịch kiêm diễn viên Vir Das rất thành công tại Ấn Độ chia sẻ quan điểm về thi cử. Lúc đầu Das thi vào khoa kinh tế ở một trường đại học Mỹ nhưng sau này nhận ra rằng đam mê của lớn nhất là con đường nghệ thuật điện ảnh và theo đuổi đến cùng. Ý kiến của Das nhanh chóng nhận được hàng trăm nghìn bình luận rằng không phải ai bước qua ngưỡng cửa đại học mới thành công. Chia sẻ của Das nhận được nhiều đồng cảm. Một bạn đọc viết: “Cảm ơn Das cho tôi hiểu rằng cuộc đời của mình không phải chấm hết sau kỳ thi đại học với số điểm thấp. Cuộc thi nào cũng có nỗ lực rất lớn của mỗi sĩ tử và gia đình. Giảng đường đại học mở rộng cánh cửa tương lai cho rất nhiều người. Dẫu vậy, đại học không phải con đường duy nhất và tất cả để lập thân, lập nghiệp cho tuổi trẻ nên giảm áp lực cho các sĩ tử là điều hết sức cần thiết”.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG