Chuyện tránh nóng
Một sinh viên khoa điện ảnh chọn đề tài nói về cái nóng. Anh đã thành công sau khi khó nhọc đến tận miền Trung vùng Hải Lăng, Quảng Trị quay cảnh gió Lào thổi rung mái tôn trên phông nền cát trắng…
Nhà lá mái ở Quảng Nam. |
Tôi đi đây đó nhiều, và thường là công việc tu bổ kiến trúc cổ. Tôi đi qua những ngôi tháp bằng gạch của người Chăm cổ dựng nên như Chiên Đàn, Khương Mỹ. Đây là vùng có đá ong bên dưới nên là nơi hạn hán và nóng như nung. Tôi đi qua vùng nóng nhất ở Quảng Nam như Mỹ Sơn và nằm trong thung lũng nóng ấy vào những ngày hè. Rồi lại chang chang đầy nắng và nắng như rang ở các đồi cao của nhóm tháp Bình Định và Phan Rang. Nhưng trong lòng tháp, hơi tối lại tỏa hơi ẩm lạnh là nơi tuyệt vời nhất để tôi tránh cái nóng của nhiều mùa tu bổ.
Chuyện ngày xưa
Sẽ không ngoa khi nói, muốn cảm nhận cái nóng khốc liệt nhất miền Trung thì hãy đến quê tôi - Quảng Trị. Tôi nhớ như in mùa hạ năm 1976. Năm ấy trong cái nóng của mùa gió Lào mà bố tôi và tôi dù đã trốn người kín bưng trong ngôi nhà tranh vách đất mà vẫn phải thu người trên tấm chiếu trải trên nền đất ẩn bên dưới gầm giường thấp. Tháng ngày ấy khi cơn gió mang theo hơi nóng thổi từ phía tây của nước bạn Lào gọi là “nam lửa” đi qua làng; những cây chuối sau hè hôm qua còn xanh non nay đã cháy vàng. Con người chỉ biết đóng kín cửa nằm sát nền đất ẩm, ăn khoai và uống nước chè xanh. Đó là cách duy nhất mà cha con tôi tránh nóng!
Kinh nghiệm của người già vào những ngày hè oi ả, cách hay nhất là ra khe nước, bờ ao, bờ sông, bờ biển… nơi có dòng nước chảy qua với những khóm tre hay dưới bóng cây cổ thụ để tránh nóng. Nơi ấy từ trưa đến chiều của những ngày hè luôn xôn xao tiếng nô đùa của trẻ thơ và cả người lớn. Nơi thư giãn tuyệt vời trong dịp nghỉ hè của học sinh, bù cho những ngày đèn sách vất vả, mà bài học thuộc lòng còn vang lên trong tôi: Để tránh hè oi dịp bãi trường/các em về biển hay lên núi...
Khi gia đình chuyển về Huế, tôi còn nhớ cứ hễ ngày nắng nóng tôi thường qua nhà bà o (cô) có cái cột nhà rường bằng gỗ mít để áp má lấy hơi mát hay xin nằm trần mình trên bộ ván gỗ gõ của anh tôi để ngủ trưa. Những ngày nóng nhất vào độ tháng 5 âm lịch, bà nội dẫn tôi lên lầu chuông - nơi cao nhất của cửa Đông Ba (nơi ra vào của cửa chính Đông thành nội Huế) để đón gió. Nơi này gần nhà tôi nên thường trở thành chỗ ngủ trưa và cũng là nơi anh em tôi thử sức với những sáng tạo cho cánh diều bay cao.
Nhưng tuyệt vời nhất là được an toàn lọt thỏm vào hai quai súng, mát rượi khi áp má rồi ngon giấc trên khẩu thần công dựng nghiêng. Khu vực này có đến 9 khẩu (cửu vị thần công) đúc bằng đồng được đặt trang trọng và oai linh trong hai dãy nhà sau kỳ đài ở cửa Ngăn/ Chương Đức (đặt 5 khẩu) và cửa Sập/ Quảng Đức (đặt 4 khẩu). Khu này rất gần trường học của tôi nên vào dịp được nghỉ học bất ngờ khi thầy cô bận việc hay đau ốm, tôi lại được cùng bạn hiểu thêm nghĩa cái chất “lạnh như đồng” để khắc tinh lại cái nóng bên ngoài.
Một cách ban sơ
Nhớ những năm 90 của thế kỷ XX tôi và kiến trúc sư người Ba Lan - Kazic đã qua những ngày hè nóng bức trong lòng tháp B5 ở Mỹ Sơn. Và ở Mỹ Sơn, thú vị nhất là tôi khám phá được cách thông gió hữu hiệu khi đo vẽ phần trần mái trên của tháp E7 với những lỗ thông gió hình cái phễu có kiểu ngoài to trong nhỏ bằng gạch ở phần tường cao đã giúp tôi lấy luồng gió mát khi trong tư thế không thỏa mái, ngột ngạt của vòm trần hẹp.
Những năm gần đây đi nghiên cứu nhà xưa lại phát hiện vùng trung du Quảng Nam, Tiên Phước có kiểu nhà đắp đất ở trần, bên trên tạo thêm khoảng trống thông khí rồi lợp tranh càng chống nóng hữu hiệu mà người ta gọi là nhà lá mái có nhiều ở Bình Định, Phú Yên đến cả vùng hải đảo Cù Lao Ré, Quảng Ngãi.
Như vậy, ngày trước người xưa xem trọng việc tránh nóng, nhất là đối với vùng miền Trung khắc nghiệt này. Chọn vị trí thiên nhiên ưu đãi như sông hồ ao nước cả rừng cây và hang động để tránh, ẩn núp để qua mùa hè khắc nghiệt. Những kiến trúc đền tháp, chùa, đình… đã được người xưa kiến thiết từ chất liệu tranh tre đến gạch gỗ có mái cao để tránh nóng. Nhưng hôm nay dẫu là văn minh với các vật liệu tôn kính, nhôm… kèm theo cả công nghệ làm mát như quạt máy, máy lạnh nhưng đôi khi con người xem chừng phải vẫn khổ sở khi có sự cố mất điện. Sự tiêu tốn năng lượng như điện năng khiến nhiều gia đình phải bỏ ra số tiền không nhỏ để trả cho cái máy lạnh xài trong mùa hè. Nhưng không phải ai cũng có tiền để trả chi phí sang trọng này. Có những cái nóng mà riêng tôi nghĩ đến bỗng dưng... nổi da gà như gặp lạnh. Đó là cái nóng trong những ngôi nhà tôn ở vùng núi, nơi con người tưởng khôn ngoan khi sử dụng vật liệu tôn thay thế cho mái tranh từ bao đời. Cả những ngôi nhà cộng đồng, nhà tái định cư của người miền núi đến những ngôi nhà vùng nông thôn nay đã ảnh hưởng “văn minh tôn”.
Cũng xin gợi lại chuyện về những ngày đầu tiên vào làm việc tại Tam Kỳ năm 1997, tôi phải thuê một căn phòng nhỏ gần cơ quan, nhưng ngôi nhà trọ có cái mái bằng bêtông nắng dọi vào nóng cả ngày đến 2 - 3 giờ khuya mới giảm. Vì vậy tôi chỉ còn cách tránh nóng ban trưa trên cánh võng treo ở cái nhà bếp lợp tranh (mà chủ nhà không hài lòng vì bảo nơi này là chỗ tạm bợ). Tôn thì không thể lạnh như người ta quảng cáo. Và tôi cam đoan với mọi người rằng chỉ Việt Nam ta mới có nhà ở lợp mái tôn. Ở nơi phát minh ra mái lợp bằng kim loại này thì người ta chỉ dùng cho nhà kho hoặc nhà xưởng sản xuất kèm hệ thông gió tạo mát cho công nhân.
Dịp hè hôm nay, tránh nóng về quê thư giãn như bài học thuộc lòng ngày trước e rằng con em chúng ta phải khổ sở. Về quê, còn rất ít sân đình yên ả, thoáng mát với cây đa, bến nước trong xanh. Lối vào nhà đã bê tông thay cho hàng rào xanh chè tàu, mái nhà cũng bê tông hay tôn hóa cho bền vững và cả tấm phản gỗ dày mua không ít tiền cũng bị phủ sơn P.U nằm dính da không rút mồ hôi. Khổ nhất, vào những ngày kỵ giỗ về quê đúng mùa hè tôi phải ra ngoài gốc mít ngồi thở dốc...
Một chút gợi nhớ về chuyện trốn, tránh nóng xem ra có quá nhiều cách. Tôi thì về vùng quê nơi được xem là nóng nhất của xứ Quảng - gần tháp cổ Mỹ Sơn làm ngôi nhà phỏng theo kiểu nhà lá mái của người xưa. Thật hữu ích và vui vì trưa nay bên ngoài trời nóng đến 40 độ, lũ trẻ bên hàng xóm vẫn ngon giấc ngủ trưa yên lành và mát rượi trên cái sàn tre của nhà tôi!
NGUYỄN THƯỢNG HỶ