Vui buồn văn học thiếu nhi
Nhiều năm trước cứ đến hè, Tỉnh đoàn, Sở VH-TT, Sở GD-ĐT tỉnh, Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung thường phối hợp mở các trại sáng tác hoặc các cuộc thi văn học và mỹ thuật cho thiếu nhi cả tỉnh. Một số em có năng khiếu về văn học và mỹ thuật đã được phát hiện và bồi dưỡng, nhiều em đã trưởng thành từ các trại/ cuộc thi này. Nhưng mấy năm gần đây, chỉ còn duy trì các cuộc thi mỹ thuật, bỏ trống mảng văn học.
Các trại sinh giao lưu với các nhà văn, nhà thơ. Ảnh: L.TRÂM |
Để lấp vào khoảng trống ấy, hè năm 2013, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã chỉ đạo cho Chi hội văn học phối hợp với Ban chỉ đạo hè, huyện, thành đoàn và các phòng GD-ĐT huyện, thành phố mở một đợt trại sáng tác cho học sinh lứa tuổi 11 - 17 tuổi. Có 21 em có năng khiếu sáng tác văn học từ 8 huyện, thành phố về tham gia trại. Vài em đã có sáng tác đăng tải trên các báo của tỉnh còn lại đa số chỉ mới được phát hiện qua các đợt bồi dưỡng học sinh giỏi hoặc qua các đợt làm báo tập, báo tường ở trường. Ban tổ chức trại khá bất ngờ khi đọc các bản thảo viết khá chắc tay của các em lớp 9, 10 như Văn Trần Nhã Trúc (Quế Sơn), Lê Mai Nhật Uyên (Phú Ninh), Huỳnh Diễm Diễm (Đông Giang)… Chương trình trại được sắp xếp sít sao trong hai ngày, một đêm. Các em đã được đi tham quan các nơi cần đến để có được tầm nhìn khái quát về quê nhà như: hồ Phú Ninh, Tượng đài Chiến thắng Núi Thành, Biển Rạng, Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An, bãi biển Cửa Đại… Các em đi thăm Trại trẻ em mồ côi, Làng Hòa bình (Phú Ninh), thăm Từ đường tộc Nguyễn Tường - nơi ra đời của các nhà văn họ Nguyễn Tường trong Tự lực văn đoàn nổi tiếng hồi đầu thế kỷ trước. Các em còn được bồi dưỡng kỹ năng sáng tác, gặp gỡ và giao lưu với một số tác giả trong tỉnh.
Trong thời gian tham gia trại, tất cả trại viên đều có sáng tác nộp về cho ban tổ chức và đã được các nhà văn, nhà thơ góp ý. Khá nhiều tác giả được đánh giá cao đã được tặng thưởng, nhiều tác phẩm từ trại này đã được in liên tục trong hai năm 2013 - 2014 trên tạp chí Đất Quảng. Năm 2014 Lê Mai Nhật Uyên còn nhận tặng thưởng của tạp chí Đất Quảng về tác phẩm văn xuôi hay nhất trong năm. (Đài Phát thanh truyền hình Quảng Nam cũng đã làm riêng một chương trình văn học thiếu nhi nhân dịp Tết Nguyên đán với sự tham gia của các em thành viên của trại sáng tác). Với kết quả khả quan này, ban tổ chức trại có tham vọng rằng sẽ tiếp tục theo dõi quá trình sáng tác của các em sau khi rời trại cũng như tiếp tục duy trì việc mở trại sáng tác văn học hằng năm cho các “mầm non” có tiềm lực sáng tác và coi đó như là biện pháp thiết thực nhất để nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tác của thiếu nhi tỉnh nhà.
Thế nhưng mọi sự không hề suôn sẻ như những gì ban tổ chức trại kỳ vọng. Về phía các em, ngoài những sáng tác gửi lại ở trại, nhiều em không còn viết gì thêm kể cả những em viết tốt nhất (ngoại trừ Lê Mai Nhật Uyên); cũng có vài em gửi sáng tác về nhưng chất lượng khá hạn chế. Chúng tôi thử tìm hiểu và khá bất ngờ trước câu trả lời của các em: không có thời gian để viết! Ngoài thời khóa biểu dày đặc ở trường, các em liên tục chạy đôn chạy đáo để tham gia các lớp học thêm với kỳ vọng kiếm một suất ở một trường đại học khả dĩ nào đó! Chẳng còn thời gian rảnh rỗi để chiêm nghiệm vấn đề nào đó để viết, chẳng thể nào thoát ra khỏi chuyện bài vở vốn rất ê hề nên không thể có thời gian sáng tác. Đó là câu trả lời của cô bé trại trưởng năm nào, năm học tới cô bé này sẽ học lớp 12, phải tự lo liệu mọi bề cho kỳ thi đại học sắp tới. Và, “giả dụ nếu Hội Văn học nghệ thuật tỉnh có tổ chức một đợt trại nữa chưa chắc cháu dàn xếp được thời gian để tham gia, bác ạ!”- cô bé trao đổi với tôi kèm theo ánh mắt tiếc rẻ. Trại phó của năm xưa, giờ đã là sinh viên của một trường đại học, cũng chẳng thấy gửi tác phẩm về!
Về khâu tổ chức, hè năm 2014, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cũng dự định tổ chức một đợt trại nữa nhưng rồi đành hủy bỏ do không có kinh phí! Để huy động vài chục triệu đồng cho hai ngày trại hóa ra lại là công việc khó khăn. Dùng kinh phí hỗ trợ của Chính phủ thì không được bởi kinh phí ấy chỉ phục vụ cho các công việc sáng tác của hội viên (?) mà xin sự tài trợ của một đơn vị nào đó thì quá khó khăn! Câu chuyện sáng tác văn học thiếu nhi tỉnh nhà, vì thế, đến bây giờ vẫn cứ loay hoay, không tìm được lối ra. Có chăng chỉ còn biết chờ đợi những sáng tác hiếm hoi và ngẫu hứng bất chợt của vài gương mặt còn ít nhiều gắn bó với văn học hiện nay như Lê Mai Nhật Uyên, Dương Lý Ánh Nguyệt hay Nguyễn Bích Chiêu!...
Lại một mùa hè nữa đến, cuộc thi mỹ thuật thiếu nhi vẫn tiếp tục được duy trì, còn văn học thiếu nhi thì chẳng biết đến khi nào?
LÊ TRÂM