Giảm thiểu rủi ro do thiên tai
Triển khai Nghị quyết 41, ngày 15.11.2004 của Bộ Chính trị về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Quảng Nam tận dụng các nguồn lực đầu tư, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), từng bước thích ứng có hiệu quả với bất thường của thiên tai.
Người già, người tàn tật luôn là đối tượng dễ bị tổn thương do thiên tai. TRONG ẢNH: Đoàn viên thanh niên sơ tán một cụ già về Trường Đại học Quảng Nam tạm trú trong cơn bão năm 2013.Ảnh: T.H |
Xây nhà, kè kiên cố
Vào mùa mưa bão, các địa phương ven biển luôn xác định nhà ở cấp 4, người nghèo, người già, trẻ em… là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do thảm họa thiên tai, BĐKH gây ra. Tại xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), các xã Tam Hải, Tam Tiến (Núi Thành), nếu xảy ra gió bão cấp 11 trở lên, hầu như chính quyền buộc phải sơ tán toàn bộ người dân. Ông Nguyễn Thanh Lâm - Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết, phổ biến trên địa bàn nhà ở cấp 4 bán kiên cố, nên vào mùa mưa bão buộc phải chằng chống. Ngoài việc di dời dân lên các công trình kiên cố ở TP.Tam Kỳ, địa phương còn sử dụng các trụ sở cao tầng, nhà ở đúc bê tông… làm nơi trú bão cho dân. Khó khăn nhất của chính quyền là vận động bà con sơ tán. Việc Nhà nước hỗ trợ cho người nghèo xây nhà ở phòng tránh bão lụt sẽ giúp cho người dân thực hiện có hiệu quả phương châm “hậu cần tại chỗ”. Trước mùa mưa bão năm nay, UBND tỉnh cũng quyết định phân bổ 5 tỷ đồng xây dựng 243 ngôi nhà tránh bão lụt cho đối tượng hộ nghèo trên địa bàn, nhiều nhất là huyện Nông Sơn 86 nhà, ít nhất Bắc Trà My chỉ với 1 nhà ở. Theo phê duyệt của tỉnh, có 3.563 hộ nghèo trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai sẽ được hỗ trợ xây nhà ở chống bão lụt. Tuy nhiên, do nguồn lực eo hẹp, nên trước mắt các huyện, thành phố rà soát các đối tượng đảm bảo điều kiện ưu tiên thứ tự. Năm 2015, có hàng trăm hộ nghèo được đầu tư xây nhà ở kiên cố.
Nâng cấp đô thị cổ để ứng phó với thiên tai Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với BĐKH tại TP.Hội An chính thức phê duyệt với mức đầu tư 88,5 triệu USD. Theo đó, giai đoạn 2015-2020, đô thị cổ sẽ xây dựng hệ thống cảnh báo lũ trên sông Vu Gia - Thu Bồn, cải thiện hệ thống dự báo xâm nhập mặn; xây dựng nhiều công trình bảo vệ nguồn nước; xây dựng hồ chứa nước Lai Nghi; lắp đặt và tập huấn sử dụng hệ thống thông tin địa lý và quản lý, giám sát từ xa; xây dựng khu đô thị Cổ Cò… |
Tại bờ hữu sông Thu Bồn khu vực Tân Bình, tuyến kè dài gần 1km đi qua 2 xã Điện Trung và Điện Quang (thị xã Điện Bàn) đang xúc tiến thi công với nguồn vốn gần 30 tỷ đồng. Công trình này khi đưa vào sử dụng sẽ bảo vệ nhà cửa, tài sản cho gần 400 hộ dân và 500ha đất sản xuất ven sông. Còn tuyến đê biển tại Cửa Đại (TP.Hội An) giai đoạn 1 dài 714m với kinh phí 80 tỷ đồng đã hoàn thành. Theo Sở NN&PTNT, giai đoạn 2016-2020, cần 820 tỷ đồng để xây dựng đê Duy Vinh, đê Duy Thành - Duy Vinh, đê Duy Thành - Duy Nghĩa (Duy Xuyên); kè chống xâm thực bờ biển Hội An giai đoạn 2; đê Tam Tiến - Tam Hòa - Tam Quang - Tam Giang (Núi Thành); kè Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) giai đoạn 2; đê Bình Đào - Bình Hải (Thăng Bình).
Bảo vệ môi trường bền vững
BĐKH đã, đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng và khó kiểm soát trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Thời gian qua, bên cạnh Trung ương bố trí vốn xây dựng công trình phòng tránh thảm họa thiên tai, còn có nhiều chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu, khảo sát thực địa đánh giá toàn diện những khu vực dễ bị tổn thương bởi BĐKH. Từ đó đề xuất các giải pháp chiến lược mang lại hiệu quả cả trước mắt lẫn lâu dài. Triển khai Nghị quyết 24 ngày 3.6.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Tỉnh ủy đã có chương trình hành động cụ thể. Từng ngành, lĩnh vực có kế hoạch tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cộng đồng phòng tránh thiên tai. Đặc biệt, trong mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tầm nhìn quy hoạch vùng, ngành, tỉnh chú trọng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển du lịch, nuôi trồng thủy hải sản lồng ghép với trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ, nâng cấp đê ngăn mặn, hồ chứa nước…
Các địa phương có thế mạnh về sản xuất trồng trọt như Điện Bàn, Duy Xuyên, Phú Ninh, Thăng Bình… mạnh dạn đưa vào giống cây trồng ngắn ngày, chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập úng, kháng sâu bệnh cao. Các nghiên cứu bước đầu cho thấy, đã có thành công về việc dùng lúa cạn và cây lương thực cũ ở đất cao để né lũ, hạn, nước mặn xâm nhập. Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ nông nghiệp từng bước được đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn; công tác khuyến nông, nhân rộng các mô hình, giải pháp thích ứng với BĐKH đem lại hiệu quả. UBND tỉnh đang xem xét, phê duyệt quy hoạch điều chỉnh phát triển, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển.
TRẦN HỮU