Hồi chuông bảo vệ môi trường sống

NAM VIỆT 25/06/2015 08:54

Kết luận nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ vừa gây chấn động khi đưa ra lời cảnh bảo, thế giới đang bước vào giai đoạn tuyệt chủng mới.

Phá rừng, một trong những nguyên nhân chính khiến thế giới đang bước vào thời kỳ tuyệt chủng mới. (Ảnh: Bloomtrigger)
Phá rừng, một trong những nguyên nhân chính khiến thế giới đang bước vào thời kỳ tuyệt chủng mới. (Ảnh: Bloomtrigger)

Công bố của các nhà khoa học hiện làm việc tại 3 trường đại học danh tiếng của Mỹ là Stanford, Princeton và Berkeley, vừa được đăng trên tạp chí Science Advances. Minh chứng cho kỷ nguyên tuyệt chủng mới do tốc độ biến mất của các loài động vật có xương sống nhanh hơn 114 lần so với mức bình thường. Một trong những nhà nghiên cứu, ông Gerardo Ceballos nói, kể từ năm 1990, hơn 400 loài động vật có xương sống đã biến mất hoàn toàn. Tương tự, Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên cho biết mỗi năm có ít nhất 50 loài động vật ở ngưỡng bị tuyệt chủng. Khoảng 41% các loài động vật lưỡng cư và 25% động vật có vú cũng đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Các nhà nghiên cứu lý giải về nguyên nhân chính là hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu và nạn chặt phá rừng diễn ra rất nghiêm trọng. Không ai khác, con người được xác định là tác nhân chính gây ra các hiện tượng trên và cũng là nạn nhân đầu tiên gánh chịu hậu quả nặng nề do các hành động tiêu cực làm tổn hại đến môi trường. Nạn phá rừng trên quy mô toàn cầu vẫn đang ở mức báo động, thế giới mỗi năm mất 13 triệu héc ta rừng, khiến môi trường sống của 2/3 loài trên trái đất bị thu hẹp, đa dạng sinh học bị suy giảm. Hơn nữa, nạn phá rừng đó làm gia tăng 6 tỷ tấn CO2 gây hiệu ứng nhà kính, gây lụt lội diện rộng… Phá rừng còn khiến hệ sinh thái bị phá hủy, đơn cử như việc thụ phấn của loài ong sẽ biến mất, thế giới có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng vì thiếu rau xanh và trái cây.

Thế giới đang bước vào thời kỳ tuyệt chủng mới - thêm một hồi chuông cảnh báo nhân loại về hành động khẩn cấp và thiết thực hơn trong việc bảo vệ môi trường, ngăn chặn hiệu quả nạn chặt phá rừng. Ngoài ra, việc tăng cường bảo vệ các loài động vật, nhất là động vật có xương sống. “Bởi nếu điều này tiếp tục diễn ra, cuộc sống của chúng ra sẽ mất hàng triệu năm để phục hồi và như vậy thì loài người cũng sẽ tự biến mất sớm” - một trong những nhà nghiên cứu - ông Gerardo Ceballos nói.

Như vậy, với kết luận nghiên cứu của các nhà khoa học tại các đại học Mỹ thì thế giới đang bước vào thời kỳ tuyệt chủng thứ 6. Thời kỳ đầu tiên là cách đây 445 triệu năm trước, khí hậu đột ngột lạnh xuống, vào thời điểm đó chưa có sinh vật trên đất liền. Lần thứ hai cách đây khoảng 375 triệu năm, khủng hoảng gây ra do oxy trong nước bị hạ thấp, vì nước thiếu lưu chuyển. Lần khủng hoảng thứ ba là vào khoảng 250 triệu năm trước. Đây là lần khủng hoảng lớn, một số người đưa ra con số 96% giống loài biến mất. Rồi cách đây khoảng 200 triệu năm là thời kỳ khủng hoảng thứ tư. Cuộc khủng hoảng thứ năm, gần đây nhất, xảy ra vào khoảng 65 triệu năm trước, khi thế giới chứng kiến sự tuyệt chủng của các loài khủng long.

NAM VIỆT

NAM VIỆT