Bế tắc du lịch làng mộc Kim Bồng
Cần có hướng đi mới phù hợp hơn khi các hoạt động du lịch tại làng nghề truyền thống mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP.Hội An) ngày càng lâm vào bế tắc.
Tour “Một thoáng Kim Bồng” thưa thớt khách. Ảnh: QUỐC HẢI |
Giải thể hợp tác xã
Năm 2004, thông qua chương trình xóa đói giảm nghèo do Liên hiệp quốc tài trợ, Kim Bồng là làng nghề đầu tiên của Hội An được hưởng lợi từ một dự án du lịch. Cùng với chương trình hỗ trợ của Trung tâm Thương mại quốc tế - ITC, Hội An đã lập dự án đầu tư khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống mộc Kim Bồng gắn với hoạt động du lịch giai đoạn 2004 - 2007. Qua 10 năm thực hiện, hơn 5,2 tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng sản xuất, trung tâm làng nghề, nơi đón tiếp, trưng bày, giới thiệu sản phẩm... Sau thời điểm đó, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ - du lịch làng nghề truyền thống Kim Bồng gồm 23 thành viên cũng được thành lập. Ông Huỳnh Ngọc Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim cho biết: “HTX có chức năng phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour đưa khách tham quan làng nghề; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù như trình diễn nghề mộc, tour xe đạp “Một thoáng Kim Bồng”…; vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm mộc chủ yếu là xuất sang các nước khu vực châu Âu và Bắc Mỹ với doanh thu khoảng 3 - 4 tỷ đồng mỗi năm”.
Hiện Kim Bồng đã có khoảng 18 cơ sở sản xuất kinh doanh, 3 công ty chuyên sản xuất và cung cấp các sản phẩm mộc Kim Bồng là Tân An, Trường An và Kim Bồng. Giai đoạn 2007 - 2010, tốc độ phát triển du lịch của làng tăng bình quân mỗi năm hơn 104%, làng mộc Kim Bồng trở thành mô hình du lịch cộng đồng kiểu mẫu với lượng khách đến tham quan trải nghiệm rất cao. Thế nhưng, các năm sau đó, lượng khách giảm dần, đến năm 2013 chỉ còn khoảng hơn 1.377 lượt, doanh thu tụt giảm từ gần 270 triệu đồng năm 2008 xuống còn 80,39 triệu đồng năm 2013. Du lịch cộng đồng làng nghề giảm sút cả về quy mô và năng lực, hoạt động du lịch chỉ cầm chừng, thậm chí, HTX Dịch vụ du lịch làng nghề truyền thống Kim Bồng đã giải thể năm ngoái. “Hoạt động không hiệu quả thì giải thể!” - ông Huỳnh Sướng, nguyên Chủ nhiệm HTX nói.
Theo UBND xã Cẩm Kim, HTX giải thể là do sự trì trệ, tan rã của bộ máy quản lý, nội bộ ban chủ nhiệm mất đoàn kết, các thành viên không có tiếng nói chung trong việc góp ý kiến xây dựng và quản lý du lịch cộng đồng. Ban chủ nhiệm lại có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương. Bà Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Thương mại – du lịch Hội An cho biết: “Sự công bằng về phân chia lợi nhuận giữa các thành viên, xã viên HTX Dịch vụ du lịch làng nghề truyền thống Kim Bồng chưa đảm bảo; chưa gắn kết quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng tại làng mộc vào chính sách phát triển du lịch chung của thành phố và xã Cẩm Kim; không có kế hoạch, kinh phí tái đầu tư xây dựng và bảo vệ các chương trình du lịch, các điểm đến và thiếu kiểm tra, đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm về kế hoạch cũng như mô hình hoạt động là những nguyên nhân chính”.
Tháo gỡ bế tắc
Trước thực trạng đó, đầu năm nay, UBND xã Cẩm Kim đã xúc tiến thành lập Ban quản lý du lịch cộng đồng làng mộc Kim Bồng để thực hiện kế hoạch quản lý cũng như phát huy giá trị làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững. UBND TP.Hội An cũng đã phê duyệt kế hoạch “Bảo tồn các giá trị làng mộc Kim Bồng gắn với phát triển du lịch cộng đồng bền vững” để Cẩm Kim tập trung kiện toàn bộ máy quản lý du lịch cộng đồng; tranh thủ các nguồn kinh phí đầu tư, cải tạo hạ tầng và thông tin tại làng nghề đồng thời tổ chức xây dựng lại sản phẩm.
Sản phẩm mộc Kim Bồng ngày càng bị cạnh tranh. |
Cùng với việc củng cố, tổ chức lại các điểm tham quan như đóng sửa tàu thuyền, dệt chiếu, đan thuyền thúng, chạm trổ, địa phương lựa chọn các sản phẩm có khả năng phát triển để đầu tư như chương trình khám phá không gian văn hóa làng nghề, tham quan bằng xe đạp, đi bộ và trải nghiệm cuộc sống cộng đồng. “Để triển khai kế hoạch, thành phố xây dựng lại mô hình tổ chức, quản lý làng nghề; thành lập 4 nhóm chức năng bao gồm: nhóm trung tâm thông tin du khách, nhóm hướng dẫn khách tham quan, nhóm phục vụ ẩm thực, lưu trú và nhóm trình diễn nghề và sản xuất nghề; xây dựng các nhóm nghề truyền thống đặc trưng như đóng, sửa tàu thuyền, dệt chiếu, chạm mộc, chế tác các sản phẩm mộc; tổ chức tour tham quan di tích nhà thờ tộc, tour “Làm nghệ nhân Kim Bồng”, trình diễn ẩm thực mỳ Quảng, nướng cá, dịch vụ xe trâu…” - bà Đinh Thị Thu Thủy cho biết thêm.
Đặc biệt, ngành du lịch TP.Hội An đã xây dựng chính sách 4P trong marketing cho làng mộc là sản phẩm (product), giá cả (price), phân phối (place), xúc tiến (promotion) và tổ chức thí điểm dịch vụ lưu trú homestay tại nhà của 4 - 6 hộ dân trong khu vực. Với dự toán kinh phí khoảng 535 triệu đồng, hy vọng kế hoạch này sẽ giúp làng mộc thoát khỏi bế tắc, vực dậy những tiềm năng và tạo đà để Kim Bồng phát huy thế mạnh vốn có, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
QUỐC HẢI