Vụ bồi thường do thi công nứt nhà dân: Tìm được tiếng nói chung
Người dân thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên) và nhà thầu gói 4 dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã tìm được tiếng nói chung về mức giá bồi thường nhà bị nứt do thi công.
Tăng mức bồi thường
Có mặt tại Nhà văn hóa thôn Chiêm Sơn, chúng tôi chứng kiến rất đông người dân đến làm thủ tục nhận tiền bồi thường nhà bị nứt do nhà thầu thi công nổ mìn làm hầm đường bộ qua núi Eo, thuộc dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi gây ra (Báo Quảng Nam đã phản ánh). Kết quả này có được là do huyện Duy Xuyên đã thành lập 2 tổ công tác gồm Phòng Kinh tế - hạ tầng cùng với đơn vị bảo hiểm, đơn vị thi công, nhà bảo hiểm và UBND xã Duy Trinh, Ban Nhân dân thôn, đại diện nhân dân vùng ảnh hưởng tiến hành khảo sát lại thực tế kỹ càng về khối lượng hư hại để tính đúng, tính đủ giá trị thiệt hại cho người dân. Công việc phúc tra đã thực hiện hoàn thành ngày 11.6 vừa qua. Giá trị bồi thường đợt 3 này là hơn 208 triệu đồng, nâng tổng số tiền cả 3 đợt tăng lên hơn 834 triệu đồng. Ngày đầu tiên (22.6), 102 hộ dân đã đến làm thủ tục nhận tiền và ngày 23.6 chi trả xong 7 hộ còn lại (trừ ngôi miếu ở địa phương).
Người dân đến làm thủ tục nhận tiền. Ảnh: C.TÚ |
Cầm gần 6 triệu đồng trong tay, bà Nguyễn Thị Trọng thổ lộ rằng số tiền này cũng tạm đủ để mua vật liệu và thuê thợ sửa chữa lại căn nhà. Khi được hỏi gia đình mình có hài lòng với mức hỗ trợ mới chưa, bà Trọng cho biết đã tin tưởng vào mức độ khảo sát, áp giá, kiểm tra của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan. Vả lại 2 đợt đầu, hộ bà chưa phát hiện những vết nứt nhìn mờ mờ trong ngôi nhà. Bây giờ, vết nứt này đã xé to ra vì vậy khối lượng thiệt hại tăng lên 2,1 triệu đồng. cụ ông Lê Có cũng thấy “nhẹ nhõm” vì bà con chòm xóm đã đồng ý đi nhận tiền. “Gia đình tôi là một trong 14 hộ dân đi nhận tiền 2 đợt trước đây. Sau đó, nhiều người trong xóm không đồng thuận nên nói khó dễ mình. Bây giờ xóm giềng chấp thuận cách áp giá của 3 đợt, tôi thấy trong lòng nhẹ nhõm hẳn mặc dù đợt 3 gia đình tôi cũng chỉ được nhận thêm có hơn 300 nghìn đồng” - ông Lê Có nói.
Bà Liên cho biết sẽ dành tiền để sửa nhà sau khi kết thúc việc nổ mìn. |
Cần sớm sửa chữa nhà hư hỏng
Dẫu chưa hoàn toàn thỏa mãn với số tiền thực nhận, nhưng hộ bà Nguyễn Thị Liên vẫn đến làm thủ tục để đơn vị thi công chi trả hơn 8,3 triệu đồng. Bà Liên nói: “Thấy bà con đi nhận đông quá thì mình cũng đi luôn. Tiền đó gia đình sẽ để dành đợi cuối tháng 10 nhà thầu nổ mìn xong mới dám sửa lại. Giờ chừ mà đục ra, lỡ nhà tiếp tục bị rung chấn sẽ nguy hiểm lắm”. Cùng chung suy nghĩ với bà Liên, các hộ Trần Ngọc Thành và Nguyễn Thị Sáu cũng nhận tiền bồi thường về dành dụm chứ chưa sửa chữa nhà ngay. Họ khẳng định cố gắng “chịu đựng” cho đến lúc kết thúc nổ mìn. Chia sẻ về chuyện bà con có tiếp tục cản trở thi công nữa hay không, nhiều hộ chỉ vào mẫu “Giấy nhận tiền hỗ trợ đền bù” và nói trong đó có ghi rõ “Nếu gia đình còn có các hành vi gây cản trở cho nhà thầu thi công thì xin chịu hoàn toàn trước pháp luật”.
Trao đổi với chúng tôi vào ngày hôm qua (23.6), đại diện nhà thầu cho biết đã làm biên bản gửi UBND huyện Duy Xuyên, UBND xã Duy Trinh và 110 hộ dân, đồng thời khẳng định tuân thủ đúng với những gì đã cam kết. Theo đó, khi kết thúc việc nổ mìn (dự kiến cuối tháng 10.2015), nhà thầu sẽ tiếp tục đi khảo sát, giám định và lập dự toán hỗ trợ đền bù cho các hộ theo đúng quy định nếu việc nổ mìn vẫn gây hư hỏng đến nhà cửa, công trình. Đơn vị thi công cũng sẽ có sự hỗ trợ thiết thực cùng với địa phương và nhân dân trong việc tôn tạo lại ngôi miếu làng, xây dựng cổng chào. Trước thực trạng người dân nhận tiền về nhưng chưa sửa chữa nhà ngay, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên - ông Nguyễn Công Dũng cho biết sẽ sắp xếp thời gian sớm nhất đến thăm hỏi bà con xóm Nam Sơn. Qua đây, lãnh đạo huyện động viên người dân cần phải khắc phục ngay những chỗ bị hư hỏng, bởi nếu đợi đến tháng 10, các nhà cửa bị ảnh hưởng này có thể bị thiệt hại do mưa bão.
CÔNG TÚ