Đổi thay La Êê
Trở lại xã biên giới La Êê (huyện Nam Giang) lần này, chúng tôi dễ dàng nhận thấy sự thay da đổi thịt của vùng đất này. Đường đã đến được trung tâm xã, cơ sở vật chất như trường học, trạm xá, trụ sở làm việc, hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào bản địa.
Sau bao năm chờ đợi, điện lưới quốc gia được kéo về tận thôn bản, vùng sâu, vùng xa của xã La Êê. Điện về, cuộc sống của người dân đổi thay từng ngày. Lâu nay tích góp được ít tiền, có điện, anh A Viết Hiệu (ở thôn Pà Ooi) dành mua sắm tiện nghi sinh hoạt cho gia đình như nồi cơm điện, ti vi, quạt điện, máy bơm nước. Các con của anh đã có điện thắp sáng để học bài, người dân trong thôn xem ti vi học hỏi cái hay để chăn nuôi, tăng năng suất cây trồng… Những thôn bản ở đây như có thêm sức sống, giúp rút ngắn khoảng cách với miền xuôi. Anh A Viết Hiệu chia sẻ: “Trước đây không có điện, đường, trường, trạm nên đời sống khó khăn lắm. Bây giờ được nhà nước quan tâm xây dựng mọi thứ, cuộc sống của bà con phát triển hơn trước nhiều”. Xưa, cũng vì cái khó, cái nghèo đeo bám, người dân không có điều kiện tiếp cận thông tin nên thiếu nhận thức khi tin vào cách chữa bệnh bằng bùa phép của thầy cúng, thầy mo. Giờ đây, nhận thức của nhân dân được nâng lên, mỗi khi con trẻ mắc bệnh gì, cha mẹ đều đưa con đến trạm y tế để khám và điều trị. Trên địa bàn xã đã có trạm y tế và các trường tiểu học, THCS liên xã La Êê - Chơ Chun nên việc khám chữa bệnh cũng như việc học hành của con em trong vùng được chu đáo.
Với các nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ thuộc các Chương trình 135 hay 30B, từ năm 2010 đến nay, xã La Êê được đầu tư gần 40 tỷ đồng xây dựng đường giao thông, trường học, nước sinh hoạt, nhà văn hóa xã, khu trung tâm hành chính xã… làm thay đổi diện mạo của xã biên giới. Đủ điều kiện thuận lợi, đến nay bà con đã mở rộng diện tích lúa nước gần 50ha; nhà nước thực hiện giao khoán quản lý và bảo vệ rừng cho bà con nên đã giảm tình trạng phá rừng làm nương rẫy và tăng thêm thu nhập cho bà con từ nghề rừng. Ông Alăng Đhép - Phó Chủ tịch UBND xã La Êê nói: “Được nhà nước đầu tư trường học, trạm xá, các công trình cơ bản nên đời sống bà con từng bước ổn định. Trẻ em được đảm bảo việc học hành, người dân được chăm sóc tốt về y tế…”.
Đến nay, hầu hết người dân xã La Êê đã được sử dụng nước sạch từ các công trình nước sạch do Nhà nước đầu tư; 100% số trẻ em trong độ tuổi được đến lớp. Ngoài việc lên nương làm rẫy, bà con đã nắm chắc kỹ thuật trồng lúa nước cho năng suất cao. Các hoạt động buôn bán hàng hóa, dịch vụ cũng đã vươn đến xã vùng cao này. Người dân bây giờ không còn lo chống thiếu đói nữa mà đã bước vào giai đoạn xóa nghèo, từng bước vươn lên.
T. BÌNH