Người dân Hy Lạp lo lắng bị vỡ nợ

NAM VIỆT 23/06/2015 10:23

Nhiều người dân Hy Lạp đổ xô rút tiền ở ngân hàng, chuẩn bị ứng phó với “kịch bản” vỡ nợ có thể xảy ra.

Còn chưa đầy một tuần nữa, cuộc đàm phán Hy Lạp - các chủ nợ sẽ tiếp tục. Nếu Hy Lạp vẫn không nhận được khoản 7,2 tỷ USD cuối cùng trong gói hỗ trợ trước đó của các chủ nợ thì nước này sẽ mất khả năng chi trả các khoản nợ và sẽ hết kinh phí cho các hoạt động của đời sống. Như vậy, Hy Lạp sẽ vỡ nợ và việc rời khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và thậm chí cả liên minh châu Âu, cũng được tính đến.

Trải qua 5 năm khủng hoảng kinh tế với hai lần được cứu trợ của khu vực và các tổ chức tài chính quốc tế nhưng cuộc suy thoái của Hy Lạp vẫn không được giải quyết. Tổng nợ công của Hy Lạp nay lên tới 320 tỷ euro, tương đương với 170% GDP, 30% dân số trong tuổi lao động không có việc làm, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 65% đối với những người trong độ tuổi 20-30. Đời sống người dân càng khó khăn, lại càng chật vật với chính sách “thắt lưng buộc bụng” để đổi lấy những khoản cứu trợ trong mong đợi sẽ cứu được nợ công, khôi phục kinh tế.

Người dân Hy Lạp rút tiền tại các trạm ATM. (theconservation)
Người dân Hy Lạp rút tiền tại các trạm ATM. (theconservation)

Người dân Hy Lạp hiện đổ xô đi rút tiền gửi tại các ngân hàng bởi lo ngại đồng tiền mất giá nếu như Hy Lạp tuyên bố phá sản. Các quan chức ngành ngân hàng cho biết, kể từ tháng 10 năm ngoái, tiền gửi tại các ngân hàng Hy Lạp ở mức thấp nhất kể từ năm 2004. Trong những tuần qua, mỗi ngày số tiền được người dân rút khỏi ngân hàng với số lượng rất lớn, 200 - 250 triệu euro. Đặc biệt vào giữa tháng 6, một ngày sau khi cuộc đàm phán giữa chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ thất bại, 400 triệu euro (449 triệu USD) được người dân rút khỏi ngân hàng. Việc rút tiền này diễn ra ít nhất là trước ngày 30.6, thời khắc lịch sử đối với Hy Lạp.

Joanna Christofosaki, một người dân đi rút tiền tại ngân hàng của thành phố Kolonaki nói: “Rất đông người bạn của tôi đã làm thế. Họ không muốn chỉ trong nay mai đồng tiền của mình mất giá hay một điều gì đó không hay sẽ xảy ra”. Chủ một công ty nhỏ tại thủ đô Athens cho biết, một vài người thậm chí còn gửi tiền ra các ngân hàng ngoài nước hay đổi sang tiền tệ khác để phòng trừ bất trắc với đồng tiền.
Tuy vậy, không phải ai cũng rơi vào tình trạng bi quan. Nancy Parlakidi, một người gửi tiền tại Ngân hàng Alpha, trên đường Stadiou của thành phố Kolonaki nói: “Tôi cũng rất lo lắng. Chắc chắn rồi, công việc, những đứa trẻ, tương lai của gia đình tôi. Nhưng tôi nghĩ tiền gửi ở ngân hàng là nơi an toàn nhất”. Những người giàu có hay người già là những người rút tiền nhiều nhất.

Một cuộc thăm dò dư luận mới đây của trang web tin tức Newsit cho biết, 74% người dân Hy Lạp vẫn muốn ở lại eurozone cho dù có điều gì xảy ra, trong khi 50% số người được hỏi đều nói họ đã chuẩn bị cho mọi tình huống. Nhiều người hy vọng, cuộc khủng hoảng này sớm được giải quyết nếu như Chính phủ Hy Lạp nhượng bộ trước các các đòi hỏi của các chủ nợ, hoặc là chủ nợ phải hạ thấp các yêu cầu đối với Hy Lạp.

NAM VIỆT

NAM VIỆT