Dời trung tâm hành chính huyện Nam Giang về thị trấn Thạnh Mỹ: Không phá bỏ nhiều công trình

TRẦN HỮU 23/06/2015 10:18

Công trình nào ở Bến Giằng sẽ phá bỏ hoặc giữ lại; lộ trình thực hiện ra sao cho phù hợp; nguồn lực lấy từ đâu để triển khai giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng… sẽ luôn là những câu hỏi đặt ra cho chính quyền địa phương khi dời trung tâm hành chính huyện Nam Giang ở Bến Giằng về thị trấn Thạnh Mỹ.

Nơi làm việc xa khu dân cư

Nhiều trụ sở làm việc thuộc khối đảng, chính quyền nằm dưới chân núi,  gần sát với cầu Bến Giằng. Trung tâm hành chính Bến Giằng (xã Cà Dy, Nam Giang) cách thị trấn Thạnh Mỹ hơn 12km. Dù là diện mạo của Nam Giang, nhưng Bến Giằng vẫn là khu vực có dân cư sinh sống thưa thớt, chậm phát triển. Nơi heo hút này, nhiều người nói vui, cán bộ nhiều hơn… dân. Phần lớn cán bộ lên đây công tác đều có nhà dưới Thạnh Mỹ, hoặc ở các địa phương khác; chứ không xây nhà an cư lâu dài. Ông Alăng Mai – Chủ tịch UBND huyện Nam Giang giải thích, địa hình đồi núi chia cắt, không có đất bằng phẳng để phát triển hệ thống giao thông dọc ngang, triển khai xây dựng các công trình nên suốt thời gian dài trung tâm hành chính vẫn chậm phát triển hạ tầng, dân cư. Trong khi đó, ở thị trấn Thạnh Mỹ, còn nhiều trụ sở cơ quan hành chính, chuyên môn, nhiều nhất là các trường học, cơ sở y tế. “Một trung tâm hành chính huyện ở vùng cao mà phân tán rải rác với khoảng cách khá xa; cán bộ trao đổi công việc, người dân đến giải quyết thủ tục hồ sơ giấy tờ cũng gặp khó khăn do đường sá xa xôi nên nhiều người than phiền. Nguyện vọng của cán bộ và bà con là sớm dời trung tâm hành chính hiện nay về lại thị trấn Thạnh Mỹ” – ông Alăng Mai nói.

Các công trình kiên cố như trụ sở làm việc của Huyện ủy, UBND huyện sẽ được giữ lại. Ảnh: T.H
Các công trình kiên cố như trụ sở làm việc của Huyện ủy, UBND huyện sẽ được giữ lại. Ảnh: T.H

Còn nhớ 10 năm trước, việc chuyển trung tâm hành chính huyện Nam Giang từ thị trấn Thạnh Mỹ ngược lên Bến Giằng có nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều. Thời đó, nhiều người không ủng hộ chủ trương đưa trung tâm hành chính ngược lên Bến Giằng, nhưng cũng có quan điểm ủng hộ tầm nhìn xa trong quy hoạch, mở rộng không gian để đáp ứng tình hình phát triển kinh tế cũng như sự gia tăng dân số. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, những nhà làm quy hoạch đô thị trước đây đã sai lầm khi đẩy cơ quan hành chính xa khu dân cư và không tạo được sự khớp nối phát triển liên vùng. Diện tích quy hoạch trung tâm hành chính huyện nhỏ hẹp; bao bọc là vách núi không thể mở rộng và phát triển. Mặt khác lại nằm xa khu dân cư, làm việc không có dân. Hệ thống thủy điện đầu tư tư ồ ạt, hiện tượng sạt lở đất vào mùa mưa luôn uy hiếp các công trình xây dựng của khu hành chính.

Giữ lại nhiều công trình

Theo quy hoạch, trung tâm hành chính huyện Nam Giang sẽ dời về thị trấn Thạnh Mỹ có diện tích 85ha. Thị trấn Thạnh Mỹ nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây, đường Hồ Chí Minh… Đến năm 2020, các cơ quan như Huyện ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện sẽ hoàn tất nơi làm việc. Viện Quy hoạch đô thị nông thôn tỉnh sẽ quy hoạch chung; Công ty Cát Mộc (TP.Đà Nẵng) quy hoạch chi tiết thị trấn Thạnh Mỹ.

Trung tâm hành chính hiện nay sẽ là khu trung tâm hành chính xã Ca Dy (tương lai lên thị trấn Cà Dy khi Thạnh Mỹ trở thành thị xã, đô thị loại 4). Khu vực Thạnh Mỹ được xác định là trọng điểm phát triển đô thị với định hướng trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội huyện Nam Giang và là trung tâm dịch vụ hỗn hợp cấp vùng. Theo UBND tỉnh, đô thị Thạnh Mỹ - Bến Giằng được quy hoạch với tổng diện tích 1.426,5ha. Trong đó, khu vực Bến Giằng khoảng 35ha và khu vực Thạnh Mỹ 1.391,5ha; phát triển thành đô thị hạt nhân trong chuỗi đô thị dọc tuyến đường Hồ Chí Minh và tuyến quốc lộ 14D. Theo lãnh đạo huyện Nam Giang, dời trung tâm hành chính về lại Thạnh Mỹ là phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển nông thôn mới. Trung tâm hành chính xa khu dân cư bộc lộ nhiều bất cập. Các thủy điện Sông Bung, Đắc Mi thường xả lũ đe dọa an nguy khu vực Bến Giằng. Quỹ đất hiện tại ở Bến Giằng không thể thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Alăng Mai – Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, tất cả đều trông chờ vào nguồn vốn ngân sách của Nhà nước, đầu tư có lộ trình theo kế hoạch trung hạn. Đến năm 2020, các trụ sở cơ quan thuộc khối UBND, Huyện ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện sẽ xây dựng xong. Nhiệm vụ trước mắt là giải phóng mặt bằng, tái định cư cho dân. Các công trình trụ sở xây dựng kiên cố được giữ lại, giao cho ngành giáo dục quản lý, bảo vệ; các cơ quan nhỏ lẻ đưa vào khai thác quỹ đất, thanh lý để tái đầu tư cho thị trấn Thạnh Mỹ. Các cơ quan quân sự, công an sẽ giữ nguyên trạng, tuyệt đối không phá bỏ, làm cơ sở làm việc thứ hai. “Thực tế, cơ sở hạ tầng kiên cố ở Bến Giằng không nhiều, chủ yếu đầu tư nhà làm việc cấp 4, phần lớn công trình tập trung dưới khu vực Thạnh Mỹ, nên thuận lợi khi chuyển về. Quy hoạch thị trấn Thạnh Mỹ sẽ bám theo trục đường Hồ Chí Minh, xây dựng đô thị trung tâm. Giai đoạn 2020 - 2030, thị trấn này sẽ nâng cấp lên đô thị loại 4” – ông Alăng Mai thông tin. Có nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc di dời trung tâm hành chính huyện ở xã Cà Dy về thị trấn Thạnh Mỹ, sẽ phá bỏ nhiều công trình, gây lãng phí tài sản Nhà nước, nhưng qua thăm dò, khảo sát của địa phương, phần lớn người dân và cán bộ công chức đều ủng hộ việc di dời này.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU