Nâng mức phí dịch vụ Mỹ Sơn: Cần tương xứng với mức thụ hưởng
Ngày 9.6.2015, Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn gửi đến các doanh nghiệp du lịch và lữ hành trên toàn quốc Quyết định của UBND huyện Duy Xuyên về việc nâng giá vé tham quan Khu di tích Mỹ Sơn từ ngày 1.7.2015. Thông tin này ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía doanh nghiệp lữ hành.
Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn thông báo sẽ tăng phí dịch vụ khi tham quan Mỹ Sơn. Ảnh: V.LỘC |
Theo thông báo, từ ngày 1.7.2015 giá vé sẽ tăng từ 60 nghìn đồng lên 100 nghìn đồng đối với khách nội địa và tăng từ 100 nghìn đồng lên 150 nghìn đối với khách nước ngoài. Với giá mới này du khách được hưởng những dịch vụ như đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh, tham quan tháp, xem các tiết mục văn nghệ múa Chăm chất lượng và được trung chuyển bằng xe điện từ cầu Khe Thẻ vào di tích.
Nhiều ý kiến trái chiều
Ông Phạm Đình Hoàng - Giám đốc Khối thị trường trong nước, Công ty Lữ hành Vitour (Đà Nẵng) cho rằng, so với các Di sản văn hóa thế giới khác ở Việt Nam cũng như nước ngoài, việc tăng giá vé tham quan của Mỹ Sơn có thể chấp nhận được, nhất là với khách quốc tế do số tiền tăng không nhiều. “Theo tôi, giá này không cao, có thể chấp nhận được với doanh nghiệp. Tuy nhiên cần phải có lộ trình cụ thể” - ông Hoàng kiến nghị. Đồng tình với ý kiến trên, ông Đoàn Hải Đăng - Giám đốc Vietravel Đà Nẵng khẳng định, do khách đến Mỹ Sơn chủ yếu là người nước ngoài nên việc tăng giá từ 5 USD lên 7USD không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn phải có văn bản giải thích tại sao tăng giá, dịch vụ có thêm gì không cũng như phải có lộ trình, thời gian hoặc chính sách ưu đãi để doanh nghiệp chuẩn bị chào bán tour cho khách. “Đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được thông báo từ Mỹ Sơn. Nhưng theo tôi giá tăng chủ yếu ảnh hưởng đến khách lẻ, nhất là khách Việt. Riêng Vietravel không có vấn đề gì, vì chỉ có 10% khách Việt của công ty đồng ý đến Mỹ Sơn, phần lớn còn lại là khách nước ngoài, mà với một tour từ Sài Gòn hay Hà Nội đến miền Trung có giá vài triệu đồng thì việc tăng thêm 50 nghìn đồng cũng không ảnh hưởng gì lớn” - ông Đăng nói.
Ở chiều hướng ngược lại, ông Đinh Văn Lộc - Giám đốc Công ty Du lịch Việt Đà nhìn nhận việc Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn thông báo tăng giá đột ngột sẽ rất khó cho doanh nghiệp. Vì các hợp đồng đã được đơn vị ký từ nửa năm nay, trong khi đó chất lượng dịch vụ Mỹ Sơn hiện vẫn còn nghèo nàn, chưa tương xứng với giá tiền khách phải bỏ ra... “So với cả nước thì vé tham quan của Huế, Phong Nha hay Hội An và Mỹ Sơn đều rất cao, bây giờ lại tăng nữa chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp” - ông Lộc nói. Ông Trần Lực - Phó Giám đốc Saigontourist tại Đà Nẵng bày tỏ, việc tăng giá vé tham quan Mỹ Sơn thời điểm hiện tại không hợp lý, nhất là trong trường hợp khách nội địa đang có xu hướng đi du lịch nước ngoài thay vì trong nước do chi phí rẻ hơn. Thậm chí, một số doanh nghiệp phải tăng cường tiếp thị, hạ giá để cạnh tranh khách… “Bây giờ kinh doanh rất khó khăn vì phải cạnh tranh mạnh về giá và khách, đến nỗi Chính phủ phải bãi bỏ visa cho công dân một số nước để thu hút khách đến Việt Nam thì việc tăng giá chẳng khác chi đi ngược lại chính sách của Chính phủ là anh giảm tôi visa 5USD nhưng anh lại tăng giá các điểm du lịch thì không ổn” - ông Trần Lực phân tích.
Chưa tăng giá nếu hạ tầng chưa đảm bảo
Theo ông Phan Hộ - Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, để bù đắp các khoản chi phí cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ nên Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn đã báo cáo dự toán và trình UBND huyện Duy Xuyên phê duyệt giá vé tham quan Khu di tích Mỹ Sơn theo hướng tăng lên. Theo đó, trong các khoản phí của giá vé, phí tham quan vẫn giữ mức giá 40.000 đồng; riêng phí dịch vụ tăng từ 60.000 đồng lên 110.000 đồng đối với khách nước ngoài (tổng giá vé 150.000 đồng) và tăng từ 20.000 đồng lên 60.000 đồng đối với khách nội địa (tổng giá vé 100.000 đồng). “Chúng tôi không thay đổi phí tham quan vì cái này thuộc thẩm quyền UBND tỉnh, huyện chỉ có thẩm quyền nâng phí dịch vụ. Chi phí của huyện bỏ ra thì phải thu hồi lại để bù đắp, điều này doanh nghiệp cần hiểu và chia sẻ. Đối với doanh nghiệp đã ký hợp đồng với khách trước ngày 15.6 (trước khi nhận được thông báo tăng giá vé) chúng tôi sẽ bán theo mức giá cũ” - ông Hộ nói. Ông Hộ cho hay, với mức phí dịch vụ mới, ngoài được xem các tiết mục văn nghệ chất lượng, du khách sẽ được trung chuyển bằng xe điện từ cầu Khe Thẻ vào tháp. Do vậy, nếu khách chỉ có nhu cầu tham quan (mua vé với mức giá 40.000 đồng) thì phải đi bộ vào di tích (khoảng 2km).
Ông Trần Lực cho rằng cách làm này của Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn giống như bắt bí doanh nghiệp vì không phải khách nào cũng chấp nhận đi bộ, nhất là những người lớn tuổi, nên việc tách vé phí tham quan và phí dịch vụ ra riêng cũng chỉ là hình thức. “Anh sắm xe điện ra rồi bây giờ bán vé kiểu bắt buộc như vậy để thu hồi vốn là không hợp lý. Tại sao Mỹ Sơn không làm theo phương án là nếu khách không đi xe điện thì cho xe dưới 15 chỗ đưa vào như lâu nay vẫn làm. Chưa nói, nếu như Ban quản lý tổ chức chặn soát tại nhà múa Chăm để xem vé khách có mua phí dịch vụ không thì sẽ rất phản cảm” - ông Lực bày tỏ.
Trước những phản ứng trên của các doanh nghiệp du lịch, ông Phan Hộ khẳng định, đây mới chỉ là dự kiến, nếu đến tháng 7 một số hạng mục hạ tầng dịch vụ vẫn chưa hoàn thành thì sẽ vẫn tiếp tục thực hiện theo mức giá vé cũ. “Chắc chắn sẽ phải nâng phí dịch vụ nhưng không phải nhất thiết đúng tháng 7 vì còn phụ thuộc vào tiến độ hoàn thành các hạ tầng dịch vụ, kể cả chọn vị trí để đưa múa Chăm vào trình diễn bên chân tháp. Nói chung, chúng tôi sẽ bán vé theo giá cũ cho đến khi hạ tầng tương xứng với mức giá dịch vụ mới” - ông Phan Hộ khẳng định.
VĨNH LỘC