Báo chí trong thế giới phẳng
(QNO) - Thế giới ngày càng phẳng sẽ góp phần quảng bá thông tin một cách rộng rãi, nhưng nếu không biết cách chọn lọc sẽ mang lại hiệu ứng thông tin ngược.
Chuyện của tôi
Tôi bắt đầu trải nghiệm cảm giác tìm tài liệu, viết bài gởi báo cách đây tròn 10 năm. Trong chặng đường 10 năm đó, có hơn hai phần hành trình tôi dùng mạng xã hội là nơi tìm kiếm đề tài, trao đổi, tìm cách “bật ra câu chuyện” cho bài viết của mình… Ở Quảng Nam, tôi có thể biết được những suy nghĩ, các bước tiến quan trọng trong học tập, thăng tiến trong công việc của một số bạn trẻ đất Quảng tài năng như Tôn Thị Mỹ Uyên, doanh nhân thành đạt Tôn Thạnh Nghĩa, nghiên cứu sinh Phan Nguyễn Thu Sương, Phan Thế Hoàng… Nhờ những cập nhật về cuộc sống của các bạn, tôi có cái nhìn khái quát và hiểu rõ hơn mội trường học tập, sinh sống của du học sinh nơi xứ người. Hành trình của Tôn Thị Mỹ Uyên (tên facebook là Uyen Ton) từ một cô học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm đạt học bổng du học toàn phần tại trường Đại học NTU rồi giành trọn suất nghiên cứu sinh thạc sĩ, tiến sĩ của đảo quốc Singapore, đại diện cho trường đi dự hội thảo khoa học tại Mỹ, Nhật Bản… đều được chia sẻ và là tư liệu cho bài viết của tôi về cô gái trẻ đất Quảng tài năng.
Báo chí trong thế giới phẳng luôn là một thách thức. |
Cũng nhờ mạng xã hội, tư liệu cho bài viết về doanh nhân Tôn Thạnh Nghĩa (Giám đốc Cty Tôn Văn, TP.Hồ Chí Minh) cũng được cung cấp khá đủ đầy. Sự dấn thân, lòng tự tôn của một doanh nhân Việt Nam, tinh thần ham học hỏi thể hiện thông qua các câu chuyện anh chia sẻ trên mạng xã hội. Đặc biệt là thông tin những chuyến về Quảng Nam phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch miễn phí cho các em bé nghèo của đoàn bác sĩ Nhật Bản Yamamoto Tadashi. Những câu chuyện mà cô thư ký tòa huyện Đ. chia sẻ như một thực trạng đáng báo động: các cặp vợ chống 9X dễ dàng ly hôn vì không hợp tính với mẹ chồng; các ông chồng nghiện rượu, bài bạc về đánh đập vợ con khiến tòa mệt bở hơi tai khi xử lý…
Sức mạnh của mạng xã hội chính ở chỗ về tới vùng sâu, vùng xa, nơi internet băng thông rộng chưa được phủ sóng mà chỉ cần sóng di động 3G là có kết nối. Năm 2013, người dân các xã miền núi huyện Tiên Phước liên tiếp bị đội quân bán bếp từ lừa đảo khi bán hàng với giá cắt cổ. Những hình ảnh và chia sẻ của một người dân xã Tiên An trên facebook đã giúp tôi có thông tin, tìm hiểu viết bài cảnh báo về thực trạng bán hàng của đội quân ở các vùng nông thôn. Thế nên, chia sẻ trên mạng xã hội đối với người này có thể chỉ đơn giản là giải tỏa ấm ức, nỗi niềm nhưng đối với người khác, đặc biệt là những người làm truyền thông, báo chí như chúng ta lại có thể là đầu mối thông tin, nút thắt gợi mở ra đề tài cho các bài báo vào hôm sau.
Cạnh tranh và tương tác
Đối với những người làm báo điện tử, mạng xã hội còn là phương tiện, công cụ quan trọng để phóng viên thực hiện bài viết. Khi vụ tai nạn xe hơi trên đường lên Bà Nà Hill xảy ra trong dịp lễ 30.4 - 1.5 vừa qua tại Đà Nẵng khiến 7 người chết được phóng viên cập nhật kịp thời trên báo điện tử I. Phóng viên theo dõi vụ việc đưa thông tin lên trang cá nhân của mình, ngay lập tức hàng loạt ý kiến tham gia, ngoài chia sẻ sự mất mát, nhiều người cũng đã bày tỏ về những tắc trách khi đưa tuyến đường vào khai thác sử dụng - một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn nghiêm trọng này. Những ý kiến chia sẻ về tai nạn trên trang cá nhân của người phóng viên này lại trở thành chi tiết cho bài báo tiếp theo trên trang báo anh cộng tác.
Bên cạnh những tác động tích cực, việc lạm dụng mạng xã hội để nhưng bài báo “lá cải” khai thác đời tư một số cá nhân đang là thực trạng đáng báo động. Mới đây, Cục cảnh sát hình sự - Bộ Công an xác vừa thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Trần Thị Hương Giang (37 tuổi, ngụ tại phường Giang Võ, quận Ba Đình, TP.Hà Nội) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” quy định tại Điều 258, Bộ luật Hình sự. Hành vi phạm tội của Trần Thị Hương Giang là sử dụng nickname “Thánh cô cô bóc” bóc mẽ những chuyện tế nhị, động trời của những nhân vật đình đám trong giới showbiz Việt.
Có thể thấy, mạng xã hội có phần lấn lướt khi gần gũi, thân thuộc với người sử dụng hơn. Chính sự cạnh tranh và tương tác giữa mạng xã hội và báo chí nên các nhà báo đã tận dụng yếu tố này thành trợ thủ đắc lực để phát triển nghề nghiệp. Nhờ đó, sự tương tác giữa báo chí và công chúng không còn là vấn đề khó khăn. Vấn đề còn lại nằm ở cái tâm và sự chắt lọc thông tin của người làm báo.
VƯƠNG HẰNG SA