Sạt lở Cửa Đại và chuyện truyền thông

NAM KHANG 21/06/2015 11:54

Sóng đánh úp, bật ngã những căn hộ bạc tỷ. Resort to lớn trở thành nhà hoang và chắc tiền bạc cùng bao kỳ vọng của nhà đầu tư trôi theo sóng. Và trong khi chính quyền cùng nhà khoa học sốt ruột ngồi bàn giải pháp giữ biển Cửa Đại, thì cát vẫn trôi, đất vẫn mất và điệp khúc sạt lở vẫn không thôi. Và, liệu khi giải pháp khoa học được đưa ra là kè, mà theo chính quyền là hàng trăm tỷ, thì liệu có khả thi không, bởi nước mà, chặn chỗ này thì nó bứt chỗ kia.

Thiếu cát thượng nguồn và hạ lưu cộng với sự biến đổi của khí hậu dẫn đến lở Cửa Đại. Câu chuyện này tưởng chừng không ăn nhập gì với báo chí, nhưng nghĩ kỹ là có. Làm thủy điện kèm theo phá rừng, chặn dòng thượng nguồn nên cát không về hạ lưu, thủy sinh bị tiêu diệt, quy luật thông thường của tự nhiên bị uốn nắn. Thượng nguồn đã trả giá bảng liệt kê tổn hại vật chất lẫn tinh thần có lẽ không nên nói ra nữa vì ai cũng biết rồi, giờ đến lượt mất đất ở Cửa Đại. Hội An lụt lớn do thủy điện, chuyện đó cũng không cần nói nữa. Nhưng mất bờ biển, liệu báo chí có vô can? Hãy chịu khó lật lại những lời ca ngợi của truyền thông trong và ngoài nước với những khách sạn và bờ biển tại Hội An, sẽ thấy toàn mỹ từ. Những lời hoa mỹ mà độ vang và phát tán của nó được đẩy đến cạn kiệt của chữ nghĩa đã được báo chí đưa lên. Và bây giờ, khi nó (Cửa Đại) tan nát vì sạt lở, sao chỉ thấy những dòng tin nói theo quan chức? Không lẽ khi anh tung hô lên, anh cũng vô can không hề có trách nhiệm? Không lẽ anh chỉ nói điều thiên hạ nói và nghĩ, còn anh ở đâu? Chẳng có một lời cảnh báo nào vì việc quy hoạch vô tội vạ, lấn hết bờ biển, tiến sát mép nước, phá sạch rừng dương chắn cát và giữ bãi, thấy những ban công sặc sỡ đè lên mép sóng mà du dương trầm bổng khen ngợi, để rồi bây giờ lại dửng dưng với dòng tin... tiến độ sụt nát bờ biển và nhà cửa.

Báo chí không phải là chính quyền. Có can gián thì chính quyền cũng làm, nếu họ muốn, nhưng báo chí đã không làm hết phận sự, thậm chí thấy vô can khi lờ mờ nhận diện nguy cơ. Một điều chắc chắn là trong vô số những cây bút từng đặt bút khen ngợi biển Cửa Đại, có người thấy được hiểm nguy sẽ chờ chực ở tương lai, nhưng họ lờ đi, hoặc cảnh báo cũng chỉ là một vài dòng chìm nghỉm trong “bản tổng phổ” tán dương. Câu chuyện về trách nhiệm nghề nghiệp tưởng chừng vô lý vô can, thậm chí “khơi khơi” này, có ai chịu ngó lại không? Và phải chăng, báo chí khi “quất” thủy điện, phá rừng, đã quên nguy cơ cho Cửa Đại hoặc không nhìn thấy nguy cơ? Nếu đúng thế, thì đây là bài học cần được nhìn nghiêm túc. Một bài học không có trong các giáo trình khô cứng. Từ đây nhớ lại những công ty,  công trình, dự án hoành tráng được báo chí đưa lên với lời khen ngợi hết mực, vẽ ra viễn cảnh như trong chuyện khoa học viễn tưởng,  để rồi sau đó giám đốc đi tù, nợ nần ngập cổ, ngân sách bị thâm thủng, dân mất lòng tin, người dân đọc báo nói: mấy năm trước cũng mấy ông nhà báo khen, chừ quay ra chửi, là sao? Không lẽ các ông không đọc được “mùi” của những “màn trình diễn” trên. Thưa, làm sao đọc được, họ lừa cả xã hội chứ riêng báo chí đâu. Nhưng, ở đây là câu hỏi dành riêng cho những cây bút thạo nghề... lăng xê: có xấu hổ không?

Bài học cảnh giác thông tin không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Nhưng hình như nó ít được nhắc trong nhiều lĩnh vực, trừ những vấn đề hệ trọng quốc gia. Có người nói: nhà  báo bây giờ như cái máy nói! Nghĩ, nếu đúng là chua xót với nghề.

NAM KHANG

NAM KHANG