Cà kê... nhuận bút

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT 20/06/2015 11:36

Nhuận bút - không biết bên Tây có từ lúc nào, nhưng bên Tàu thì sách cũ chép rằng, xuất phát điểm là từ thời nhà Tùy (cách nay 16 thế kỷ), nhân chuyện Cao Dĩnh viết sắc phong cho Trịnh Dịch (lúc ông này được phong tước Bái Quốc Công), có nói đùa: Để bút khô ư, thì Trịnh trả lời: Làm quan đến khi chống gậy về nhà cũng không có đồng nào, làm chi mà nhuận bút được! Đúng hay không thì… không biết! Còn… giờ đây, văn bản đã định nghĩa rõ ràng ràng, rằng nhuận bút “là khoản tiền trả cho tác giả… khi tác phẩm được sử dụng nhằm bảo đảm quyền lợi và khuyến khích tác giả sáng tạo…” (Nghị định số 18/2014/NĐ-CP).

Đó là “nói chung” về nhuận bút, còn nếu phải… chẻ hoe ra mà nói, thì các quy định  đã phán rằng có nhiều hạng nhuận bút, riêng cho các loại khác nhau như biểu diễn nghệ thuật, sách nghiên cứu - sáng tác, âm nhạc, điện ảnh…

Nhuận bút có giúp người cầm bút “sống sót” được chăng? Hỏi như vậy, vì từ thời tiền chiến, ông nhà văn - nhà báo Nguyễn Vỹ có câu thơ còn “truyền” đến bây chừ: “Nhà văn An Nam khổ như chó!”. Còn chuyện thời sự, thì năm ngoái báo Tiền Phong có bài viết “Hít khí trời để sáng tác” cũng trích dẫn nhiều lời thở than của các văn nghệ sĩ về mức nhuận bút “không sống nổi”, trước khi Nghị định 21/2015/ NĐ-CP được ban hành.

Nói rằng “sống - chết” từ nhuận bút là… tất nhiên, vì người cầm bút chân chính thì chẳng lẽ lại đi tìm thu nhập từ “nguồn” khác? Ngay cả những người không ăn lương của tờ báo nào, như cụ Phan Khôi chỉ cộng tác với Nam Phong, Lục tỉnh tân văn, Thần Chung, Phụ nữ tân văn, Sông Hương... nhưng vẫn sống… rất chi là thong thả từ nhuận bút, vì một bài viết của cụ cũng hòm hòm 1/2 tiền lương tháng của một công chức hạng trung bình thời đó (*).

Năm 1963, anh ruột của người viết bài nhận “cú” nhuận bút đầu tiên cho một truyện ngắn in trên tạp chí Phổ Thông của chủ bút Nguyễn Vỹ. Cả nhà sáu anh em kéo nhau đi “rửa”: xem xi-nê rạp Hòa Bình (Hội An) ngồi ghế hạng nhất, đi “kéo ghế” (nay gọi là vào nhà hàng) rồi rề rà ở quán giải khát. Vậy mà tổng chi cho cả ba “hạng mục” chỉ hết ¼ của 300 đồng tiền nhuận bút.

Tôi còn nhớ vào năm 1971, nhuận bút cho một bài thơ in trên một tạp chí (có số phát hành thấp, lại thường xuyên bị chính quyền Sài Gòn tịch thu - kiểm duyệt), tôi nhận được 3.000 đồng, đủ cho 2,5 tháng tiền cơm sinh viên nghèo. Còn nói chuyện “sau 1975”, thì cũng một bài thơ in trên báo Văn Nghệ Tp. Hồ Chí Minh số Xuân năm 1980, nhuận bút 80 đồng, cao hơn mức lương 64 đồng/tháng. Cứ so-sánh-đối-chiếu, thì con số 80 năm đó phải ngang với khoảng sáu-bảy triệu đồng… giờ đây. Mà giờ đây, nghĩa là vào Tết năm con dê 2015, nhuận bút thơ cũng của tờ Văn nghệ nọ, từ 80 đồng “tăng lên” thành 200.000 đồng! Nếu so sánh giữa báo chí văn nghệ (nhuận bút là… đương nhiên thấp) với báo có số phát hành top (như tờ Thanh Niên trả nhuận bút thơ “ngất ngưởng” là 1,8 triệu đồng. Đó là “nói chuyện” so sánh mà chơi cho vui. Còn trên thực tế, mức nhuận bút một bài viết trên báo in hiện nay, sàng sàng khoảng dăm ba, hoặc dăm bảy trăm nghìn đồng.

Đã nói tới, thì cũng phải nói lui cho… có vẻ công bằng. Bởi nếu không, thì các ban biên tập sẽ bỉu môi: Biết một mà chẳng biết hai. Là vì, nhuận bút nó bị “trói” bởi nhiều sợi dây lắm! Là vì theo quy định, mức nhuận bút dựa trên nhiều yếu tố, ví như “nguồn thu từ hoạt động báo chí; nguồn thu từ các hoạt động kinh tế của cơ quan báo chí; nguồn hỗ trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (trích)”. Rồi lại thêm các cái “chuẩn” về hệ số cho mỗi thể loại, về nguồn kinh phí của từng ngành, từng địa phương… nên các vị tổng biên tập lắm khi phải lắc đầu khi anh em cộng tác viên vừa đến uống trà lại vừa… thở than nhuận bút.

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT
 (*): Theo Thiếu Sơn thì vào năm 1929-1930 báo Phụ nữ tân văn của ông bà Nguyễn Đức Nhuận trả cho một bài báo khoảng 5 đồng nhưng dám trả cho Phan Khôi 25 đồng/bài. Một tháng Phan Khôi chỉ cần viết 4 bài là có 100 đồng, lớn hơn lương của một công chức ngạch cao cấp cỡ phủ, huyện (Dẫn lại tập Nhớ cha tôi Phan Khôi của Phan Thị Mỹ Khanh, Nxb Đà Nẵng, 2001, trang 256-Phần phụ lục).

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT