Qua đèo Phường Rạnh

HOÀNG LIÊN 20/06/2015 11:01

Tôi đã có những chuyến rong ruổi qua những vùng quê xa xôi giữa Nông Sơn, Hiệp Đức và Duy Xuyên, Đại Lộc bằng con đèo Phường Rạnh có lịch sử hàng trăm năm tuổi. Mỗi chặng gian nan vượt đèo thấm đẫm mồ hôi là mỗi dòng kỷ niệm, cảm xúc về những vùng đất huyền thoại.

Đèo Phường Rạnh, con đèo nối liền giữa các vùng Đại Lộc, Duy Xuyên và Nông Sơn, Hiệp Đức được làm từ thời Pháp nhằm vận chuyển than từ mỏ than Nông Sơn về xuôi. Con đèo có tuổi hàng trăm năm, trải dài hơn 17km thuộc tuyến ĐT 610 nhiều năm qua đã xuống cấp nghiêm trọng. Đèo lượn theo sông, bám theo núi, không cao cheo leo, dốc cũng không đứng nhưng mặt đường lởm chởm, gồ ghề những đá cuội, đá tảng và để qua được bên kia, cả người và phương tiện phải nhảy chổm trên toàn đá là đá. Có lẽ chỉ những “tay lái lụa” mới dám chọn cách sang bên kia với hành trình vượt đèo này. Còn phần lớn người từ các vùng sẽ chọn quốc lộ 1, tới Quế Sơn, qua đèo Le để đến với Nông Sơn và ngược lại. Khách du lịch từ Mỹ Sơn, để tới được làng quê du lịch sinh thái Đại Bình phải mất gần 70 cây số đường trường, trong khi nếu đi “phượt” bằng đường đèo, khoảng cách sẽ được rút ngắn còn 50 cây số. Song, việc lựa chọn con đường ngắn hơn không dễ dàng.

Gian nan vượt đèo Phường Rạnh. Ảnh: BÍCH LIÊN
Gian nan vượt đèo Phường Rạnh. Ảnh: BÍCH LIÊN

Tôi đã có hàng chục lần qua lại nơi tuyến đèo này. Từ Đại Lộc, qua đò Giao Thủy, rẽ phải tới làng Thu Bồn, qua chợ Phú Đa, rẽ trái một đoạn dài mấy cây số là tới chân đèo. Từ đây, men theo con đường mòn nhỏ, đi mãi, đi mãi hết những lớp mặt đường lồi lõm được trải toàn bằng đá cuội, đá hộc thì lại tới đoạn gập ghềnh, khúc khuỷu với những mỏm đá sắc cạnh. Cả người lẫn ngựa sắt cứ nhảy chồm lên, có lúc tưởng như muốn văng ra khỏi nhau bất cứ lúc nào. Dù sao qua đèo vào tiết nắng vẫn… còn sướng; khổ nhất là trời mưa, không ít bận người qua lại nơi đây dở khóc dở cười, phải bỏ phương tiện lại dọc đường vì hỏng hóc hoặc không đủ sức vượt qua được những mỏm đá, đoạn đường bị bong tróc, nhão nhoẹt, hình thành những ục sâu chứa đầy nước. Và có những đoạn trơn trượt chết người mà chỉ cần một chút sơ sẩy, không vững tay lái có thể bị hạ “nock out” như chơi.

Song, mỗi chuyến “phượt” qua đèo Phường Rạnh là mỗi kỷ niệm, đất và người nơi bên kia có cái gì đấy thôi thúc sự trở lại. Đó là cảm xúc khó lý giải, cũng không thể cảm nhận trực quan được. Đó không phải là cảm giác nhẹ tênh, hân hoan trên đỉnh đèo Hải Vân quyện trong mây trắng bồng bềnh với thú tang bồng hồ thỉ; chẳng phải cái da diết nhớ nhà trong “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan; chẳng phải là cái rợn ngợp khi đổ đèo Cả, đèo Cù Mông trên hành trình nam tiến… Mỗi lần vượt gian nan, điểm đầu tiên mà chúng tôi đi qua là ngôi làng Trung An (xã Quế Trung, Nông Sơn), hoàn toàn cách trở với bên ngoài với trước mặt là sông Thu Bồn, sau lưng là vách núi, bên phải là đèo mà bên trái cũng là đèo. Từ nơi này, muốn về trung tâm xã cũng phải vượt 7 - 8 cây số đường núi với những mỏm đá lởm chởm không kém đỉnh đèo, còn muốn sang Duy Xuyên, ra Đà Nẵng cũng phải vượt chục cây số đèo Phường Rạnh. Tận mắt chứng kiến những em nhỏ độ 6 - 7 tuổi phải đạp xe đi học trên con đường gập ghềnh, bỗng có cái gì đó gieo vào lòng chúng tôi niềm trắc ẩn… Chúng tôi biết mình không thể giúp gì được cho các em hơn là ngoài bài viết, song để bài viết đi tới câu chuyện thực tế lại là chuyện khác! Và đó cũng là nỗi ngậm ngùi của người cầm bút. Cảm xúc níu giữ chúng tôi còn bởi ngôi làng nằm giữa bình yên với bãi mía, nương dâu xanh rờn theo dòng Thu hiền hòa, uốn lượn khơi gợi ký ức tuổi thơ, mà có lẽ ở quê tôi, những bãi mía, bờ dâu đã lùi xa vào cổ tích. Nơi đây, các bô lão, chức sắc trong làng đã kể cho chúng tôi về những truyền thuyết, sự tích, huyền thoại mang đậm màu sắc, tín ngưỡng dân gian mà với con người nơi đây đó là những đức tin nhiệm màu. Ví như, câu chuyện về Dinh Bà Thu Bồn, chuyện vị thần nữ hóa thành lửa thiêng bay về phía Hòn Đền, câu chuyện mẹ Thu Bồn, vị thần xứ sở dang tay bảo bọc, độ trì cho cư dân đất này…

Còn nhớ, mùa mưa năm trước, xe máy chúng tôi trên nẻo về hì hục lội qua những vũng nước sâu giữa vùng đèo này và thôn Trung An, chẳng may chết máy. Sửa kiểu gì vẫn không được, thế là cả người lẫn xe leo bộ suốt một quãng đường dài hơn 2 cây số giữa trời mưa rả rích quay ngược lại làng. Giữa chốn hoang sơ, tôi mơ một phép nhiệm màu. Tiết mưa, làng vắng bởi người lớn đều đi phát rẫy, trồng cây, chỉ còn trẻ con và người già. Một đứa trẻ nhanh nhảu chỉ tôi người biết sửa xe máy duy nhất trong làng. Xui là cả nhà bác này đều đi rẫy. May sao, xế trưa, vợ chồng bác chủ nhà cùng về tới làng. Chưa kịp cơm nước, bộ quần áo từ núi rừng vẫn còn nguyên trên người, bác thợ loay hoay hàng giờ với chiếc xe trong sự nôn nóng, sốt ruột của chúng tôi. Thật tình mà nói, nơi rừng núi còn nghèo, trai tráng tha phương, tiệm sửa xe của bác cũng lèo tèo mà có lẽ bác rành sửa xe đạp nên mãi vẫn chưa đoán ra được nguồn cơn. Cuối cùng, như chợt hiểu ra, bác quyết định lấy bình nhớt mình đang dùng để thế cho bình nhớt đã bị pha nước để chúng tôi có kế vượt qua bên kia. Còn bác gái dù mệt nhưng vẫn đon đả mời chúng tôi ăn lót dạ để có sức đi đường. Trước khi đi, chúng tôi cảm ơn và ngỏ ý muốn gửi bác món tiền nho nhỏ, song cả hai nhất quyết không nhận và bảo: “Chúng tôi còn nghèo, nhưng biết hai cô là nhà báo, phải vất vả để có những bài viết tốt cho dân thì công sức của tui có nhằm nhò gì. Dịp nào qua lại, hai cô cứ ghé”. Từ dạo ấy, tôi càng trân quý những người dân quê bình dị, tốt bụng. Mỗi lần về vùng xa xôi, hẻo lánh để viết về những cuộc đời, số phận hay vùng đất nghèo, chúng tôi đều đón nhận ánh nhìn thiện cảm từ bà con. Đó là nguồn động viên rất lớn để chúng tôi bám nghề, yêu nghề, dù nghề báo cũng lắm gian nan đối với nữ giới.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN