Những mẩu chuyện làm báo trong chống Mỹ
“Hối lộ” Ban biên tập
Vào cuối năm 1969, đầu năm 1970, Ban biên tập tạp chí Văn Nghệ giải phóng khu 5 đứng ở khu vực Nước Nghêu (Nam Trà My). Do bị B52 đánh phá Nước Bui, mới chuyển về đây, chúng tôi chưa kịp sản xuất. Vì vậy, món “lương thực” chính của tòa soạn lúc này chỉ có mỗi cây dớn (một loại cây dương xỉ). Chúng tôi chặt về, dùng rựa vạt lớp vỏ cây, sau đó dùng vỏ đồ hộp nạo thân bên trong đem luộc lên chấm với muối. Những sợi dớn có vị như thân cây đu đủ, ăn vào bụng cứ sôi ùng ục, rất xót ruột.
Cái đói hành hạ suốt ngày đêm. Từ lãnh đạo tạp chí đến các phóng viên, biên tập ngồi viết bài, biên tập trong cơn đói. Có người nằm gục xỉu ngay trên trang bản thảo. Nhiều cộng tác viên đi cả ngày đường đến ban biên tập hăm hở đọc thơ, bỗng thấy biên tập viên vốn hồ hởi với mình xưa nay, mắt cứ lơ đễnh nhìn đi đâu, tay ôm bụng nhăn nhó.
- Anh mệt rồi à, chán nghe thơ tôi rồi à – cộng tác viên thắc mắc.
- Đâu có… mình… mình… đói quá.
Từ đó, mỗi lần đến đưa bài cho tạp chí, các cộng tác viên thường mang theo một đùm sắn luộc đến cho các biên tập viên “bồi dưỡng” để có đủ sức nghe thơ, văn. Anh em trong Ban biên tập cảm động bảo nhau:
- Đấy là của “hối lộ” Ban biên tập đấy. Đối với các cộng tác viên loại này, bài có yếu yếu một chút, mình cũng sửa chữa để… in.
Thời gian duyệt bài: 1 năm
Cứ sau khi hoàn chỉnh một số tạp chí, chúng tôi phải cử một biên tập viên về Ban Tuyên huấn Khu ủy để duyệt. Từ Nước Nghêu đến Nước Ta (nơi Khu ủy đóng) phải mất 4 ngày đi về. Nếu mọi việc thuận lợi mỗi chuyến đi duyệt bài như thế phải mất 10 ngày.
Một lần, vào đầu năm 1971, nhà thơ Dương Hương Ly đem tạp chí đi duyệt. Mãi đến cuối năm anh mới đem bản thảo về. Có vấn đề gì khúc mắc chăng? Tạp chí bị “đổ” phải làm lại? Nhà thơ mãi vui thú với hoa tươi bướm lạ trên đường mà quên nhiệm vụ chăng? Không phải! Số là số báo đã được duyệt nhưng vì bị địch càn nên nhà thơ bị kẹt… gần suốt cả năm không đem bản thảo về để đưa in được.
Đồng chí nhà báo đâu?
Một lần, trên đường từ khu về Phú Yên công tác, tôi dừng lại ở trạm chuẩn bị vượt đường 19. Lúc này, tình hình địch rất căng. Các đoàn cán bộ đi trước tôi cả tuần lễ vẫn phải nằm chờ. Tôi hết sức lo lắng. Bỗng một đồng chí giao liên đi ngang qua, vừa đi vừa hỏi:
- Ở đây có đồng chí nhà báo không?
- Có, tôi đây, việc gì thế anh!
Anh giao liên kéo tôi ra một góc:
- Tình hình địch rất căng. Các đoàn cán bộ còn phải nằm chờ. Riêng anh là nhà báo, anh cần phải phản ánh gấp tình hình nên chúng tôi quyết định đưa anh qua đường theo đường chuyển công văn tuyệt mật.
Anh thấy thế nào?
Tôi mừng rỡ:
- Tốt quá, tôi xin đi ngay.
Anh giao liên cười:
- Ưu tiên cho nhà báo đấy nhé. Lần sau nhớ có bài cho giao liên nghe.
Vừa đi vừa viết
Trong chiến tranh, các nhà báo, các nhà văn thường vừa đi công tác, vừa viết ngay tại chỗ để có bài gửi về cho báo nhà, nhất là những đề tài thời sự. Tôi nhớ vào tháng 4.1974, nhà văn Nguyễn Chí Trung, phụ trách cả 2 tạp chí Văn nghệ Giải phóng và Văn nghệ Quân giải phóng bảo tôi:
- Tạp chí cần gấp một bài viết về diệt ác, mở mảng. Vừa qua du kích Xuyên Hòa (nay là Duy Hòa, Duy Xuyên) đã diệt một tên ác ôn khét tiếng, do đó mở được cả khu tây Duy Xuyên. Nội trong 15 ngày, Quế phải xuống Xuyên Hòa lấy tài liệu và viết xong bài cho tạp chí. Tạp chí làm xong rồi, chúng mình chỉ chờ bài cậu thôi.
Thế là tôi sang Ban Tuyên huấn khu lãnh mấy ngày gạo và lên đường. Thường thì từ cơ quan (lúc đó đóng ở gần cầu Bà Huỳnh, Hiệp Đức) theo đường giao liên xuống tới Ban Tuyên huấn Quảng Đà phải mất 2 ngày. Từ đó xuống Xuyên Hòa phải mất thêm một ngày nữa. Để rút ngắn thời gian, tôi đi tự do, không theo giao liên. Ngày đầu chỉ tới 8 giờ đêm là tôi đến Ban Tuyên huấn Quảng Đà. Hôm sau đi một buổi là tới Xuyên Hòa. Đến nơi, báo cáo công việc cho xã xong tôi lao đến đội du kích hỏi chuyện ngay. Hai ngày sau, tôi mua mấy cân gạo ở trong dân, quay lên căn cứ tỉnh Quảng Đà (ở Hòn Tàu) tìm một khóm rừng gần Ban Tuyên huấn, có ít người qua lại, căng tăng mắc võng, nấu một hăng gô cơm cho cả ngày, sẽ ăn với muối hầm, ngồi trên dép, kê giấy lên một tảng đá tương đối bằng mà viết. Chỉ 2 ngày sau tôi viết xong. Tôi đọc lại, sửa chữa và chép lại một ngày nữa rồi vù về cơ quan nộp bài cho tạp chí. Kể ra đâu chỉ mất 8 ngày. Bài bút ký có tên là “Mảnh đất không mất” được nhà văn Nguyễn Chí Trung khen là xúc động, cho in trên tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ. Sau chiến tranh, được Nhà xuất bản Phụ Nữ in trong tập sách “Bão lớn”…
THANH QUẾ