Cải thiện chất lượng dân số vùng ven biển

VIỆT QUANG 19/06/2015 09:20

Chất lượng dân số các vùng biển, đảo và ven biển Quảng Nam đã được nâng cao trong thời gian qua nhờ sự hưởng ứng của ngư dân khi tham gia các mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Ngư dân ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm thấu đáo đến cải thiện chất lượng dân số.
Ngư dân ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm thấu đáo đến cải thiện chất lượng dân số.

Miễn phí dịch vụ

Vừa đặt chân lên âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) sau chuyến biển dài ngày, ngư dân Ngô Văn Đính (thôn Hồng Triều, xã Duy Nghĩa) đã được các cán bộ phụ trách dân số của xã Duy Nghĩa cấp phát miễn phí… các phương tiện tránh thai! Anh bảo: “Việc này địa phương triển khai từ rất lâu rồi, tận năm 2009 kia. Ban đầu mình rất ngại, nhưng dần dà cũng quen. Chừ tôi thấy điều đó mang lại hiệu quả, chứ không giờ đây gia đình tôi con cái lúc nhúc”. Gia đình anh Đính là một trong nhiều gia đình sinh con thứ  4 của xã Duy Nghĩa. Tại bến đò Thuận An của xã Duy Nghĩa, chúng tôi cũng bắt gặp ngư dân Đỗ Văn Tính đang nhận phương tiện tránh thai từ cán bộ phụ trách dân số của xã Duy Nghĩa. Anh Tính cho biết: “Tôi đi “bạn” trên tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Cửa Đại (TP.Hội An), chừ mới về đến bến đò đây. Được nhận miễn phí dịch vụ phòng tránh thai, cũng ngại nhưng vui. Phòng lúc “cao hứng” vì đi biển dài ngày trở về. Gia đình tôi đã có 3 con rồi”. Âu thuyền Hồng Triều và bến đò Thuận An là 2 địa điểm mà các cán bộ phụ trách dân số của xã Duy Nghĩa thường xuyên túc trực để cấp phát miễn phí các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho ngư dân sau các chuyển biển trở về. Tại đây, các tờ rơi về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình cũng được bố trí để tuyên truyền trong ngư dân.
Ông Nguyễn Trường Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa cho biết, chính nhờ vào Đề án 52, cải thiện chất lượng dân số vùng biển, đảo mà chất lượng dân số của địa phương đã cải thiện rất nhiều trong vòng hơn 5 năm qua. “Điều khiến địa phương ưu tư trong nhiều năm qua là làm sao nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho người dân. Rất may là khi Quảng Nam triển khai đề án “Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển” từ năm 2009 đến nay, địa phương đã được cấp các phương tiện phòng tránh thai. Vì vậy, chúng tôi đã cử cán bộ phụ trách dân số phối hợp với các cộng tác viên trong thôn, xóm cấp phát miễn phí cho ngư dân trở về sau những ngày dài lênh đênh trên biển. Sự hưởng ứng của ngư dân về sức khỏe sinh sản đã mang lại hiệu quả lớn. Trong nhiều năm qua, địa phương không có trường hợp phá thai ngoài ý muốn” - ông Nguyễn Trường Năm nói.

Câu lạc bộ ngư dân

Tam Quang là địa phương trọng điểm nghề cá của huyện Núi Thành. Bám biển dài ngày và liên tục nên ngư dân rất ít có điều kiện để tiếp cận và hiểu đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân số, kế hoạch hóa gia đình. Trong khi đó, vì cần nhiều lao động đánh bắt hải sản cũng như muốn có con trai để nối dõi nên ngư dân thường sinh nhiều con. Để cải thiện chất lượng dân số, từ năm 2008 đến nay, UBND xã Tam Quang đã thành lập câu lạc bộ ngư dân và giao cho các cán bộ phụ trách dân số của xã quản lý và điều tiết hoạt động. Nhiệm vụ của câu lạc bộ ngư dân là tuyên truyền nâng cao nhận thức trong ngư dân về các chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của ngư dân trong việc phối hợp với phụ nữ thực hiện tốt các chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình. Đích đến của câu lạc bộ này là xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Bà Huỳnh Thị Tỉnh, cán bộ phụ trách dân số của xã Tam Quang cho biết, hoạt động của câu lạc bộ ngư dân từ năm 2008 đến nay có rất nhiều nội dung. Trong đó, quan trọng nhất là tuyên truyền pháp lệnh dân số, các chính sách dân số, đảm bảo các gia đình không sinh con thứ 3. Nhờ hoạt động của câu lạc bộ ngư dân mà chất lượng dân số ở xã đã được nâng cao rõ rệt trong thời gian qua. Ngư dân Huỳnh Văn Thọ (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang) cho biết: “Qua sinh hoạt trong câu lạc bộ, ngư dân chúng tôi hiểu hơn về tình dục an toàn. Cùng với đó, chúng tôi cũng quan tâm hơn đến việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cũng như đảm bảo kế hoạch hóa gia đình. Ngư dân quê biển chúng tôi cũng đã thay đổi dần quan niệm sinh con trai để kế tục, thay vào đó chúng tôi chỉ sinh 1 hoặc 2 con để đảm bảo chất lượng cuộc sống”.

Ông Dương Văn Ba, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, quá trình triển khai đề án “Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển Quảng Nam” từ năm 2009 đến nay đã ghi nhận hiệu quả hoạt động của các mô hình. Trong đó, đáng kể nhất là mô hình cấp phát miễn phí phương tiện tránh thai ở xã Duy Nghĩa và câu lạc bộ ngư dân trên địa bàn xã Tam Quang. Hiện tại, mô hình câu lạc bộ ngư dân đã được nhân rộng trên địa bàn các xã Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Giang, Tam Hải của huyện Núi Thành. “Phát hiện sớm, can thiệp, hạn chế tật bệnh ở thai nhi và sơ sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính là những thành quả đáng ghi nhận của ngư dân khi hỗ trợ người bạn đời của mình cùng chăm sóc sức khỏe gia đình. Hàng nghìn phụ nữ cũng đã được ngư dân đưa đi xét nghiệm virus viêm gan B khi mang thai. Chất lượng dân số ở các địa bàn biển, đảo và ven biển Quảng Nam càng được cải thiện hơn trong thời gian đến khi ngư dân hưởng ứng, hợp sức tham gia cùng phụ nữ” - ông Dương Văn Ba nói.

VIỆT QUANG

VIỆT QUANG