Tiếng nói người trong cuộc
Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Quảng Nam thực hiện một bàn tròn về vấn đề phát triển nền báo chí nói chung và báo chí Quảng Nam nói riêng, xoay quanh đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Ngô Văn Hùng:
“Quy hoạch để nâng cao chất lượng”
Chủ trương của Trung ương về quy hoạch báo chí Việt Nam là cần thiết. Quy hoạch để báo chí phát triển đúng hướng, hoạt động báo chí đem lại hiệu quả hơn. Vì vậy, những người quản lý báo chí, những người làm báo, với trách nhiệm của mình, cần nắm bắt và thực hiện các chủ trương định hướng quy hoạch báo chí của Trung ương.
Trung ương chủ trương sắp xếp hệ thống báo in gắn với các giải pháp đổi mới mô hình tổ chức, quản lý theo hướng giảm số lượng cơ quan báo in, tránh tình trạng mỗi cơ quan có thể trùng lặp nhiều ấn phẩm báo chí. Các cơ quan báo chí sau khi sắp xếp đều có cơ quan chủ quản trực tiếp là tỉnh, thành phố, cơ quan cấp ngành, cấp trung ương (trừ các quân khu, quân chủng) tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác báo chí. Cơ quan báo chí được giao quyền tự chủ tài chính; Nhà nước tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo in chủ lực, thực hiện cơ chế đặt hàng đối với một số báo phục vụ các nhiệm vụ chính trị. Đồng thời nhằm đổi mới nội dung, hình thức các ấn phẩm.
Phóng viên tác nghiệp tại Giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam lần thứ XVIII năm 2014.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Đối với báo Đảng ở địa phương như Báo Quảng Nam, sẽ tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Ngoài nâng cao chất lượng báo in, cần chú ý nâng cao chất lượng, hiệu quả báo điện tử. Các cơ quan chức năng đã và đang nghiên cứu quy hoạch báo chí của tỉnh đến năm 2025. Trong đó, tập trung quy hoạch để phân kỳ đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, đào tạo cán bộ quản lý, phóng viên… để nâng cao chất lượng hoạt động. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phê duyệt Đề án phát triển Báo Quảng Nam giai đoạn 2015 - 2020, hy vọng rằng Báo Quảng Nam sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh. Tôi hy vọng rằng, với trách nhiệm trước Đảng, với Nhân dân, công tác quy hoạch báo chí của nước ta nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng sẽ đạt được kết quả, báo chí sẽ phát triển đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín:
“Nhà báo phải có cái tâm, có trách nhiệm với xã hội”
Trên địa bàn Quảng Nam có đại diện, phóng viên thường trú và nhiều cộng tác viên của cơ quan báo chí trên cả nước và địa phương đang tác nghiệp, đã góp phần thông tin tình hình kinh tế, xã hội cũng như sự lãnh đạo, điều hành của đảng bộ, chính quyền địa phương, hoạt động của các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Báo chí đã góp phần quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời báo chí cũng đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với Đảng và Nhà nước trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách; là kênh thông tin dư luận xã hội quan trọng và nhanh nhạy giúp cho các cơ quan triển khai, điều chỉnh chính sách cho phù hợp thực tiễn. Dễ nhận thấy điều này trong quá trình phát triển của tỉnh Quảng Nam. Như việc báo chí kịp thời thông tin, hướng dẫn nhân dân trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh; kêu gọi nhân dân cả nước và quốc tế ủng hộ Quảng Nam trong giảm nghèo; thông tin các chế độ, chính sách, vận động hàng nghìn người dân nhường đất, đóng góp xây dựng các công trình cho phát triển; phản ánh vụ việc tiêu cực để các cấp thẩm quyền kịp thời xử lý... Báo chí cũng là kênh quan trọng giáo dục pháp luật, phổ biến kiến thức và nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng thức các giá trị văn hóa của nhân dân. Báo chí đã thông tin, quảng bá lịch sử, văn hóa, hình ảnh về mảnh đất và con người Quảng Nam với bạn bè cả nước và thế giới...
Phóng viên tác nghiệp tại Khu Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Báo chí có lợi thế rất lớn trong việc cung cấp thông tin, tác động mạnh mẽ tới dư luận. Trong bối cảnh thông tin bùng nổ, các loại hình báo điện tử, thông tin mạng phát triển nhanh chóng; một thông tin giật gân, sai lệch hoặc “tam sao thất bổn” sẽ tác động không tốt đến chính sách, đến xã hội. Một điều có vẻ bất thường là những thông tin dạng này lại được sao chép nhanh và nhiều lần hơn những thông tin về những điển hình, mô hình tốt. Có những tin, bài nội dung thông tin không sai nhưng lại có tít bài giật gân, dễ làm cho dư luận hiểu nhầm sự việc. Cũng có bài thông tin nhiều lần nhưng nội dung không mới, trích dẫn thông tin, ý kiến không đúng quy định. Mỗi sự kiện, hiện tượng xã hội đều có nguyên nhân khách quan và chủ quan của nó. Khi đưa thông tin cần hiểu rằng tác động của nó vào đâu, mức độ đến đâu. Nhà báo phải có cái tâm, có trách nhiệm với xã hội. Báo chí có chức năng phản biện, đấu tranh chống tiêu cực và cũng phải cần phát hiện, động viên nhân dân tham gia sự nghiệp đổi mới, cổ vũ những cái mới.
Các cơ quan thẩm quyền đang rà soát đánh giá những mặt tích cực và những hạn chế, bất cập của báo chí để quy hoạch, sắp xếp lại. Trước hết, mỗi cơ quan báo chí đều có tôn chỉ, mục đích, có đối tượng, phạm vi hoạt động cụ thể. Một khi trên cùng một địa bàn có quá nhiều cơ quan báo chí, trước sức ép cạnh tranh thông tin, mâu thuẫn chức năng báo chí và kinh tế gia tăng sẽ tạo ra dư thừa, trùng lắp và dẫn đến sự sai lệch thông tin. Đối với các cơ quan, người phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí cũng cần thay đổi cách tiếp cận, cách nghĩ, phương thức và nội dung cung cấp cho báo chí. Muốn báo chí thông tin đúng thì mình phải tìm hiểu, chủ động thông tin. Cũng có những sự kiện, vụ việc mà các cơ quan, người phát ngôn không nắm chắc, lúng túng hoặc thậm chí không trả lời cho báo chí. Không nắm được thông tin chỗ này thì báo chí sẽ tìm chỗ khác, đây cũng là một nguyên nhân không nhỏ trong việc sai lệch thông tin trên báo... Do vậy, để nâng cao chất lượng của báo chí phải nâng cao chất lượng tư tưởng, chính trị của các cơ quan báo chí. Trong đó chú ý nâng cao trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị, kỹ năng quản lý và trách nhiệm xã hội của người đứng đầu, bộ máy lãnh đạo, đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Mặt khác phải tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu và cơ quan chủ quản trong việc quản lý cơ quan báo chí của mình.
Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Phạm Hồng Quảng:
“Việc quy hoạch lại báo chí trong bối cảnh hiện nay là cần thiết”
Cả nước hiện có 838 cơ quan báo in, 67 đài phát thanh - truyền hình với gần 200 kênh truyền hình, báo điện tử; bên cạnh đó, các trang thông tin trên mạng cũng đang ở thời kỳ phát triển mạnh mẽ. Riêng tỉnh Quảng Nam có 6 cơ quan báo chí của tỉnh, 5 cơ quan đại diện và văn phòng thường trú báo trung ương đóng trên địa bàn. Trong sự phát triển mạnh mẽ về số lượng của các cơ quan báo chí, không thể tránh khỏi sự cạnh tranh thông tin. Sự cạnh tranh này dẫn đến việc có những thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật, phản cảm, giật gân, câu khách, gây bức xúc trong xã hội, làm giảm đi tính giáo dục và định hướng, vốn là những giá trị truyền thống cao đẹp của báo chí cách mạng.
Mục tiêu cao nhất của báo chí cách mạng là phục vụ cho sự phát triển của đất nước và lợi ích của nhân dân. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, thông tin trên báo chí nước ta nói chung và Quảng Nam nói riêng trong những năm qua vẫn còn một số hạn chế, hoạt động báo chí gặp nhiều khó khăn, trở ngại; công tác quản lý nhà nước về báo chí còn nhiều tồn tại. Vì vậy, để vừa bảo đảm quản lý chặt chẽ, có hiệu quả đối với hoạt động của báo chí, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí, việc nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hoạt động báo chí bằng pháp luật là đòi hỏi bức thiết cả về lý luận và thực tiễn.
Phương châm chỉ đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước ta đối với hoạt động báo chí là “phát triển đi đôi với quản lý tốt”. Đó không chỉ đơn thuần là tăng về mặt số lượng mà còn bao gồm cả mở rộng quy mô, phạm vi tác động và nâng cao chất lượng thông tin. Chính thực tiễn xã hội đòi hỏi mở rộng quy mô thông tin của từng cơ quan báo chí cũng như sự ra đời của những tờ báo, bản tin, tạp chí, chương trình phát thanh, truyền hình mới. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô này phải phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển báo chí, tránh tình trạng chồng chéo... Điều đó đòi hỏi Quảng Nam phải xây dựng chiến lược phát triển thông tin lâu dài. Chiến lược này phải là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; phải đánh giá được thực trạng thông tin ở địa phương, đưa ra các quan điểm chỉ đạo phát triển thông tin và mục tiêu phát triển thông tin đến năm 2025 và những năm tiếp theo, cũng như các giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu đó.
Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam:
“Bạn đọc sẽ… quy hoạch báo chí”
Với tư cách người làm báo ở địa phương, tôi không lạm bàn chuyện vĩ mô về quy hoạch báo chí quốc gia. Song, thiển nghĩ, quy hoạch với số lượng tờ báo nhiều hay ít không quan trọng lắm. Điều cốt tử là ở phạm vi hoạt động của một tờ báo trên một địa bàn cụ thể, dù có được xác lập vị trí trong quy hoạch, cũng chưa chắc sống nổi trong tương lai khi mất dần bạn đọc, không có bạn đọc. Như thế, đòi hỏi sống còn của báo chí nói chung là ở chất lượng thông tin và khả năng đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng.
Chúng ta đang sống trong thời kỳ toàn cầu hóa. Đất nước đang trong quá trình bổ sung hoàn thiện luật pháp để hội nhập quốc tế sâu hơn. Làm báo trong thời này không dễ dàng vì giữa vấn đề tự do thông tin và chính sách quản lý còn đang tìm tiếng nói hòa hợp. Trên tất cả, quyền tự do thông tin (bao gồm quyền tìm kiếm, thu thập, phổ biến và quyền được thông tin) đang đặt ra thách thức cho sự tồn tại của báo chí truyền thông. Trong đó, công chúng có quyền được biết thông tin của Nhà nước, theo cách chủ động công khai từ phía Nhà nước, hoặc thực hiện quyền yêu cầu từ phía người dân nhằm thỏa mãn nhu cầu thông tin của mình cũng như bảo vệ và thực hiện các quyền khác được pháp luật ghi nhận. Quyền được thông tin tạo cơ sở cho người dân giám sát sự công khai, minh bạch trong hoạt động của Nhà nước. Điều này trở thành nhu cầu và một quyền cơ bản, cấp thiết cần phải đảm bảo được thực hiện đối với mọi công dân. Đây cũng là một thành tố không thể tách rời của một nền dân chủ, là biểu hiện của xã hội được quản lý, vận hành theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền.
Hiện nay, các báo Đảng đều xác định tôn chỉ mục đích làm chiếc cầu nối cho “Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân”. Do đó, việc đảm bảo quyền tự do thông tin chính là cách làm cho “tiếng nói” ấy thực sự có ý nghĩa hết sức quan trọng để xây dựng xã hội “dân chủ, công bằng, văn minh”. Hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa báo chí, trên cả phương diện tư duy và kỹ thuật tổ chức khai thác, xử lý thông tin, cũng nhằm mục đích phục vụ tốt hơn yêu cầu đó. Và, mục đích cuối cùng là hướng đến đáp ứng nhu cầu thông tin của đại chúng. Nếu nhân dân, bạn đọc không ủng hộ, không thấy hữu ích gì từ thông tin báo chí đem lại thì dù tờ báo có nằm trong quy hoạch cũng sẽ không có đất sống. Làm thế nào để tờ báo được “quy hoạch” trong con tim và khối óc của đông đảo bạn đọc, của công chúng? Giá trị chân – thiện – mỹ, là thước đo cơ bản cho quy hoạch ấy.
Nhà báo Mai Tư - Giám đốc Đài Phát thanh truyền hình Quảng Nam:
“Phục vụ tốt hơn nhu cầu thông tin trong đời sống xã hội”
Quy hoạch phát triển báo chí toàn quốc đến năm 2025 khi được thông qua với những vấn đề mới chắc chắn sẽ là một cuộc cách mạng trong hoạt động báo chí, nhằm hướng tới số lượng báo chí hợp lý, chất lượng cao hơn và phục vụ tốt hơn nhu cầu thông tin trong đời sống xã hội.
Các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo ở Quảng Nam từ khi chia tách tỉnh đến nay đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Báo chí và các văn bản khác liên quan; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và đối tượng phục vụ. Các cơ quan báo chí luôn đi đầu trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân; đóng góp quan trọng trong việc thông tin hai chiều, giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, địa phương kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành các hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.
Mặt khác, đối với Luật Báo chí, thực tiễn qua hơn 16 năm kể từ khi ban hành, bên cạnh những mặt tích cực, Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung năm 1999 đã bộc lộ một số mặt chưa hoàn chỉnh trong khi ngày càng xuất hiện nhiều nảy sinh mới trong đời sống báo chí. Do sự hội tụ, phát triển mạnh mẽ về công nghệ viễn thông, truyền thông và internet khiến cho nhiều quy định của Luật Báo chí 1999 không còn phù hợp. Vì thế, Luật Báo chí cần sớm bổ sung các quy định để điều chỉnh hoạt động báo chí hiện nay và dự báo được xu hướng phát triển của báo chí trong tương lai.
Có một thực tế, đạo đức của người làm báo có sự chi phối rất lớn từ các cơ quan báo chí. Bởi vậy, sự chăm lo xây dựng đội ngũ có phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị và chuyên môn nghiệp vụ sẽ là những yếu tố nền tảng, chuẩn mực góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan báo chí.
Ở góc độ địa phương, đề án Quy hoạch phát triển báo chí chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng, tác động nhất định, nhất là những vấn đề thuộc về cơ chế chính sách. Tôi cũng hy vọng với địa phương như Quảng Nam, khi mà đời sống báo chí không xuất hiện tình trạng thương mại hóa hay xa rời tôn chỉ mục đích hoạt động thì những tác động từ những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đối với báo chí sẽ góp phần tạo các điều kiện về hành lang pháp lý cho báo chí địa phương phát triển bền vững.
ANH TRÂM – VINH ANH (thực hiện)