Tiếp bạn đọc

BẢO LÂM 18/06/2015 11:17

Sau khi gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, cầu cứu… nhiều nơi mà chưa có kết quả, không ít người dân tìm đến cơ quan báo chí. Với người làm báo, được người dân tin tưởng gửi gắm tâm tư, cậy nhờ góp tiếng nói tháo gỡ vướng mắc cho họ... chính là niềm vui nhưng đôi khi cũng lắm nỗi niềm.

Công việc tiếp nhận, xử lý, trả lời đơn thư bạn đọc được gọi bằng cái tên chung là “nghề” tiếp bạn đọc. “Nghề” này có niềm vui là khi những vướng mắc của người dân được báo viết bài phản ánh, cơ quan chức năng giải quyết và trả lại sự công bằng cho họ; vui vì được người dân gửi gắm, tin tưởng; được làm cầu nối giữa người dân với cơ quan công quyền. Nhưng cũng có lúc buồn vì nhiều người nghĩ sai về “nghề” tiếp bạn đọc, nhất là đối với các trường hợp ngoài khả năng can thiệp của cơ quan báo chí, hoặc báo chí phản ánh nhưng các cơ quan chức năng phớt lờ, không chịu giải quyết. Nhiều người không hiểu rằng, báo chí chỉ là cơ quan ngôn luận, góp tiếng nói để cơ quan công quyền hoặc đơn vị, tổ chức liên quan đẩy nhanh tiến độ xử lý, giải quyết vụ việc. Ví như chuyện dưới đây.

Tác giả hướng dẫn bạn đọc viết đơn thư tại Tòa soạn.
Tác giả hướng dẫn bạn đọc viết đơn thư tại Tòa soạn.

1. Một bạn đọc luống tuổi đến Báo Quảng Nam,“tâm sự”: “Có chuyện khúc mắc lâu rồi mà tui chưa dám đến gặp nhà báo vì chưa chuẩn bị được tiền để nộp. Nay có được một ít lận lưng tui mới dám đến”. Ngay sau đó, người này đặt vấn đề: “Vụ kiện về đất đai như của tui, tui phải đưa bao nhiêu tiền thì nhà báo mới giải quyết?”. Dù được giải thích rằng, tìm hiểu, phản ánh những vấn đề phát sinh trong cuộc sống của công dân là trách nhiệm của nhà báo, người dân không phải nộp bất cứ một khoản tiền nào, nhưng lúc ra về người này vẫn tỏ ra... chưa yên tâm. Đến khi vụ việc được phóng viên đến tận nơi tìm hiểu, viết bài phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết, người này mới đến tòa soạn cảm ơn và xác nhận mình “không tốn tiền vẫn được nhà báo giúp lấy lại sự công bằng”.

Đa số người dân, bạn đọc gửi đơn đến báo đều bày tỏ “mong vụ việc của mình được giải quyết sớm” và “xin bồi dưỡng ít tiền để nhà báo làm lộ phí”. Cũng có không ít trường hợp người dân mang đơn thư đến nhờ báo can thiệp, xử lý. Việc chưa đến đâu họ đã “cam kết”: “Nếu lấy lại được tiền đã mất, tôi sẽ đi làm từ thiện và... biếu nhà báo một ít!”. Thú thực, ban đầu người tiếp bạn đọc cũng buồn, giận vì cảm thấy bị xúc phạm nhưng nghĩ lại, cảm thấy họ thật đáng thương khi vận dụng không đúng kinh nghiệm dân gian: “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”.

2. Nhiều người dân khi đã tìm đến tòa soạn báo để nhờ can thiệp sự việc nào đó thường trình bày rất dài dòng, không đi thẳng vào vấn đề, hoặc giới thiệu tôi quen với anh A., anh B. - lãnh đạo ở đây. Thú thực, tôi rất dị ứng với cách giới thiệu ấy nhưng vẫn phải chịu khó lắng nghe. Có người đến được cơ quan báo chí thì như cởi tấm lòng, tha hồ trút bầu tâm sự. Người tiếp bạn đọc vừa phải kiên nhẫn lắng nghe, vừa phải tế nhị nhắc họ trình bày cụ thể, rõ ràng. Bởi lẽ, nguyên tắc của công việc này là: chỉ khi đặt mình vào vị trí của người dân đang bức xúc mới thấu hiểu được tâm trạng của họ...

Vậy đó, “nghề” tiếp bạn đọc vui, buồn lẫn lộn. Và, chúng tôi luôn chấp nhận điều đó, để được đồng hành, sẻ chia cùng bạn đọc, trở thành cầu nối giữa người dân với cơ quan công quyền bằng trách nhiệm xã hội của người làm báo.

BẢO LÂM

BẢO LÂM