Chậm quy hoạch rừng phòng hộ ven biển: Cái giá phải trả! (Bài cuối)

HỮU PHÚC 18/06/2015 08:16

 Không đợi chờ nguồn vốn xây dựng kiên cố các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, một số nơi đã bắt đầu phủ xanh rừng trên cát, trồng cây ngập mặn để “trả nợ” thiên nhiên.

  • Chậm quy hoạch rừng phòng hộ ven biển: Cái giá phải trả! (Bài 2)
  • Chậm quy hoạch rừng phòng hộ ven biển: Cái giá phải trả! (bài 1)

BÀI CUỐI: TRẢ MÀU XANH CHO BỜ BIỂN

Phục hồi rừng

Cũng nằm dọc tuyến ven biển, nhưng đất đai, vườn nhà của người dân trên địa bàn xã Bình Dương (Thăng Bình) chưa bị san ủi để nuôi tôm lót bạt trên cát. Cánh rừng dương liễu vẫn còn trải dài dọc bờ biển. Ông Phan Phước Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho rằng, hồ sơ xin đất nuôi tôm chất chồng tại xã nhưng chính quyền cương quyết từ chối, muốn giữ nguyên trạng rừng cây. “So với các vùng lân cận, vào mùa mưa bão, địa phương ít bị tàn phá hơn. Những cơn gió từ biển thổi vào làng mạc đã bị đai rừng phòng hộ chặn lại. Chúng tôi may mắn còn giữ lại rừng sát biển” – ông Sơn nói. Tại “điểm nóng” Tam Tiến, khu vực thôn Long Thạnh giáp với địa bàn xã Tam Hòa (Núi Thành) còn giữ được màu xanh, do rừng đã tái sinh, lớn nhanh. Hơn chục năm nay, khu rừng này là nguồn cung cấp rác (lá khô), củi cho người dân bản địa. Chủ tịch UBND xã Tam Tiến – ông Nguyễn Giúp hồ hởi: “May mắn là một số vùng ven biển, rừng vẫn chưa bị băm nát. Nhiều năm qua, Nhà nước cũng triển khai trồng dặm cây keo, hiện sinh trưởng tốt”.

Người dân vùng ven biển nỗ lực phục hồi hệ sinh thái để “lấy rừng nuôi rừng”.
Người dân vùng ven biển nỗ lực phục hồi hệ sinh thái để “lấy rừng nuôi rừng”.

Tại vùng biển Cửa Đại (TP.Hội An), các tổ chức tài trợ nước ngoài, phát triển bền vững môi trường ven biển đang xúc tiến các vườn ươm cây giống mới có khả năng chống chịu với sức gió. Chính quyền TP.Hội An đã đưa phủ xanh rừng ven biển, ngập mặn vào chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện hàng năm. Ở các khu rừng ngập mặn hiện hữu và dòng sông hoang sơ, thành phố tích cực kêu gọi doanh nghiệp, người dân vào đầu tư trồng rừng để vừa phát triển du lịch sinh thái, tạo sinh kế lâu dài và bảo vệ môi trường bền vững. Rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh) hiện nay là hình mẫu thành công của phương châm “lấy rừng nuôi rừng”, hình thành được “bức tường xanh” kiên cố.

Trồng lại rừng keo trên đất cát  xã Bình Dương (Thăng Bình). Ảnh: H.P
Trồng lại rừng keo trên đất cát xã Bình Dương (Thăng Bình). Ảnh: H.P

Giai đoạn 2011 - 2015, các vùng cửa sông, cửa biển được Trung ương đầu tư thí điểm các mô hình khôi phục rừng ngập mặn, tạo hiệu ứng tốt cho người dân. Không những tái tạo rừng đa dạng, một số dự án còn ứng dụng mô hình sinh kế bền vững cho người dân vùng ven biển nhằm thay thế việc phá rừng để phát triển nuôi trồng thủy sản. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, trong điều kiện Chính phủ thắt chặt đầu tư công, không thể ngồi đợi đồng vốn cho các công trình kè bờ biển, mà việc trong tầm tay của các địa phương là gấp rút trồng rừng phòng hộ ở các khu vực xung yếu, khu vực dễ bị tổn thương. Thực tiễn cho thấy, một số đai rừng chắn sóng, gió bão còn hiệu quả hơn các công trình bằng bê tông cốt thép.

Không lặp lại sai lầm!

Ông Huỳnh Tấn Đức – Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, thời gian đến sẽ giải quyết rốt ráo sự chồng lấn giữa quy hoạch rừng phòng hộ ven biển với các quy hoạch về du lịch, nuôi trồng thủy sản, Khu kinh tế mở Chu Lai. Quan điểm của ngành là giảm diện tích nuôi trồng thủy sản, mở rộng đất rừng phòng hộ. “Nếu không trồng được rừng phòng hộ ven biển thì sẽ rất khó phát triển ổn định các lĩnh vực khác. Thảm họa thiên tai liên tiếp cảnh báo nên không thể xem nhẹ đai rừng ven biển được ” – ông Đức nói.

Ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An từng tỏ ra “ân hận” khi cho rằng, mất mát không nhỏ của địa phương là triệt phá rừng ven biển để xây dựng các công trình khách sạn, giờ nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Cho nên, chính quyền TP.Hội An sẽ luôn đeo đuổi mục tiêu “xanh hóa” đường phố, bãi biển và dòng sông; xây dựng thành phố sinh thái thân thiện với môi trường. Thực tế, kế hoạch phủ xanh đất cát ven biển trên địa bàn tỉnh những năm qua không như mong muốn, do chồng lấn quy hoạch của các ngành. Công tác giao đất giao rừng triển khai thiếu đồng bộ, chưa có chính sách khuyến khích để người dân hưởng lợi rừng. Chu kỳ trồng cây rừng phòng hộ ven biển sau 15 - 20 năm mới thu hoạch nên chưa thực sự hấp dẫn so với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Liệu người dân có thể lấp ao nuôi tôm phủ xanh rừng không? Mối băn khoăn này cần sớm có câu trả lời từ các ngành hữu quan.

1.000 tỷ đồng cho đai rừng ven biển
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, giai đoạn này Nhà nước sẽ đầu tư 1.000 tỷ đồng cho 19 tỉnh, thành ven biển, trong đó có Quảng Nam. Diện tích rừng ven biển nước ta chiếm 3% diện tích đất lâm nghiệp nhưng góp phần duy trì đa dạng sinh học, phòng hộ chắn sóng, chắn gió bão hiệu quả. Đến năm 2020, các địa phương phục hồi và trồng mới gần 60.000ha rừng, nâng cao độ che phủ của rừng ven biển lên 20%.

Ông Lê Minh Hưng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, dù có chậm cũng phải làm lại quy hoạch rừng phòng hộ ven biển, nhưng phải là quy hoạch có chất lượng, đồng bộ và sát thực tế. Thời gian qua, đơn vị tư vấn, chuyên môn đã làm xong phần việc xác định cụ thể vùng quy hoạch rừng phòng hộ tập trung và quy hoạch các đai rừng phòng hộ cho các khu vực sản xuất nông - lâm - thủy sản. Cạnh đó, điều tra đánh giá điều kiện lập địa, các vùng trồng rừng phòng hộ ven biển, tổ chức quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn 6 huyện, thành phố ven biển; đề xuất các cơ chế, chính sách cho phát triển rừng phòng hộ ven biển tỉnh giai đoạn 2014 - 2020. Ngành lâm nghiệp khẩn trương rà soát, điều tra, kiến nghị tỉnh mạnh dạn thu hồi những dự án bỏ hoang đất, hoặc chưa sử dụng hết diện tích để quy hoạch vào rừng phòng hộ.

Hiện nay, UBND tỉnh đã quy hoạch chi tiết vùng ven biển, những dự án đầu tư đều phải tuân thủ theo quy hoạch vệt cây xanh, công trình xây dựng phải  cách xa so với mặt nước biển ít nhất 150m. Chính quyền TP.Hội An, Thăng Bình khuyến khích các hình thức liên kết với người dân trồng rừng như thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để trồng rừng ven biển, nuôi trồng thủy sản, nông – lâm kết hợp với phát triển du lịch sinh thái. Hầu hết địa phương đang quy hoạch lại chương trình phát triển, bảo vệ rừng ven biển đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Theo ông Phan Sỹ Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020, 6 địa phương ven biển sẽ tiếp rục mở rộng trồng mới rừng, phục hồi rừng phòng hộ nhằm hạn chế hiện tượng xói lở, xâm nhập mặn, tạo bãi bồi, lấn biển, bảo vệ  hệ sinh thái rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Hiện các cơ sở vườn ươm đang thử nghiệm một số loại giống cây phòng hộ chịu được thời tiết nắng hạn, gió bão. Hai ngành nông nghiệp và tài nguyên - môi trường đang khảo sát, phân tích mức độ tổn thương vùng ven biển và triển khai “vành đai xanh” bao bọc các cồn cát trống trải.

HỮU PHÚC

HỮU PHÚC