Nhà giáo Hồ An với tù binh Mỹ
Một trong những tù binh Mỹ thầy Hồ An nhớ và có ấn tượng là Bobby, có tên khai sinh là Rusell Garwood. Nay, ở tuổi 95, thầy Hồ An vẫn còn nhớ lần đầu tiên được lãnh đạo Khu ủy mời tiếp xúc với Bobby - một trong những lính Mỹ đầu tiên rơi vào tay du kích giải phóng Quảng Đà: Hạ sĩ Rusell Garwood lái xe cho một sĩ quan cao cấp thuộc sư đoàn 3 Thủy quân lục chiến Mỹ tại Non Nước.
1.Một buổi chiều mùa thu năm 1965, vừa đặt chân lên bờ biển Đà Nẵng chưa lâu, xứ lạ, quê người, bỗng nhớ nhà, nhớ người yêu, chàng trai tuổi hai mươi Bobby một mình lái chiếc Jeep đi Cửa Đại - Hội An, nhưng đến Cẩm Hải (nay thuộc xã Điện Dương và Cẩm An) thì bị Phạm Đề - du kích Cẩm An chặn xe, bắt sống... Thầy Hồ An nhớ: Khi bước vào thấy Bobby ngồi gằm mặt xuống đất, không chào. Thầy từ tốn nói: Tôi không có cấp bậc chi, cũng chỉ là một du kích. Anh định gặp người có cấp bậc anh mới chào sao? Câu hỏi lạ, bằng tiếng Anh, giọng lưu loát, làm Bobby bất ngờ nhìn lên. Vẫn không chào. Thầy nói: Tôi là người chiến thắng. Anh phải đối xử với tôi như cấp trên. Tức thì, Bobby đứng dậy gục đầu chào. Thầy nói: Chừ thì tôi là người thắng, anh là người bại, nói chuyện với nhau. Trước khi đến đây, tôi được biết anh đang sốt, không nói chuyện, không chịu ăn uống, thậm chí không đánh răng. Lẽ nào anh lại chờ cái chết? Có lẽ anh bị đầu độc rằng lọt vào tay cộng sản thì chỉ có chết! Như vậy, do lo sợ, do ác cảm không chịu nói chuyện, không chịu ăn nên anh lên cơn sốt. Thầy Hồ An chỉ cô gái bên cạnh, nói: Tôi hẹn cô y tá đem thuốc cho anh đây. Anh uống thuốc, hết sốt, ăn cháo rồi ta sẽ nói chuyện. Bobby đồng ý uống thuốc và ăn cháo. Tối đó thầy Hồ An gặp Bobby.
Nhà giáo Hồ An (bên trái) và tác giả. |
Hôm đó rất tình cờ, trời sáng trăng. Đưa tay chỉ trăng tròn trên trời xuyên qua kẽ lá rừng, xung quanh là đá núi, thầy nói với Bobby: Có lẽ ở quê nhà anh chưa có dịp nào được nhìn thấy mặt trăng như đêm nay. Tôi nhìn trăng là nhớ nhà, nhớ người thân. Chắc anh cũng vậy. Sau một lúc hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình, Bobby xúc động, hỏi thầy: Ông làm chi mà nói tiếng Anh hay lắm? Thầy Hồ An nói: Tôi cũng như anh, không có cấp bậc gì. Anh muốn nghe đời tư của tôi thì tôi sẽ kể:
Năm 1966, khi nhà in Báo Quảng Đà đóng ở Khe Rinh - thượng nguồn Quế Sơn, anh em nhà in đón nhận một nhân viên đặc biệt là Nguyễn Chiến Đấu. Bobby tham gia giúp anh em sắp chữ bản in những tờ truyền đơn bằng tiếng Anh. Bobby chịu khó học viết và nói tiếng Việt. Ông Bùi San, Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy gặp và nghe Bobby trả lời sành sỏi những câu hỏi, rất ngạc nhiên. Nhân có Đại hội Phụ nữ khu V, ông Bùi San cho Bobby đến dự. Ông Bùi San đề nghị một phụ nữ đặt câu hỏi với Bobby. Bà Hai Truy, Ủy viên Ban chấp hành Phụ nữ khu hỏi: Bobby thấy phụ nữ Việt Nam thế nào? Bobby cười trả lời: Phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang và đẹp nữa! Vậy thì, một bà Hội trưởng hỏi tiếp: Bobby có muốn lấy cô gái Việt Nam làm vợ không? Bobby cười rất tươi, nói: Rất muốn, nhưng không thể vì còn phải lo nhiệm vụ. Vả lại, sợ tôi về Mỹ thì các chị khổ... |
Cha tôi là một ông quan đầu tỉnh. Thời kỳ Pháp chiếm đóng, có một thời gian cha tôi, ông Hồ Ngận, làm Tỉnh trưởng Quảng Nam. Khi Mỹ thay chân Pháp, thì đưa Ngô Đình Diệm từ Mỹ về Việt Nam thay Bảo Đại. Tổng thống Ngô Đình Diệm mời cha tôi tham gia đại biểu Quốc hội. Tôi từng học trường do các giáo sư người Pháp dạy. Tôi tiếp xúc với nhiều giáo sư người Anh. Và tôi từng dạy cho học sinh người Việt phương pháp viết và nói tiếng Anh như người bản xứ. Khi Mỹ thay chân thực dân Pháp thì tôi tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi chia tay gia đình, học trò, rời thành phố Đà Nẵng - nơi các anh vừa đổ bộ lên chiếm, lên rừng núi này tham gia chống Mỹ xâm lược. Tôi biết anh cũng như bạn bè của anh sang Việt Nam là do nhà cầm quyền Mỹ nói với các anh sang Việt Nam để chống họa cộng sản xâm lăng...
Sau khi Bobby vượt qua ám ảnh bị bắt trói giữa ban ngày và muốn nói chuyện thì thầy Hồ An thường qua bên Binh vận để gặp và nói chuyện với Bobby. Một hôm, gặp bữa cơm, thầy Hồ An chỉ vào phần ăn của Bobby nói vui: Tôi ở vùng căn cứ này hơn một năm rồi mà chưa một lần được ăn món gà rôti như anh. Khẩu phần của chúng tôi, kể cả các anh lãnh đạo của tôi chỉ là cơm mắm cái kho và rau. Ở trong rừng, xung quanh là đồn bốt của các anh nên việc kiếm lương thực, thực phầm là vô cùng có khăn. Anh chị em hậu cần cố gắng lắm mới kiếm được thịt, cá cho các anh. Trong khó khăn thiếu thốn, các anh thông cảm, chúng tôi cố gắng cao nhất có thể thực hiện chính sách nhân đạo của mặt trận đối với tù binh chiến tranh.
Khi nhận ra chính nghĩa, phi nghĩa, về với Giải phóng, Bobby đặt tên Việt là Nguyễn Chiến Đấu. Cái tên mang nguyện vọng của Bobby được cùng quân và dân miền Nam chiến đấu chống Mỹ. Bobby rất mến thầy Hồ An - người nói chuyện rất thân tình, đầy tính thuyết phục, người từng đưa những bài viết của học giả nổi tiếng người Anh Bertrand Russell, của nhà báo nổi tiếng Alfred Burchett cho Bobby đọc, giúp Bobby sớm nhận ra đâu là chính nghĩa, phi nghĩa, gọi thầy Hồ An là cha. Hỏi tại sao lấy họ Nguyễn, Bobby nói muốn lấy họ của Nguyễn Ái Quốc và cũng là họ của Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ. Bobby tham gia đi gùi cõng, dọn nà phát rẫy sản xuất, tham gia với cán bộ Binh vận biên soạn truyền đơn và đến sát đồn địch đặt loa kêu gọi binh lính chống lại cuộc chiến đấu phi nghĩa, một lần đang loa kêu gọi thì bị địch bao vây phải rúc hầm bí mật, đói. Khi nhận được tiền Binh vận cho thì Bobby mua vải, bột ngọt đem vào làng tặng cho đồng bào dân tộc...
Ngày 8.3.1965, Mỹ ồ ạt đổ quân lên Đà Nẵng, chúng thay tên gọi cuộc ‘‘chiến tranh đặc biệt’’ - Mỹ làm cố vấn cho quân đội Sài Gòn, thành ‘‘chiến tranh cục bộ’’ - quân Mỹ là chính đối đầu với quân giải phóng. Để có điều kiện tiếp xúc giáp mặt đấu tranh với lính Mỹ, đầu năm 1966, Ban Thường vụ Khu ủy V chủ trương mở lớp học tiếng Anh, học viên là những người có trình độ tú tài toàn phần, đã có học tiếng Anh, phần lớn là cơ sở từ thành phố thoát ly. Lớp học kéo dài 2 tháng. Một số học viên tham gia lớp học đó như Vũ Văn Sỹ, người Tam Dân - Tam Kỳ; Nguyễn Tấn Hùng, người Bình Lãnh; Trình Chí, người Kỳ Phú; Trương Công Điền, người Điện Thắng, Điện Bàn; Nguyễn Công Toản, người Đại Lãnh, Đại Lộc; Nguyễn Minh Châu, người Quảng Ngãi… Giáo viên lớp tiếng Anh là thầy giáo Hồ An - Ủy viên thường trực Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng Trung Trung Bộ. |
Thấy Nguyễn Chiến Đấu tiến bộ, chịu đựng được gian khổ của núi rừng, ác liệt của chiến tranh, có người đề xuất kết nạp Nguyễn Chiến Đấu vào Đảng. Nhưng lãnh đạo Khu ủy nói chưa cần thiết. Nghe rằng, năm 1969, khi được Mặt trận Giải phóng trao trả, về nước thì Bobby bị chính quyền Mỹ bấy giờ ghép tội phản quốc. Tuy nhiên được gia đình thuê luật sư và nhờ bạn bè chạy thoát tội. Có tin, sau ngày hòa bình, Bobby tham gia trong tổ chức MIA sang Việt Nam tìm hài cốt lính Mỹ nằm lại trong chiến tranh.
2.Năm 1965, trong trận đánh Ba Gia ta bắt được Eishen Brown. Anh ta rủ tù binh trốn trại nhiều lần. Thế là Bí thư Khu ủy V Võ Chí Công bảo anh em binh vận để cho nhà giáo Hồ An tiếp xúc. Trước khi nói chuyện với Eishen Brown, thầy Hồ An đề nghị tháo cái còng tay của Brown - đại úy cố vấn. Câu đầu tiên sau lời chào là: Tôi đến gặp anh không phải để tẩy não (brain wash), mà để nói chuyện với anh. Anh ta nghe thầy Hồ An nói mấy câu thì hỏi: Anh là Việt Cộng. Do đâu mà anh nói tiếng Anh giỏi vậy? Thầy nói là giáo viên tiếng Anh.
Sau lần nói chuyện với thầy Hồ An, anh ta xin quản lý trại giam cho một cây đèn dầu, cây bút, mấy tờ giấy để viết kiểm điểm. Thức đêm viết kiểm điểm, sáng hôm sau Brown mang bản kiểm điểm đến chỗ trại của thầy Hồ An. Bản kiểm điểm chưa đầy một trang giấy vở học trò, có một đoạn làm thầy Hồ An rất vui: Tôi đã biết lỗi của tôi, sau khi nghe ông nói. Nếu từ nay trở đi mà tôi còn làm điều gì sai như trốn trại, ngay cả từ trong tư tưởng muốn trốn trại chẳng hạn (hoặc là ông biết từ trong ý nghĩ của tôi) thì tôi xin tự chịu xử trí - I admit to be executed.
Sau khi hỏi thăm về gia đình thì Brown rất cảm động, thổ lộ: Tôi vào lính, tham gia chiến tranh Triều Tiên, lên chức đại úy, được nghỉ phép ở Okinawa, thuê một cô gái Nhật làm vợ trong thời gian ở Nhật Bản...
Nghe anh em Binh vận báo cáo có mấy tù binh làm đơn xin ở lại bên Giải phóng, trong đó có Bobby thì Võ Chí Công nói nên khuyên họ về lại Mỹ thì có lợi hơn. Vả lại, với hoàn cảnh trên rừng núi của ta, vừa trên bom dưới đạn, vừa không đủ sức để nuôi các tù binh Mỹ…
HỒ DUY LỆ