Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ IX (2014- 2015): Sôi động bức tranh đời sống xứ Quảng

LÊ QUÂN 17/06/2015 08:50

Những tác phẩm báo chí phản ánh muôn mặt đời sống trên đất Quảng Nam, hình thành nên một bức tranh xứ Quảng sống động… lại một lần nữa được tôn vinh.

Nâng tầm chất lượng

Mùa giải năm nay, tổng số lượng tác phẩm Ban tổ chức nhận được lên đến gần 150 tác phẩm. Ở góc độ thành viên Ban Giám khảo, nhà báo Trương Công Định, Phó Tổng biên tập Báo Đà Nẵng nhận xét, giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng năm nay được phóng viên nhiều cơ quan báo chí tham gia. “Điều đó cho thấy sức hút rất lớn của giải đối với các nhà báo. Các tác phẩm dự thi đều đáp ứng yêu cầu Ban tổ chức đưa ra về chủ đề, nội dung lẫn hình thức, phản ánh đầy đủ cuộc sống sôi động của quê hương Quảng Nam trong năm qua, từ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chính sách ưu tiên phát triển miền núi, bảo vệ biển đảo Tổ quốc…” - nhà báo Trương Công Định chia sẻ. Qua 9 mùa giải, giải thưởng vinh dự mang tên chí sĩ, nhà báo Huỳnh Thúc Kháng đã có sức lan tỏa và thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của giới làm báo cả nước. Sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng tác phẩm qua mỗi mùa giải càng khẳng định uy tín của giải thưởng. Cả 4 thể loại báo hình, báo nói, báo in, phóng sự ảnh đều có những tác phẩm xuất sắc, bám sát cuộc sống, với góc nhìn mới mẻ, sắc sảo của các nhà báo. Qua đó, một bức tranh xứ Quảng ghép từ những lát cắt này hiện lên sinh động, đầy đủ, toàn diện.

Lễ trao giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ V tại Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Lễ trao giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ V tại Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Qua một năm miệt mài lao động, sáng tạo của đội ngũ những người làm báo, một Quảng Nam phong phú, dày dặn bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử đến những biến chuyển của đời sống đương đại hiện lên khá rõ nét. Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng, Phó Tổng biên tập Báo Quảng Nam, cho rằng: “Từ lát cắt của mỗi tác phẩm, nếu đặt bên nhau thành một tổng thể sẽ thấy hiện rõ bức tranh về đất và người Quảng Nam. Và một cách bao quát, báo chí đã trải rộng cái nhìn hầu khắp các lĩnh vực đời sống, khắp các vùng miền, phản ánh những giá trị, nét đẹp của con người, sự đổi thay tích cực của cuộc sống và cũng không hề né tránh những vấn đề gai góc, vướng mắc trên hành trình phát triển Quảng Nam”. Tác phẩm tham dự giải lần thứ IX đều thể hiện rất rõ lập trường của tác giả dưới góc nhìn của mình, nhờ đó tính dự báo, giám sát và phản biện cũng trở nên sắc sảo. Nhiều tác phẩm kịp thời đi vào những vấn đề thời sự nóng bỏng như quy hoạch ven biển, giảm nghèo bền vững, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Nhà báo Hồ Tấn Vũ tác nghiệp tại Nam Trà My, khi thực hiện loạt bài “Trên mái nhà miền Nam”.
Nhà báo Hồ Tấn Vũ tác nghiệp tại Nam Trà My, khi thực hiện loạt bài “Trên mái nhà miền Nam”.

Bên cạnh nội dung bám sát cuộc sống, hình thức thể hiện của các tác phẩm dự giải năm nay cũng trở nên chuyên nghiệp hơn. Ở thể loại báo hình, đạo diễn Trí Trung chia sẻ: “Đề tài các tác phẩm truyền hình năm nay bám sát cuộc sống, trong đó nổi bật là vấn đề xây dựng nông thôn mới cũng như điển hình trong lao động sản xuất. Phẩm chất chuyên môn về phim truyền hình có nhiều tiến bộ, cách ráp dựng, hình ảnh, thu âm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và ngôn ngữ truyền hình”. Trong khi đó, nhà báo Phan Thanh Hằng, nhận xét về các tác phẩm dự giải ở thể loại báo nói: “Đề tài tương đối đa dạng, phản ánh kịp thời những vấn đề thời sự như ngư dân bám biển, vấn đề giàn khoan Trung Quốc, hay các đề tài mới như Quảng Nam và chính sách hỗ trợ phạm nhân mãn hạn tù; Quảng Nam - tỉnh đầu tiên quyết định tạm hoãn hình thức đào tạo cử tuyển… Ngôn ngữ phát thanh (lời nói, tiếng động, âm nhạc) được thể hiện rõ ở hầu hết tác phẩm. Cá biệt, có một số tác phẩm, nhất là phát thanh trực tiếp có hướng tìm tòi, sáng tạo”.

Những “khoảng trống” suy ngẫm

Ở thể loại báo hình, giải đặc biệt thuộc về bộ phim tài liệu “Người cộng sự” của nhóm tác giả Vinh Quang - Ngô Hòa - Văn Trường (Đài PTTH Quảng Nam). Giải Nhì thuộc về phóng sự dài “Tai nạn giao thông - nỗi đau không gì bù đắp” của nhóm tác giả Xuân Mai - Hoàng Long - Quốc Huy (Chuyên mục TH An ninh Quảng Nam - Công an tỉnh Quảng Nam). Giải ba thuộc về phóng sự “Những “cột mốc” trên biển” của tác giả Trường Giang (Đài PTTH huyện Núi Thành). Ngoài ra còn có 3 giải Khuyến khích đều của các tác giả Đài PTTH Quảng Nam.
Thể loại báo nói cũng có 6 giải, trong đó giải Nhất thuộc về Chương trình phát thanh trực tiếp “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” của nhóm tác giả Xuân Hiếu - Thanh Nhất (Đài PTTH Quảng Nam). Giải Nhì thuộc về phóng sự phát thanh “Vì sao Quảng Nam tạm dừng hình thức đào tạo cử tuyển” của tác giả Bùi Tấn Sĩ (Đài PTTH Quảng Nam). Giải Ba thuộc về bài phản ánh “Thông điệp từ cộng đồng” của tác giả Quốc Hải (Đài TT-TH TP. Hội An). Ba giải khuyến khích thuộc về các tác giả của Đài TT-TH TP. Tam Kỳ, Đài TT-TH huyện Thăng Bình và Đài TT-TH huyện Bắc Trà My.
Thể loại báo in có 9 giải, trong đó có 6 giải khuyến khích. Giải Nhất thuộc về phóng sự “Trên mái nhà miền Nam” của tác giả Hồ Tấn Vũ (báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh). Giải Nhì là loạt bài điều tra “Phá vỡ quy hoạch vùng ven biển” của tác giả Trần Hữu Phúc (Báo Quảng Nam). Giải Ba thuộc về loạt bài ghi chép “Đò dọc sông Thu” của nhóm tác giả Song Anh – Phương Giang (Báo Quảng Nam)
Thể loại Ảnh báo chí có 5 giải, trong đó có 3 giải Khuyến khích và không có giải Nhì. Giải Nhất thuộc về phóng sự ảnh “Lấy nhựa dầu rái” của tác giả Hồ Tấn Vũ (báo Tuổi Trẻ TP. Hồ Chí Minh), giải Ba thuộc về phóng sự ảnh “Vương quốc” Pơmu của tác giả A lăng Ngước (Báo Quảng Nam).

Nhà báo Hồ Tấn Vũ, tác giả xuất sắc nhận cú đúp giải Nhất ở hai thể loại báo in và ảnh báo chí, chia sẻ, những tác phẩm tham dự giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng được anh chọn lọc kỹ càng, “tinh tuyển” từ rất nhiều bài báo trong năm qua của mình. Đối với loạt bài “Trên mái nhà miền Nam”, nhà báo Hồ Tấn Vũ đã phải lăn lộn rất nhiều ngày với điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt. Đây là tác phẩm phản ánh sinh động về một giá trị đặc trưng của vùng đất Quảng Nam, vừa nêu một vấn đề đáng quan tâm hiện nay về xây dựng vùng sâm - chiến lược cây dược liệu quý, hướng mở để thoát nghèo và làm giàu cho vùng núi. Với phóng sự ảnh “Lấy nhựa dầu rái”, Hồ Tấn Vũ đã khai thác một chủ đề rất lạ, mặc dù nghề khai thác dầu rái đã có từ xưa - một nghề tưởng rằng đã mai một trong thời buổi hiện đại, nhưng đến nay vẫn còn được duy trì và âm thầm khai thác phục vụ cho những con thuyền ngày đêm bám biển. Nhà báo Vũ Công Điền, giám khảo thể loại ảnh báo chí, nhận xét: “Ảnh thể hiện rất chuẩn, bố cục đẹp và có hồn. Một câu chuyện bằng ảnh với những khoảnh khắc rất lạ”. Bên cạnh các đề tài đậm hơi thở cuộc sống, những tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng, lịch sử như bộ phim tài liệu “Người cộng sự” (nhóm tác giả Vinh Quang - Ngô Hòa - Văn Trường) về cuộc đời của chí sĩ cách mạng Phan Bôi - Hoàng Hữu Nam, hay chương trình phát thanh trực tiếp “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” (nhóm tác giả Xuân Hiếu - Thanh Nhất) về những chính sách hỗ trợ phạm nhân mãn hạn tù, mở ra một tương lai mới cho những con người lầm lạc… cũng là những tác phẩm xuất sắc giành giải Nhất ở hai thể loại tham dự.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác phẩm xuất sắc, đậm đặc hơi thở cuộc sống, các thành viên của Ban Giám khảo Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng lần thứ IX vẫn có những trăn trở với những “khoảng trống” cần được lấp đầy cho những mùa giải sau. Sự trùng lặp đề tài, phạm vi phản ánh là một trong những hạn chế mà nhà báo Nguyễn Hữu Đổng đưa ra. “Đây cũng là hiện tượng đáng cảnh báo cho sự phát triển của báo chí, vì điều này sẽ gây ra sự nhàm chán, đơn điệu, thiếu những tác phẩm mang tính “độc quyền” thông tin” - nhà báo Nguyễn Hữu Đổng nói. Trong khi đó, nhà báo Trương Công Định cho rằng, năm nay, số lượng tác phẩm, tác giả của các cơ quan báo chí trong tỉnh tham gia không nhiều như các năm trước. Các mảng đề tài như biển đảo, kinh tế,  học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cải cách hành chính không có nhiều tác phẩm tham gia. Ngoài khoảng trống ở các mảng đề tài mang tính phản biện báo chí, loại hình ảnh báo chí và báo nói cũng khá nghèo nàn về đề tài phản ánh lẫn kỹ năng xử lý của người làm báo. Đây là thực trạng trong nhiều năm liền của giải khi số lượng tác phẩm ảnh báo chí và báo nói dự giải luôn khá khiêm tốn so với hai loại hình còn lại.

Mùa giải thứ 9 đi qua với sự khẳng định thêm lần nữa tầm vóc của Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng - một hoạt động nhằm tôn vinh sự lao động không ngừng của các nhà báo. Khép lại để mở ra những mùa giải trong các năm tới với sức hút ngày càng lớn hơn.

LÊ QUÂN

LÊ QUÂN