Học Bác để làm báo
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đã sáng lập 9 tờ báo; viết hơn 2.000 bài các loại với 150 bút danh và bằng nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Hán, Việt… Đọc những bài báo của Người và qua những lời căn dặn của Người về báo chí, người làm báo sẽ học được từ vị lãnh tụ - nhà báo cách mạng lỗi lạc cả tư tưởng và phong cách viết báo.
Hồ Chí Minh là một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, vì vậy mục đích viết báo của Người là nhằm phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân. Người từng nói với các nhà báo: “Về nội dung viết mà các cô các chú gọi là “đề tài”, thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một đề tài là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó”.
Chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết
Người yêu cầu báo chí trước hết phải đảm bảo tính chân thực. Chân thực là không bịa đặt, không tô hồng; phải viết cái tốt và cả cái không tốt, khi phê bình thì “phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy”, và phê bình thật thà, chân chính, đúng đắn, không được để cho kẻ xấu lợi dụng quay sang phản tuyên truyền. Viết chân thực đòi hỏi phải cụ thể. Bác lấy ví dụ cụ thể để nhắc nhở về điều này: “Chống tham ô, lãng phí thì nêu rõ ai tham ô, ai lãng phí? Cơ quan nào tham ô? Lãng phí cách thế nào? Ngày tháng nào… Chớ viết lung tung”. Muốn vậy, trước hết phải điều tra nắm thông tin cho kỹ, còn một khi “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”, và “trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cho cẩn thận”.
Tranh châm biếm của Nguyễn Ái Quốc trên báo Le Paria (Người Cùng Khổ) số 2, ngày 1-5-1922. |
Về cách viết, Bác nhắc nhở phải viết đúng trình độ người xem, bởi “Mình viết ra cốt để giáo dục, cổ động, nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích. Mà muốn cho người xem nhớ được, hiểu được, làm được thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều”. Người phê bình những người viết báo sính dùng chữ như không gọi xe lửa mà gọi “hỏa xa”, không gọi máy bay mà gọi “phi cơ” v.v…; hoặc viết khó hiểu như “Có nhà thơ nào nói “tóc cười tay hát” thì thật là “hoang vu”! Có nhà văn nói: “cặp mắt ông cụ già đĩnh ngộ thì thật là ngộ nghĩnh”! Bác cũng phê bình lối viết dài, đến mức “có những bài lằng nhằng như là rau muống kéo dây. Đọc đến khúc giữa thì không biết khúc đầu nói cái gì; đọc đến khúc đuôi thì không biết khúc giữa nói cái gì”.
Dày công cho từng bài báo
Để bài báo sinh động, hấp dẫn, chuyển tải được thông điệp, người viết báo phải dày công khi đặt tên từng bài báo, từng dòng tít, và cả với từng cụm từ, con chữ. Đọc một bài thơ đăng báo Quân đội nhân dân chỉ 3 khổ nhưng lặp đi lặp lại đến 3 chữ “Rừng”, Bác ghi mấy dòng phê bình dí dỏm bằng thơ: “Một bài thơ, 3 chữ “rừng”/ Rừng thông, rừng trắng, ngựa rừng chân bên…/ Hỡi người thi sĩ có nên?”. Xem một bức vẽ minh họa cầu kỳ, khó hiểu trên báo Lao Động, Người viết mấy câu phê bình gửi Tòa soạn: “Vẽ như ri/ Xem chẳng hiểu chi/ Mà bảo đại chúng/ Đại chúng gì?”. Người viết báo sẽ học được ở Hồ Chí Minh rất nhiều từ những bài báo của Người. Tên bài báo của Bác có khi chỉ một chữ, như “Uỵch” khi nói về Chính phủ Pháp đổ ngày 7.1.1952; “Ầm” khi viết về Liên Xô thử thành công bom khinh khí vào năm 1955 được dư luận hoan nghênh là một thắng lợi của hòa bình thế giới; có khi là con số - nhưng là con số biết nói, như tố cáo sự đầu độc người dân thuộc địa của thực dân Pháp, Bác đặt đầu đề bài báo là: “10 trường học, 1.500 đại lý rượu”.
Cũng có khi Bác dùng lối chơi chữ rất đắc như gọi chệch tên của Bộ trưởng Thuộc địa Pháp Lơtuốcnô thành Lơ nhuốc nhơ. Khi nói về thất bại của viên tướng Pháp Tatxinhi (Tassigny) trong trận Hòa Bình năm 1951 Bác chơi chữ ở tên bài: “Tát xi nhi bị tát” hoặc viết “Tay lo rồi chân cũng lo” khi nói về viên đại tướng Taylor cùng với tiến sĩ Xtaleiy đề ra kế hoạch Xtalây - Taylo (Staley - Taylor) định đè bẹp cách mạng miền Nam nước ta trong vòng 18 tháng nhưng bị thất bại, chỉ còn cách lo nhanh chân về nước; hoặc cả một câu “Trong trần ai, ai cũng ghét Ai” để đả kích tổng thống Mỹ Aixenhao. Hoặc cách viết hình ảnh khi Người lấy hình ảnh nữ thần Themis (được thể hiện trong đồng bạc Đông Dương của Pháp), nhưng đó là một nữ thần bạo quyền, tàn ác để lên án cái gọi là “công lý” của thực dân Pháp ở Đông Dương: “Công lý được tượng trưng qua hình ảnh một nữ thần tay cầm cân và tay cầm kiếm. Nhưng Đông Dương lại ở quá xa nước Pháp, muôn trùng cách trở, nên khi nữ thần tới xứ này thì cán cân đã mất thăng bằng, đĩa cân đã chảy lỏng và biến thành những tẩu thuốc phiện và những chai rượu ty. Trên tay nữ thần tội nghiệp ấy chỉ còn độc cái kiếm để chém giết. Bà đã chém những người vô tội và cũng chỉ chém có họ mà thôi”.
Tranh cổ động và bút tích của Bác in trên báo “Việt Nam độc lập” – Cơ quan tuyên truyền của Ban Việt Minh tỉnh Cao Bằng năm 1941. |
Viết vì nhân dân
Viết về thất bại của viên tướng Navarre trong chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, Bác lẩy Chinh Phụ Ngâm vào trong bài báo: “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi/ Khiến Nava nhiều nỗi truân chuyên/ Thua to ở trận Điện Biên/ Vì ai kế hoạch mà nên nỗi này/ Cút về Tây tấm lòng xấu hổ/ Xấu hổ này biết đổ ai đây?...”. Hoặc như hình vẽ cổ động của Bác cho báo Việt Nam độc lập, có kèm theo 4 câu thơ: “Việt Nam độc lập” thổi kèn loa/ Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già/ Đoàn kết vững bền như khối sắt/ Để cùng nhau cứu nước Nam ta”. |
Hiện nay cả nước có 845 cơ quan báo chí với 1.118 ấn phẩm, 1 hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh - truyền hình, có tới 179 kênh chương trình phát thanh truyền hình quảng bá; 33 đơn vị cung cấp truyền hình cáp, 98 cơ quan báo chí điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp; 420 mạng xã hội được phép hoạt động. Đội ngũ những người làm báo đông đảo, với gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ và khoảng 5.000 phóng viên đang hoạt động báo chí nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo đang hoạt động trên khắp vùng miền trong nước và ở nước ngoài. Thời gian qua, báo chí cách mạng đã khẳng định vai trò, hoàn thành tốt nhiệm vụ là phương tiện thông tin truyền thông thiết yếu, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những trường hợp phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Một số tờ báo có khuynh hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ. Tình trạng đăng, phát các thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, tác động tiêu cực đến dư luận xã hội, làm phương hại đến lợi ích đất nước. Một số báo, đài, tạp chí thông tin sai sự thật, giật gân câu khách; hoặc vi phạm về quảng cáo trên báo chí, vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ ... (chỉ trong năm 2014 đã có trên 80 lượt trường hợp cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử thuộc đủ mọi loại hình truyền thông bị xử phạt).
Học tập tư tưởng, phong cách viết báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đòi hỏi đội ngũ những người làm báo phải luôn thấm nhuần lời dạy của Bác “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”. Báo chí phải đảm bảo đưa thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân; vừa phê phán những tiêu cực trong xã hội, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, nhưng đồng thời - và rất quan trọng là cổ vũ, biểu dương những nhân tố mới, góp phần định hướng dư luận xã hội theo hướng tích cực. Muốn làm được sứ mệnh đó, người làm báo phải có “lập trường vững, tư tưởng đúng”, phải không ngừng rèn luyện nghiệp vụ báo chí để “phản ánh cho hay, cho chân thực, cho hùng hồn” hiện thực cuộc sống.
NGÔ VĂN MINH