Tôi làm... "phiên dịch viên"
Lên núi, vô bản làng của đồng bào vùng cao, hay có khi chỉ là một buổi gặp gỡ, trò chuyện tình cờ trên đường tác nghiệp... tôi bỗng trở thành “phiên dịch viên” bất đắc dĩ.
Cái duyên, có lẽ đi theo từ công việc đặc thù của nghề báo. Đi đó đi đây rồi lại vượt rừng trở về với vùng đất của chính mình, với tuổi thơ hoang dã còn in sâu trong ký ức. Ở phố, nếu không bận công việc gì, tôi cố gắng tham gia tất cả sự kiện văn hóa diễn ra ở miền núi. Và mỗi lần như thế, tôi chỉ giao tiếp bằng tiếng Cơ Tu bản địa với đồng bào mình. Đã có vài người bạn, vài đồng nghiệp cùng tôi đến bản làng vùng cao, nghe tôi nói chuyện bằng tiếng Cơ Tu khiến họ ngạc nhiên rồi... ngưỡng mộ. Không “ngưỡng mộ” sao được khi họ đang đứng trước một tình huống không thể khác: nhân vật không nói được tiếng phổ thông! Vì thế, tôi bỗng trở thành “phiên dịch viên” bất đắc dĩ cả cho đồng nghiệp và đồng bào, dân làng mình.
Tại nhiều chuyến tác nghiệp ở miền núi, tôi trở thành “phiên dịch viên” bất đắc dĩ cho đồng nghiệp. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Tôi nhớ đợt huyện Nam Giang tổ chức liên hoan “Âm vang cồng chiêng” lần thứ II năm 2012, khi đoàn nghệ nhân vùng cao xuất hiện, rất đông phóng viên ở các cơ quan thông tấn báo chí tác nghiệp. Cụ Tơ Ngôl Oi, ở thôn Công Dồn (xã Zuôih) - nhân vật gây được sự chú ý đối với chúng tôi nhưng lại không nói được tiếng Việt. Các đồng nghiệp của tôi “chịu chết”. Đang loay hoay tìm một cán bộ địa phương để nhờ giúp thì tôi nói chuyện với cụ “ngon lành” trước sự ngỡ ngàng của đồng nghiệp và các nhà nghiên cứu dân tộc. Cứ thế, hễ phỏng vấn nhân vật nào, họ lại kéo tôi để “nhờ xíu”, khiến tôi khó lòng từ chối. Hay như dịp khai hội chợ phiên các xã vùng cao Nam Giang mới đây, khi các đồng nghiệp chọn nhân vật để phỏng vấn, nhưng ngặt một nỗi là nhân vật không nói được bằng tiếng phổ thông. “Chú phiên dịch giúp anh với!”, lại thêm lời đề nghị, tôi trở thành “phiên dịch viên” như vậy.
Năm ngoái, tôi cùng phóng viên Nguyễn Mạnh Thành Công đi bộ hơn 6 giờ đồng hồ đường rừng để đặt chân đến Aur, ngôi làng nằm sâu trong cánh rừng già, giáp ranh với huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế). Aur, nay thuộc xã A Vương (huyện Tây Giang) với hơn 100 nhân khẩu đồng bào Cơ Tu. Đến nơi, chưa kịp hồi sức đã thấy hàng chục người dân bản địa, vây quanh hỏi chuyện. Đợi anh bạn đồng nghiệp giới thiệu xong, tôi nói một tràng bằng tiếng Cơ Tu. Vậy là, nhận ngay nụ cười của dân làng vì “biết tiếng người mình”. Hóa ra, vì nằm tách biệt giữa rừng, chuyện có khách lạ đến thăm làng đã ít, chuyện người Cơ Tu lạ mặt đi vào làng càng là chuyện hiếm. Có sẵn 2 chỗ dành cho chúng tôi ở lại, một là gươl làng và hai là nhà người dân bất kỳ. Tất nhiên, ở chỗ nào chúng tôi cũng được dân làng lo ăn, lo uống như những vị khách quý. Chúng tôi chọn nhà của một hộ dân ở giữa làng để ở lại. Câu chuyện giữa những “người mình” cứ thế được tiếp nối. Hôm sau, trên đường về tôi phiên dịch lại tất cả câu chuyện cho đồng nghiệp để cùng tìm mạch chung cho bài viết, cho dự định tiếp tục cuộc hành trình ngược núi đến với những ngôi làng trong rừng già.
ALĂNG NGƯỚC