Vụ phản đối khai thác cát ở thôn Mỹ Hảo (xã Đại Phong): Cần đối diện và đối thoại

TRIÊU NHAN 15/06/2015 08:45

Mới đây, gần 30 hộ dân thôn Mỹ Hảo (xã Đại Phong, Đại Lộc) đã phản đối, ngăn cản việc Công ty TNHH MTV 18.4 Đại Lộc tiếp tục hút cát trong lòng sông Vu Gia. phía công ty đã thống nhất ngừng việc khai thác để đối thoại, tìm tiếng nói chung với nhân dân.

Bờ sông biến thành một đại công trường hút cát.  Ảnh: T.Nhan
Bờ sông biến thành một đại công trường hút cát. Ảnh: T.Nhan

Lo ngại sạt lở

Như Báo Quảng Nam đã phản ánh, người dân thôn Mỹ Hảo bức xúc trước việc doanh nghiệp ồ ạt hút cát sỏi dưới lòng sông Vu Gia (đoạn qua khu vực bờ kè thôn Mỹ Hảo) ngày càng trở nên căng thẳng. Đáng nói, mới đây, lo ngại việc hút cát sẽ gây sạt lở tuyến kè và nhà cửa, hàng chục hộ dân đã tụ tập ở bãi khai thác của Công ty 18.4 Đại Lộc, yêu cầu doanh nghiệp ngừng việc khai thác. Có mặt tại khu vực công trường của Công ty 18.4 Đại Lộc sau khi tiếp nhận phản ảnh của người dân, chúng tôi ghi nhận, có khoảng 5 - 6 ghe thuyền hút cát và 3 xe múc đã dừng hoạt động, nhiều công nhân đã rời khỏi công trường trước sức ép từ phía người dân địa phương. Ông Phạm Sa, một người dân Mỹ Hảo cho hay: “Mấy tháng nay người ta hút cát mãi từ sáng tới tối, bến sông này như một bãi chiến trường với ngổn ngang xe múc, cả đoàn phà neo đậu ngoài sông. Chỉ tính mỗi chiếc mỗi ngày ít nhất hút khoảng 3.000m3 cát, thì với một đoàn tàu phà trên, lòng sông sẽ bị đục khoét, chỉ trong nay mai, bờ sông sẽ bị sạt lở nặng nề”.

Cũng theo ông Phạm Sa, do nằm trong vùng trọng điểm sạt lở, nhiều năm nay, 2/3 số hộ dân tại thôn Mỹ Hảo đã được di dời đến nơi an toàn. Hiện còn lại hơn 30 hộ phải bám trụ lại làng, cứ mỗi mùa mưa bão, ai nấy lo sợ nơm nớp. Tuyến kè Mỹ Hảo dài 1km do Nhà nước đầu tư hiện chỉ mới kè tới khu vực đầu làng do thiếu kinh phí, hơn 30 hộ dân sống giữa làng và đuôi làng có nguy cơ đối diện với nguy cơ sạt lở vào mùa mưa lũ tới. Nguyên nhân khiến nhân dân bất bình bởi toàn bộ khu vực đất sản xuất của thôn Mỹ Hảo đều nằm bên kia sông Vu Gia, hằng ngày người dân qua lại sản xuất bằng ghe thuyền. Lúc đầu nơi đây có bến đò tự phát, nhưng từ khi Công ty 18.4 Đại Lộc đi vào hoạt động, bà con khó khăn trong việc đi lại, sản xuất, bến đò tự phát cũng biến mất. Chưa kể, trên bến sông này từng xảy ra tranh cãi, bất đồng giữa công nhân công trường với người dân, có thời điểm sự việc trở nên nghiêm trọng, đe dọa mất an ninh trật tự trong vùng. “Dân chúng tôi không muốn gây khó dễ gì, chỉ yêu cầu dừng việc hút cát sỏi. Nơi này nhà gần nhất cách sông còn chưa đầy 10m. Thiết nghĩ ngành chức năng cần xem xét, giải quyết để bà con chúng tôi yên tâm sinh sống, sản xuất” - ông Lương Văn Dương, Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Hảo nói.

Cần tổ chức đối thoại

Phó Chủ tịch UBND xã Đại Phong - Ngô Văn Trường cho biết, xã đã nhiều lần cùng với Công ty 18.4 Đại Lộc tổ chức họp dân nhưng tình hình vẫn rất căng thẳng. Người dân sợ xói lở, ảnh hưởng tới đời sống, đất ở, dù địa phương cũng đã trấn an nhiều lần. “Qua khảo sát thực địa ban đầu, theo các cơ quan chức năng là chưa nhận thấy dấu hiệu xói lở. Đơn vị này được tỉnh cấp phép khai thác, qua kiểm tra hồ sơ, quy trình khai thác của công ty, tất cả đều đầy đủ thủ tục. Còn trước sự phản ứng gay gắt của người dân, UBND xã đã tuyên truyền, vận động người dân không được manh động, gây mất an ninh trật tự, đồng thời báo cáo lên chính quyền cấp trên. Trước mắt xã sẽ phối hợp với công ty tổ chức đối thoại, tìm tiếng nói chung với người dân. Cùng với đó, đề nghị Phòng Tài nguyên - môi trường (TN-MT) tổ chức xác định lại ranh giới, cột mốc, khoanh vùng khai thác đối với công ty để dễ bề quản lý” - ông Ngô Văn Trường nói.

Được biết, Công ty 18.4 Đại Lộc được cấp phép khai thác cát ngày 14.11.2014, vị trí cấp phép thuộc thôn Mỹ Hảo, Đại Phong với trữ lượng thăm dò là 102.990m3, trong đó cát 99.251m3, sỏi 3.739m3. Công ty được phép khai thác với công suất đối với cát là 21.000m3/năm, sỏi là 787m3/năm, thời gian khai thác 4 năm 9 tháng.

Theo ông Trương Văn Huấn, Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Đại Lộc, qua sự việc, Phòng TN-MT, Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế chức vụ và môi trường (Công an huyện Đại Lộc) cũng đã trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, ghi nhận ban đầu. “Trước mắt, phía công ty phải có trách nhiệm phối hợp với UBND xã Đại Phong tổ chức đối thoại, lắng nghe và giải thích để bà con hiểu rõ. Cùng với đó, Phòng TN-MT tổ chức khảo sát, đo đạc, khoanh vùng trở lại, yêu cầu đơn vị khai thác hoàn thiện việc cắm mốc ranh giới, chỉ được khai thác trong phạm vi cho phép. Trường hợp nếu không tìm được tiếng nói chung, Phòng TN-MT sẽ tham mưu UBND huyện báo cáo UBND tỉnh, Sở TN-MT để có hướng xử lý” - ông Huấn nói. Ông Huấn thông tin thêm, việc quản lý, kiểm soát ngay từ đầu được thực hiện rất chặt chẽ, Phòng TN-MT đã đề nghị các bên có một bản cam kết cụ thể. Chẳng hạn, đối với doanh nghiệp khai thác, yêu cầu thực hiện đúng cam kết là trước khi lên đường ĐT 609 phải rửa xe, để ráo nước, tránh gây ô nhiễm môi trường, hoàn thành cắm mốc ranh giới. Phòng cũng thường xuyên cử cán bộ xuống kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện sai phạm mời lên nhắc nhở, xử lý.

Còn theo ông Nguyễn Thế Cả - Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế chức vụ và môi trường Công an huyện Đại Lộc, đến nay, Phòng TN-MT đã phối hợp với Công an huyện Đại Lộc ký kết phối hợp tăng cường công tác quản lý đối với những đơn vị được cấp phép và xử lý đối với đơn vị trái phép trên địa bàn. “Trường hợp Công ty 18.4 Đại Lộc, đây là đơn vị được tỉnh cấp phép, hiện công ty đã thống nhất tạm ngừng hoạt động, phối hợp với địa phương và người dân đối thoại. Trường hợp không tìm được tiếng nói chung, chúng tôi sẽ báo cáo UBND huyện có hướng chỉ đạo, xử lý” - ông Cả nói.

TRIÊU NHAN

TRIÊU NHAN