Sẵn sàng ứng phó dịch MERS-CoV

CHÂU NỮ 15/06/2015 08:41

(QNO) - Trước nguy cơ xâm nhập của Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corana (MERS-CoV) vào Việt Nam khá cao, ngành y tế Quảng Nam đã lên kế hoạch giám sát, phòng chống, sẵn sàng ứng phó với loại dịch này.

Bộ Y tế tổ chức tập huấn trực tuyến cho cán bộ y tế dự phòng về giám sát, điều trị dịch MERS-CoV. (ảnh minh họa)
Bộ Y tế tổ chức tập huấn trực tuyến cho cán bộ y tế dự phòng về giám sát, điều trị dịch MERS-CoV ngày 8.6. 

Dịch bệnh nguy hiểm

Bác sĩ Huỳnh Công Quang - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) cho biết, dịch MERS-CoV do một chủng vi rút mới của họ vi rút Corona gây nên. Bệnh có khả năng lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết đường hô hấp trong nhóm người có tiếp xúc gần với bệnh nhân. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 14 ngày. Người bệnh có các biểu hiện từ nhẹ như sốt, ho đến nặng hơn như khó thở, viêm phổi, suy hô hấp, có thể gây suy tạng, đặc biệt là suy thận, nguy cơ tử vong cao, với tỷ lệ 35-40% số người mắc bệnh. “Một số người nhiễm vi rút MERS-CoV có thể không có triệu chứng hoặc có biểu hiện lâm sàng rất nhẹ, gây khó khăn cho việc phát hiện. Trong khi đó, đến nay, bệnh này chưa có thuốc đặc trị và vắc xin phòng bệnh” - bác sĩ Quang thông tin thêm.

Theo số liệu do Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam cung cấp, tính đến ngày 7.6, Tổ chức Y tế thế giới thông báo đã ghi nhận 1.209 trường hợp mắc MERS-CoV, trong đó có 448 trường hợp tử vong ở ở 26 quốc gia, chủ yếu tại vùng Trung Đông và các quốc gia khác ngoài Trung Đông, trong đó có một số quốc gia châu Á. Tại Việt Nam, có 4 trường hợp nghi nhiễm MERS-CoV nhưng kết quả xét đều âm tính với vi rút này.

Sẵn sàng ứng phó

Trao đổi với chung tôi sáng 13.6, bác sĩ Huỳnh Công Quang khẳng định, cho đến lúc này có thể nói, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều đã được trang bị trang phục và được cấp đầy đủ hóa chất cloramine B để phòng chống dịch MERS-CoV. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã thành lập 2 đội thường trực cơ động phòng dịch để tham gia công tác giám sát, xác minh, chỉ đạo và xử lý dịch. Mục tiêu chung ngành y tế Quảng Nam đặt ra là sớm phát hiện các trường hợp nhiễm MERS-CoV, xử lý kịp thời, không để dịch lây lan, hạn chế thấp nhất tử vong theo 3 tình huống. Tình huống 1, khi chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam, ngành y tế đặt yêu cầu là giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ đầu tiên, chẩn đoán nhanh, tiến hành khoanh vùng và xử lý kịp thời. Ở tình huống 2, khi xuất hiện trường hợp xác định xâm nhập vào Việt Nam, sẽ xử lý triệt để ổ dịch, tránh lây lan tại cơ sở y tế và cộng đồng. Đối với tình huống 3, khi dịch lây lan trong cộng đồng, sẽ xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế tối đa khả năng dịch lan rộng trong cộng đồng và cơ sở y tế. Yêu cầu chung đặt ra ở cả 3 tình huống là thực hiện giám sát tại các nơi có nguy cơ lây nhiễm cao là cửa khẩu, tại cộng đồng và cơ sở y tế.

Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế) cho biết, đã có trường hợp nhiễm bệnh xảy ra ở các nước châu Á nên Quảng Nam cũng không thể chủ quan. Ngành y tế của tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với dịch. Một số cán bộ y tế đã được tập huấn điều trị và giám sát bệnh MERS-CoV do Bộ Y tế tổ chức trực tuyến ngày 8.6 vừa qua và số cán bộ này tiếp tục tấp huấn lại cho các đơn vị y tế cơ sở.

Trong khi đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Y tế về tăng cường công tác phòng, chống lây nhiễm MERS-CoV, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai các biện pháp phòng bệnh. Ông Phạm Duy Hoan - Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Đại Lộc cho biết, đơn vị đã chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của địa phương mình và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, Phòng Khám đa khoa Trung tâm Y tế huyện đã chuẩn bị cơ số thuốc và phương tiện, khu vực cách ly, gường bệnh để sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, điều trị, tiếp nhận bệnh nhân ban đầu.

CHÂU NỮ

CHÂU NỮ