Chậm quy hoạch rừng phòng hộ ven biển: Cái giá phải trả! (bài 1)

HỮU PHÚC 15/06/2015 08:29

Nằm nơi đầu sóng ngọn gió, vùng ven biển lẽ ra phải được che chắn, bảo vệ bởi “vành đai xanh”, thì ngược lại hệ sinh thái rừng nơi đây xếp vào loại nghèo nàn nhất các vùng miền.

BÀI 1: CÒI CỌC RỪNG CHẮN GIÓ

Sa mạc hóa bờ biển

Khí trời hầm hập, gió biển thông thốc làm những đụn cát bay tứ tung. Đi trên đường Thanh niên ven biển, không khó nhìn thấy màu ngọc bích của nước biển, dù cách mép nước hàng trăm mét. Phía sau “đại sảnh” của khu du lịch Cát Vàng (xã Tam Tiến, Núi Thành) là biển, trước là không gian rộng thoáng nhìn ra đường Thanh niên. Gần 10 năm trước, dự án rộng 50ha này gần như san ủi toàn bộ rừng dương liễu già để lấy mặt bằng. Đi dọc bãi tắm thôn Hạ Thanh (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) đến thôn Hà Quang (xã Tam Tiến, Núi Thành) kéo dài gần 10km, bây giờ không dễ tìm ra một cây cổ thụ nào có đường kính 40cm, mà chỉ thấy phổ biến gốc dương liễu với hình dạng xù xì đang tái sinh, cây cao ngang đầu người. Nhiều đoạn ven biển gần như xóa sạch rừng cây chắn sóng. Là dân buôn bán, thường xuyên đi lại trên tuyến đường Thanh niên ven biển, ông Trần Văn Hà (thôn Hà Quang, xã Tam Tiến) ngao ngán: “Mùa này lưu thông trên đường, nhất là đoạn trước khu vực du lịch Cát Vàng đang xây dựng phải đeo khẩu trang bịt kín, không chừng “ăn cát” như chơi. Vào mùa gió bấc, nhà cửa dọc biển phải then cài cửa đóng để tránh nạn cát bay”. Tình trạng “sa mạc hóa” tập trung nhiều nhất ở các khu resort ở Cửa Đại (TP.Hội An), hay vùng nuôi tôm lót bạt trên cát kéo dài từ Thăng Bình vào tận xã Tam Tiến, Tam Hòa (Núi Thành).

Phong trào nuôi tôm lót bạt trên cát đã phá nát rừng ven biển.  Ảnh: H.PHÚC
Phong trào nuôi tôm lót bạt trên cát đã phá nát rừng ven biển. Ảnh: H.PHÚC

Năm 2000, Chính phủ Nhật đã hỗ trợ trồng rừng phòng hộ PACSA cho các xã ven biển thuộc các huyện Thăng Bình, Núi Thành và TP.Tam Kỳ, dự án kết thúc năm 2005. Phía sau các ngôi làng tái định cư xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) là rừng phi lao, bạch đàn của dự án PACSA. Ông Hồ Văn Sỹ (thôn Phú Đông, xã Tam Phú) cho biết: “Năm 2005, gia đình tôi ra ở làng mới đã nhìn thấy rừng cây phi lao, bạch đàn vài năm tuổi. Thế nhưng, từ đó đến nay, cây cũng chẳng lớn lên nổi. Người dân thả bò rông gần như phát nát rừng phòng hộ”. Theo ông Sỹ, ban đầu chính quyền địa phương có giao khoán cho nhóm hộ dân chăm sóc, hỗ trợ một ít tiền công chăm sóc, nhưng chỉ thực hiện một thời gian ngắn rồi dừng hẳn, nên rừng cũng chẳng có ai đứng ra bảo vệ, quản lý. Mạnh ai nấy phá! Nghĩa địa Tam Phú là nổng cát trắng, như thiêu như đốt giữa ngày hè, dù nơi đây có xây tấm bảng kiên cố với dòng chữ: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”.

Trong số 236ha rừng dự án PACSA thực hiện ở xã Tam Phú thì chỉ có 28ha cây phát triển bình thường, 143ha cây bị chết. Những năm gần đây, địa phương mới trồng dặm gần 70ha vào diện tích rừng còi cọc, hoặc bị chết. Tương tự, tại xã Tam Thăng lân cận, có hơn 94ha trong tổng số 207ha rừng của dự án PACSA không sống nổi. Ngược ra các xã vùng cát Bình Hải, Bình Dương (Thăng Bình), thong dong trên đường tha hồ ngắm biển cả chục cây số mà chẳng có khu rừng nào che khuất. Ông Phan Phước Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương lắc đầu: “Cả xã có 194ha đất lâm nghiệp, người dân trồng keo lá tràm dọc biển cũng không lên nổi, huống chi Nhà nước trồng”. Đi dọc đường Thanh niên từ xã Bình Dương về đến “đường cụt” xã Tam Hòa (Núi Thành), xót xa thấy bờ biển đẹp, hoang sơ bây giờ trơ trụi bóng cây. Những cây keo con đang xúc tiến trồng bổ sung không biết rồi đây có chống chịu với sức nóng của vùng cát, hay tương lai cũng rơi vào số phận tương tự như rừng PACSA? Một bản báo cáo năm 2015 của Sở NN&PTNT đánh giá về rừng PACSA chưa đầy 2 trang khổ giấy A4, nhưng quá đắng cay cho thất bại của một dự án chiến lược về môi trường. Ông Lê Minh Hưng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thừa nhận: “Rừng phi lao không phát triển, thân chính và chồi bị khô vào mùa khô, sau đó vào mùa mưa phát triển nhánh mới. Hiện tượng này, lặp lại hàng năm dẫn đến cây không phát triển mà hình thành dạng bụi rậm. Nhiều diện tích sau 2 - 3 năm cây chết hẳn” .

“Quên” hậu dự án

Năm 2005, dự án PACSA kết thúc và từ đó đến nay không có dự án trồng rừng của tổ chức phi chính phủ tài trợ. Kế hoạch phát triển rừng theo chương trình trồng 5 triệu héc ta rừng thì triển khai chậm chạp. Rừng được giao về cho địa phương bảo vệ, chăm sóc nhưng thực tế nhiều nơi bỏ hoang rừng, vì không có cơ chế tài chính, gắn với quyền lợi rõ ràng. Theo chính quyền các xã ven biển, sở dĩ trồng rừng phòng hộ thất bại vì khâu hậu dự án đã bị bỏ quên. Cây còi cọc, rừng nghèo nàn hệ sinh thái nên chính quyền không tiếc rẻ khi nhường đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác.

Theo Sở NN&PTNT, dự án PACSA trồng hơn 1.854ha rừng phòng hộ ven biển ở các huyện Thăng Bình, Núi Thành và TP.Tam Kỳ, với các loại cây phi lao, keo, bạch đàn, điều. Tỷ lệ cây sống đạt hơn 60%, nhưng chất lượng rừng rất thấp. Giai đoạn 2006 - 2014, trên diện tích cây đã chết, các địa phương đã trồng lại hơn 828ha.

Trước đây, nguồn lực Nhà nước đầu tư cho rừng phòng hộ ven biển rất hạn chế, chỉ qua kênh tài trợ của các dự án nước ngoài. Điều tréo ngoe ở đây, tổ chức JICA Nhật Bản từng mong muốn tiếp tục trồng rừng phòng hộ ven biển cho huyện Thăng Bình thông qua dự án Apsa, nhưng chính quyền buộc phải từ chối vì vướng quy hoạch dự án sắp xếp dân cư, phòng tránh thiên tai vùng ven biển. Diện tích quy hoạch cho dự án an dân này, nếu khả thi thì gần như đã không còn trống quỹ đất để trồng rừng phòng hộ. Nhiều khu vực cải táng mồ mả, khai thác titan trước đây đã xâm hại đến rừng PACSA.

Khác với khu vực miền núi chỉ cần trồng vài năm là thấy được rừng, còn ở ven biển đôi khi mất cả chục năm trời, chức năng phòng hộ của rừng mới phát huy. Hơn 69ha rừng phòng hộ PACSA tại xã Tam Thăng có nguy cơ  biến mất để nhường đất giải tỏa mặt bằng xây dựng Khu công nghiệp Tam Thăng; chưa kể tuyến đường cứu nạn cứu hộ đi qua cũng vùi dập hàng chục héc ta rừng. Ở ven biển, công tác quy hoạch rừng phòng hộ không phù hợp, theo kiểu diện tích nào các địa phương chưa sử dụng thì đưa vào rừng phòng hộ. Vì quy hoạch không dứt khoát, thậm chí xem nhẹ độ che phủ rừng nên vùng ven biển phá vỡ hiện trạng, sử dụng đất sai mục đích. Người dân ở các xã Tam Tiến, Tam Hòa (Núi Thành), Bình Nam, Bình Hải (Thăng Bình) được cấp đất lâm nghiệp nhưng đều sử dụng vào mục đích nuôi tôm thẻ chân trắng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây nhiều địa phương đã ưu tiên cấp đất rừng sản xuất cho người dân; còn khu vực trồng rừng phòng hộ chỉ có mỗi dự án PACSA. Bây giờ còn tìm đâu ra quỹ đất để quy hoạch rừng phòng hộ (!).

Ông Lê Minh Hưng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nêu bất cập: “Không thể không điều chỉnh quy hoạch lại rừng khu vực ven biển, nhưng chúng tôi cảm thấy rất khó khăn do sử dụng đất khu vực vùng đông khá phức tạp, muốn giải quyết không thể một sớm một chiều. Đó là tình trạng lấn chiếm đất phá rừng nuôi tôm; chồng chéo lên quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai; quy hoạch du lịch vùng đông các huyện Thăng Bình, Tam Kỳ”.

HỮU PHÚC

Bài 2: Thảm họa báo trước
Nhiều vùng ven biển biến mất “bức tường xanh” đã phải trả giá đắt khi vào mùa mưa bão thiên tai đe dọa nhà cửa, đất sản xuất và sinh mạng của người dân.

HỮU PHÚC