Ông tổ của Thuyết tiến hóa

NGUYỄN THANH XUÂN 13/06/2015 09:21

Nhà tự nhiên học Charles Robert Darwin (1809-1892) sinh ra ở thành phố nhỏ Shrewsbury, nước Anh. ông xuất thân trong một gia đình dòng dõi khoa học, cha của ông, R.W. Darwin là một bác sĩ y khoa, còn người ông, Erasmus Darwin là một nhà thực vật học nổi tiếng.

Khi ông theo học ở Christ's College, người thầy cố vấn là giáo sư thực vật học John Stevens Henslow. Sau khi ông tốt nghiệp cử nhân, năm 1831, Henslow tiến cử ông đi theo con tàu HMS Beagle trên danh vị là nhà tự nhiên học. Và chính chuyến hải trình này đã mở ra cơ hội cho tài năng của nhà tự nhiên học trẻ tuổi phát triển khi cung cấp cho ông chất liệu quan sát để hình thành học thuyết có ảnh hưởng lớn nhất trong kỷ nguyên hiện đại này - thuyết tiến hóa. Được trình bày chi tiết trong cuốn “Nguồn gốc muôn loài” và sau này là cuốn “Tổ tiên loài người”, tính đơn giản của học thuyết Darwin có sức thuyết phục lẫn tầm ảnh hưởng đối với hầu hết mọi nguyên lý tri thức hiện đại.

Trước Darwin, theo giải thích của Plato thì mọi loài tự nhiên, dù là vàng bạc, loài vật hay cây cỏ đều có những thuộc tính thiết yếu để khiến nó trở thành những gì hiện là, và những thuộc tính ngẫu nhiên đó có thể tồn tại hay mất đi mà không phải chịu một biến dạng nào. Công trình của Darwin  chỉ ra rằng thiết kế phức tạp đó lại nảy sinh tự nhiên mà không cần sự đặt định của một nhà thiết kế hay bản mẫu nào cả.

Nền tảng cho thuyết tiến hóa này nằm trong tác phẩm của Thomas Malthus về sự bùng nổ dân số. Malthus cho rằng để tránh bị tuyệt chủng, một cộng đồng phải liên tục bành trướng. Tuy nhiên, sẽ đến lúc dân số vượt quá nguồn tài nguyên sử dụng. Do vậy, điều cần thiết là một số phải chết đi để những người khác tồn tại. Học thuyết của Darwin bắt đầu bằng câu hỏi: trong trò xổ số may rủi này ai sẽ sống sót và ai sẽ chết đi? Ông lưu ý “Nếu... các sinh vật hữu cơ có biến đổi chút nào ở một số bộ phận... nếu các biến đổi có ích cho bất kỳ sinh vật hữu cơ nào thật sự diễn ra, đảm bảo rằng các cá thể đã có đặc điểm như vậy sẽ có cơ hội tốt nhất để sinh tồn trong cuộc tranh đấu giành sự sống; và từ nguyên tắc kế thừa mạnh mẽ đó chúng có khuynh hướng sản sinh hậu duệ có cùng đặc điểm tương tự. Nguyên tắc sinh tồn này tôi gọi là tính chọn lọc tự nhiên”.

Tính chọn lọc tự nhiên có hai thành tố. Thứ nhất, những khác biệt nhỏ tồn tại giữa các cá thể và thứ nhì là nguyên tắc kế thừa mà các khác biệt này được lưu truyền qua các thế hệ. Darwin cũng cho rằng sự kiện khí hậu địa dư có khả năng tạo ra một số đặc điểm nhỏ hình thành sự khác biệt giữa cuộc sống và cái chết ở khu vực đó. Theo đó, bất kỳ cá thể nào không có những đặc điểm đó sẽ bị tuyệt chủng.

Darwin chỉ ra cái gọi là khác biệt “cần thiết” giữa muôn loài không gì ngoài “nguồn gốc hình thành qua sửa đổi”. Những đặc tính sinh tồn không phải do đặt định của một đấng sáng tạo mà tùy thuộc vào biến thiên của hoàn cảnh. Vì thế, cuốn “Nguồn gốc muôn loài” của Darwin đã giải quyết trước vấn nạn về “cội nguồn bản chất”, từ mà ông sử dụng.

Có người cho rằng thuyết tiến hóa của ông còn thiếu sót về mặt khoa học vì nó không đủ tính thuyết phục. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa có một học thuyết chuẩn mực nào cung cấp được những giải thích đòi hỏi để giải quyết thách thức của Darwin cả.

NGUYỄN THANH XUÂN

(Theo 100 Essential Thinkers của Philip Stokes, Nxb. Arcturus Publishing Limited, 2012; và Encyclopedia Britannica)

NGUYỄN THANH XUÂN