Phân cấp quản lý di tích: Không nên cứng nhắc
Theo quy chế “Quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích và danh thắng trên địa bàn tỉnh” sắp được ban hành, cấp huyện sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm về quản lý di tích trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, nhiều địa phương cho rằng vẫn chưa thích ứng để tìm ra cách bảo tồn, phát huy hợp lý các giá trị của di tích.
Giữ nguyên mô hình cũ
Hiện tại, 2 Di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn đều thành lập riêng ban quản lý di tích trực thuộc UBND huyện, thành phố. Mỹ Sơn có Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn và Hội An là Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An. Lâu nay, mô hình quản lý ở Đô thị cổ Hội An được đánh giá cao, khi vừa bảo quản nguyên trạng di tích, vừa có khả năng phát huy giá trị của nó. Là một di sản văn hóa “sống”, nên buộc cách quản lý ở Hội An phải “mềm”, tránh cứng nhắc để giữ nguyên được hiện trạng vốn có. Việc quản lý hành chính tại đây không thể tách rời với công tác bảo tồn. Đại diện Phòng Văn hóa - thông tin TP.Hội An trong cuộc họp mới đây giữa UBND tỉnh và các địa phương đã đề nghị giữ nguyên mô hình quản lý di tích tại Hội An như hiện nay. Đồng thời UBND TP.Hội An cũng đề nghị được tự giải quyết những phần việc liên quan đến công tác đầu tư, ngân sách phân bổ cho công tác trùng tu, bảo tồn di tích, bởi theo địa phương, “nếu đợi có quyết định từ cấp tỉnh thì sẽ rất lâu, trong khi những di tích ở Hội An đều dưới dạng bảo tồn cấp thiết”.
Nhóm tháp Chăm Khương Mỹ (Tam Xuân 1, Núi Thành) đã bị mủn hóa, bào mòn nhiều chỗ. |
Trong khi đó, với Khu đền tháp Mỹ Sơn, một ban quản lý trực thuộc UBND huyện lại trở nên khó khăn, vướng mắc trong các quyết định xử lý về trùng tu, tôn tạo, hay thậm chí quản lý an ninh trật tự ở cấp địa phương. Ngay cả UNESCO cũng đã khuyến nghị nên chuyển giao quản lý đối với Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn trực thuộc UBND tỉnh hoặc Sở VH-TT&DL. Năm 2013, khi tổng kết 10 năm triển khai dự án bảo tồn di sản Mỹ Sơn (2003 - 2013), Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã đề cập khía cạnh quản lý về mặt thể chế của Mỹ Sơn. Vai trò của Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn trong việc bảo tồn các giá trị của khu di sản được UNESCO đánh giá cao, vậy nên “sự chuyển giao sẽ tạo điều kiện nâng cao khả năng ra quyết định và trao quyền cho ban quản lý di tích trong các vấn đề liên quan đến đầu tư bảo tồn và phát huy di sản” (theo khuyến nghị của UNESCO).
Giữ nguyên mô hình quản lý tại Đô thị cổ Hội An là cách tốt nhất để không “phá nát” phố cổ. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG |
Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL lại cho rằng, thành lập một ban quản lý trực thuộc tỉnh là điều không thể. Theo ông Tịnh, lâu nay Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn đã làm công tác bảo quản, bảo vệ, hạ tầng, bán vé tham quan rất tốt, riêng công tác tu bổ thì Sở VH-TT&DL vẫn là người quản lý, chịu trách nhiệm về chuyên môn. Mỹ Sơn là khu di tích nằm riêng biệt trong một thung lũng, đồng thời lại có mối liên hệ với các di tích, phế tích Chăm trên địa bàn huyện Duy Xuyên, việc để Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn trực thuộc UBND huyện cũng là cách để khi đưa ra các phương án bảo tồn, trùng tu thì phải xét đến mối liên hệ với các di tích, phế tích khác trên địa bàn. Ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam cho biết, những cái lợi khi di sản thuộc về quản lý của địa phương là họ giữ hiện trạng di tích tốt, các dịch vụ tại khu di sản sẽ phù hợp với địa phương, việc phát huy cũng vì thế tốt hơn. “Với cấp tỉnh, chúng tôi làm tốt công tác đối ngoại, nghiên cứu khoa học và chuyên môn trong các vấn đề tu bổ” - ông Cẩm nói.
Cấp huyện khó quản lý?
“Tuy phân cấp quản lý di tích về địa phương nhưng hoàn toàn không phải khoán trắng cho cấp huyện. Sở VH-TT&DL sẽ chịu trách nhiệm tham mưu các vấn đề về chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng quy hoạch tổng thể về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trình UBND tỉnh quyết định”. (Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL) |
Tại cuộc họp góp ý về quy chế “Quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích và danh thắng trên địa bàn tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín yêu cầu giao toàn bộ các hạng mục tại Khu di tích Nước Oa về cho cấp huyện quản lý. Quyết định “gom” các đầu mối tại khu di tích rộng 700ha với nhiều điểm di tích tại xã Trà Tân (Bắc Trà My) được đưa ra do sự phối hợp quản lý và phát huy giá trị chưa chặt chẽ giữa các đơn vị, dẫn đến tình trạng xuống cấp các hạng mục di tích tại đây. Tuy nhiên, sẽ quản lý và phát huy giá trị như thế nào vẫn là bài toán với địa phương này, khi phần lớn các hạng mục tại đây đã bị mối mọt tấn công nhiều cột gỗ, lan can, tủ đựng hồ sơ; hệ thống đường hầm xuất hiện lỗ thủng, ẩm mốc vì nước mưa, sạt lở các mái ta luy…
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 60 di tích quốc gia, 300 di tích cấp tỉnh được phân bố ở 17 huyện, thành phố. Từ năm 2011 - 2015, thực hiện đề án tu bổ di tích cấp tỉnh, toàn tỉnh đã đầu tư dựng bia và tu bổ 85 di tích các loại, góp phần phục hồi, bảo vệ nguyên vẹn hệ thống di tích cấp tỉnh với tổng kinh phí thực hiện 36,5 tỷ đồng. Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã có 24/16 hạng mục di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí 50,3 tỷ đồng từ vốn chương trình và ngân sách địa phương. |
Trong khi đó, một di tích cấp quốc gia đặc biệt khác nằm tại huyện Thăng Bình là Phật viện Đồng Dương, dường như bị bỏ ngỏ lâu nay. Theo điều 5 của quy chế sắp ban hành, di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt giao UBND các huyện, thành phố trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị. Lâu nay, đây là di tích nằm trong danh mục quản lý của Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam. Tương tự, các di tích, phế tích Chăm như tháp Khương Mỹ (Tam Xuân 1, Núi Thành), tháp Chiên Đàn (Tam Đàn, Phú Ninh) cũng thuộc sự điều phối quản lý của Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam. Lâu nay, địa phương có di tích chỉ tham gia phối hợp với trung tâm về các vấn đề cắm mốc giới hạn di tích, an ninh trật tự, còn các khâu quản lý, bảo tồn địa phương đều không biết tới. Theo quan điểm của các phòng văn hóa huyện, đối với các di tích có giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật cao thì địa phương vẫn chưa thích ứng để tìm ra cách bảo tồn, phát huy hợp lý. Theo ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, đối với các di tích thuộc sở hữu tư nhân, nếu không có một hướng dẫn cụ thể từ cấp tỉnh, cấp huyện sẽ gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn.
Ông Hồ Xuân Tịnh cho rằng không nên cứng nhắc trong mô hình quản lý di tích, địa phương nên linh động tìm ra mô hình quản lý phù hợp với mình. “Lâu nay các địa phương như Núi Thành, Phú Ninh không dám nhận quản lý di tích của mình. Khi quy chế về “Quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích và danh thắng trên địa bàn tỉnh” được ban hành, Sở VH-TT&DL sẽ làm việc với các địa phương và bàn giao các di tích lâu nay trực thuộc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng về cho địa phương” - ông Tịnh nói. Cũng theo ông Tịnh, tuy phân cấp quản lý di tích về địa phương nhưng hoàn toàn không phải khoán trắng cho cấp huyện. Sở VH-TT&DL sẽ chịu trách nhiệm tham mưu các vấn đề về chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng quy hoạch tổng thể về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trình UBND tỉnh quyết định.
SONG ANH