Truyền niềm đam mê lịch sử
Nhiều năm trở lại đây, dư luận báo chí cả nước liên tục lên tiếng báo động về hiện tượng học sinh phổ thông “quay lưng” với môn Lịch sử. Để khắc phục tình trạng này, tại Quảng Nam, nỗ lực làm thay đổi “góc nhìn” với môn Lịch sử đã có những chuyển biến…
Đổi mới cách dạy
Thầy Phạm Văn Thắng, giảng viên Trường Đại học Quảng Nam chia sẻ, nếu người dạy lịch sử có tình cảm và tinh thần trách nhiệm công dân đối với từng sự kiện hoặc từng nhân vật lịch sử, sẽ góp phần khơi dậy sự hứng thú, say mê học tập lịch sử của học sinh. Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Thành Khoa, Tổ trưởng Tổ Sử - địa của Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng, việc học trò chán học môn Lịch sử có một phần lỗi của giáo viên. Chính quan niệm dạy sử - học sử là chỉ dạy và học các sự kiện đã làm các em chán nản và cảm thấy môn học này khô khan. Phải nhớ và thuộc lòng mốc thời gian của sự kiện là điều không dễ nếu chúng ta không biết cách. Thầy Khoa nói: “Chỉ cần học các sự kiện lớn, sự kiện quan trọng, rồi từ đó xâu chuỗi, phân tích, tổng hợp và liên hệ thực tế qua từng sự kiện lịch sử. Vì trên thực tế, giữa các sự kiện lịch sử luôn có sự liên hết với nhau”. Để học sinh dễ nhớ, dễ thuộc các sự kiện và nhớ lâu, thầy Khoa đã cho học sinh tranh luận và đặc biệt là cho các em đối thoại, trao đổi với nhau như khi học... tiếng Anh.
Đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử Quảng Nam được vinh danh tại Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội. Ảnh: C.N |
Nhiều thầy cô giáo ở Quảng Nam cũng nỗ lực đổi mới cách dạy môn Lịch sử để tạo hứng thú cho học sinh bằng ứng dụng công nghệ trong dạy và học, hoặc cho các em học lịch sử từ thực tế. Cô giáo Nguyễn Thị Xuân Khuê (Trường THCS Nguyễn Huệ, TP.Tam Kỳ) là một trong những giáo viên dạy lịch sử theo cách này. Không những vậy, cô Khuê còn tìm tòi, nghiên cứu cách truyền đạt mới, ngắn gọn, dễ hiểu. Việc tổ chức cho học sinh đi tham quan các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh như nhiều trường học đã làm cũng là một cách giúp học sinh thêm yêu môn Lịch sử. Trong chuyến thăm Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước) và Khu di tích Nước Oa (Bắc Trà My) do các thầy cô Tổ Sử - Địa - Công dân Trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Tam Kỳ) tổ chức cuối năm học 2014 - 2015, em Nguyễn Thảo Nhi, học sinh lớp 9 gọi đó là chuyến dã ngoại để học bài học thực tế thú vị khiến em thêm yêu hơn quê hương và nhớ hơn những sự kiện, nhân vật lịch sử ở Quảng Nam.
Truyền lửa đam mê
Lâu nay, nỗi buồn đối với người dạy sử là hiếm có học sinh mê môn học này, hoặc nếu có thì sau khi hoàn thành chương trình THPT lại... chuyển hướng, không theo học môn sử nữa, dù được ưu tiên tuyển thẳng vào đại học. Khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, số lượng học sinh dự thi môn Lịch sử luôn đứng chót bảng. Riêng năm nay, Quảng Nam có một ngoại lệ: em Bùi Thị Tường Vi - học sinh lớp 12/8 Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, vừa đoạt giải Ba môn Lịch sử quốc gia, giải nhì Olympic 30/4 quyết theo đuổi đam mê của mình bằng cách chọn Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh để theo học (em Vi được tuyển thẳng). Tường Vi tâm sự, em thích học môn Lịch sử từ khi đang học THCS nhưng cho đến khi thi đậu vào trường chuyên, em mới thật sự cảm thấy yêu và mê môn học này. Vi cho biết, thầy Nguyễn Thành Khoa - giáo viên dạy môn Lịch sử suốt 3 năm học THPT của em, chính là người truyền niềm đam mê lịch sử cho em. “Với sự nhiệt tình, luôn tìm tòi những cách dạy mới khi giảng các sự kiện lịch sử của thầy Khoa đã khiến em đam mê môn Lịch sử và muốn được trở thành giáo viên dạy sử để truyền lại niềm đam mê đó cho học trò sau này. Với môn Lịch sử, ngoài sự chăm chỉ, siêng năng, phải có niềm đam mê mới đạt kết quả tốt” - Vi nói.
Trước tình trạng môn Lịch sử vẫn chưa có chỗ đứng xứng đáng như hiện nay, những nỗ lực của thầy cô giáo để học sinh thêm yêu môn Lịch sử rất đáng trân trọng. Và ở một hướng khác, việc tham gia khen thưởng và vinh danh học sinh giỏi môn Lịch sử cấp quốc gia của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam vừa qua, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của của giới sử học Việt Nam và cũng là cách để những người làm sử tái khẳng định sự cần thiết cũng như tầm quan trọng của môn Lịch sử đối với hoạt động giáo dục, đào tạo con người.
Thành tích ấn tượng Nếu như các năm trước, các trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), Quốc học (Thừa Thiên Huế); Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh)... thường giành giải cao ở môn Lịch sử thì 2 năm trở lại đây, thành tích này thuộc về Quảng Nam. Trong khi môn học này bị nhiều học sinh quay lưng thì đây quả là thành tích ấn tượng, là dấu hiệu đáng mừng đối với môn học được cho là khô khan, khó học này và là niềm vinh dự cho thầy và trò bộ môn lịch sử của Quảng Nam. Năm học 2014 - 2015, đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử của Quảng Nam có 6 học sinh dự thi và cả 6 em (trong đó có 5 học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và 1 học sinh Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông) đều đoạt giải quốc gia, gồm: 1 giải nhì, 2 giải ba và 3 giải khuyến khích. Đây là một trong số những đội tuyển xuất sắc nhất trong các tỉnh, thành phố cả nước khi có 100% học sinh thi và đoạt giải. Đáng chú ý, trong số đó 4 học sinh Nguyễn Phan Hoài Linh, Bùi Thị Tường Vi, Phạm Thị Thúy, Lê Trọng Gia Khánh được Hội Khoa học lịch sử Việt Nam vinh danh và nhận thưởng tại Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội. Chưa hết, tại cuộc thi Olympic 30/4 năm nay, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đoạt thêm 2 huy chương vàng, trong đó có 1 huy chương vàng thuộc về môn Lịch sử. Trước đó, năm học 2013-2014, cũng từ “lò” đào tạo Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, có tới 5/6 học sinh đoạt giải môn Lịch sử tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, gồm 3 giải nhì và 2 giải khuyến khích. |
CHÂU NỮ