Tình trạng thiếu thuốc ở các cơ sở y tế: Vẫn còn áp lực

PHƯƠNG GIANG 12/06/2015 08:07

Liên quan đến việc thiếu thuốc cục bộ ở một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh thời gian qua, lãnh đạo Sở Y tế cho biết đã chỉ đạo khẩn trương khắc phục, đẩy nhanh tiến độ cung ứng và nhận thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên, Trung tâm Y tế Tiên Phước và các cơ sở điều trị công lập khác cho rằng, áp lực thiếu thuốc điều trị vẫn còn thường trực.

Trao đổi bên lề buổi làm việc của HĐND tỉnh và Sở Y tế vừa qua, ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế khẳng định sở đã quyết liệt chỉ đạo khắc phục tình trạng chậm cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế. “Chúng tôi đã triển khai khắc phục ngay tình trạng thiếu thuốc, yêu cầu các nhà thầu cung ứng kịp thời để phục vụ khám chữa bệnh. Tuy nhiên, các trung tâm y tế, bệnh viện cần chủ động trong việc này, bởi về nguyên tắc vẫn có nhiều loại thuốc có thể thay thế được cho nhau. Về cơ bản, các bệnh viện, trung tâm y tế đã khắc phục được tình trạng thiếu thuốc cục bộ” - ông Hai nói.

Ông Nguyễn Văn Hường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước cho rằng, tình trạng thiếu thuốc vẫn là áp lực lớn đối với trung tâm. Ông Hường cho biết: “Hiện tại, số thuốc ở trung tâm vẫn đủ để phục vụ khám chữa bệnh trong vòng 1 tháng tới. Nhưng thuốc Đông y vẫn còn thiếu khá nhiều loại, đồng thời việc cung ứng thuốc của các nhà thầu khá chậm do vướng mắc về thủ tục, về loại thuốc cung ứng và các chứng từ liên quan. Đối với các nhà thầu ở Quảng Nam, Đà Nẵng, có thể nhanh chóng khắc phục được tình trạng này. Nhưng nhiều nhà thầu trúng thầu thuốc ở khá xa như Thanh Hóa, Bình Định, việc điều chỉnh và đổi thuốc mất khá nhiều thời gian”. Theo ông Hường, tình trạng chậm chi trả của bảo hiểm y tế khiến trung tâm phụ thuộc khá nhiều vào nhà thầu cung ứng. Công tác kiểm nhập thuốc, bảo đảm thủ tục tốn nhiều thời gian nên trung tâm khó chủ động được nguồn thuốc phục vụ khám chữa bệnh, phải chấp nhận chờ cung ứng “gối đầu” như truyền thống. “Những vướng mắc này chúng tôi đã có kiến nghị từ lâu, nhưng do vượt trần quỹ bảo hiểm còn lớn, và bảo hiểm y tế chi trả khá chậm nên vẫn rất khó để khắc phục. Chúng tôi cũng đã nhờ Sở Y tế tác động để các nhà thầu đảm bảo cung ứng thuốc kịp thời cho trung tâm, nhưng cũng phụ thuốc khá nhiều vào nhà thầu” - ông Hường nói thêm.

Khảo sát các bệnh viện, trung tâm y tế khác trên địa bàn tỉnh, đây cũng còn là nỗi lo chung theo kiểu “đến hẹn lại lên”. Sẽ cần nhiều biện pháp căn cơ hơn nữa để khắc phục tình trạng này, nên hiện tại, các bệnh viện, trung tâm y tế vẫn phải chịu nỗi lo thiếu thuốc.

PHƯƠNG GIANG

PHƯƠNG GIANG