Đứt cáp quang: Người dùng chịu thiệt

AN XUYÊN 11/06/2015 08:54

Sự cố đứt cáp quang biển dẫn đến hệ thống đường truyền internet chậm liên tục xảy ra thời gian gần đây. Tuy nhiên, phía nhà cung cấp vẫn không một lời “cáo lỗi” cùng người dùng.

Cáp quang biển liên tục gặp sự cố khiến đường truyền internet chậm chạp.Ảnh: ongames.com
Cáp quang biển liên tục gặp sự cố khiến đường truyền internet chậm chạp.Ảnh: ongames.com

Theo phát biểu của Bộ Thông tin - truyền thông (TT-TT), sự cố đứt cáp quang là bất khả kháng, nhưng nhà cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm cáo lỗi với người tiêu dùng. Văn hóa kinh doanh, ứng xử với khách hàng theo cách này thường rất ít xảy ra. Như phản ánh của bà T.M.T. (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) về dịch vụ internet của nhà cung cấp FPT. Khi gặp sự cố về kỹ thuật, rất khó để phản ánh với chi nhánh đặt tại Quảng Nam. Khi được thông báo sự cố cháy điện và chờ kỹ thuật chỉnh sửa, đường truyền internet hầu như không thể dùng được. “Tuy nhiên, phía nhà cung cấp dịch vụ không một lời cáo lỗi, mặc nhiên xem đó là sự cố mà khách hàng phải chịu. Thêm nữa, hóa đơn cuối tháng lẽ ra phải trừ ra số ngày dịch vụ không thể cung cấp cho khách hàng” - bà T. phàn nàn. Vấn đề xoay quanh cách ứng xử của doanh nghiệp trong sự cố đứt cáp quang đã được lãnh đạo Bộ TT-TT nhắc khéo trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ hồi tháng trước. Bộ TT-TT cho rằng, thậm chí việc cáo lỗi cần được thực hiện kể cả khi có sự cố nghẽn mạng di động.

Thực tế, những đường cáp quang đang sử dụng hiện tại đều phải hợp tác với các đơn vị nước ngoài, Việt Nam chưa đủ năng lực xây dựng đường cáp độc lập. Hiện, lưu lượng sử dụng cáp quang biển khá lớn nên các đơn vị đang triển khai 2 đường truyền đường bộ qua Trung Quốc. Ngoài ra, phía Viettel cũng đang đầu tư thêm tuyến cáp quang mới để có nhiều đường truyền internet, tránh sự cố đáng tiếc.
Thông tin từ Trung tâm điều hành cáp quang biển AAG (Asia America Gateway), tuyến cáp quang biển khu vực châu Á Thái Bình Dương khi gặp sự cố đã liên tục được sửa chữa. Gần đây nhất là sự cố ngày 7.6, dự kiến bảo trì cáp quang biển sẽ hoàn thành vào 17.6 tới. Trong khoảng thời gian này, tốc độ internet từ Việt Nam đi quốc tế qua kênh truyền tải này sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí là mất hoàn toàn.

Trước tình huống này, các nhà cung cấp dịch vụ internet ở Việt Nam tuyên bố đã sẵn sàng ứng cứu thông tin, bảo đảm quyền lợi của khách hàng.

Đại diện của FPT Telecom cho hay, ngay sau khi được Trung tâm AAG thông báo về lịch trình sửa chữa, đơn vị này đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để hỗ trợ tốt nhất công tác bảo trì AAG. Ngoài ra, FPT Telecom chủ động tiến hành nhiều biện pháp phòng bị, để hạn chế tối đa mức ảnh hưởng đến người dùng. Cụ thể, song song với việc sử dụng các tuyến cáp đất liền để chuyển tiếp lưu lượng AAG bị ngừng hoạt động, FPT Telecom chú trọng bổ sung dung lượng kết nối quốc tế, với mức lưu lượng lên đến 50Gbps.

Trong khi đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng đã chủ động ứng phó, san tải, định tuyến lưu lượng qua các hệ thống cáp quang biển SMW3, cáp đất liền qua Trung Quốc và thông tin vệ tinh, đồng thời bổ sung dung lượng qua các hệ thống này để đảm bảo nhu cầu của khách hàng.

AN XUYÊN

AN XUYÊN