Gỡ "điểm nghẽn" trên đường cao tốc

HỮU PHÚC - CÔNG TÚ 11/06/2015 08:28

Hôm qua (10.6), Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu làm việc với chủ đầu tư, các ngành và chính quyền các địa phương để giải quyết những vướng mắc phát sinh trong giải phóng mặt bằng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

Vướng đủ kiểu

Mặc dù UBND tỉnh triển khai nhiều cuộc họp, chỉ đạo các địa phương tập trung xử lý dứt điểm những tồn tại mặt bằng dự án đường cao tốc, nhưng thời điểm này tại nhiều nơi vẫn xoay xở chậm, chưa đáp ứng tiến độ. Công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư (TĐC) giải quyết rất lúng túng. Tại huyện Thăng Bình, hiện còn 130 hộ chưa bàn giao mặt bằng (49 hộ chưa đồng thuận nhận tiền bồi thường), 53 hộ chưa thống nhất bồi thường (BT) đất công ích 5% và 28 hộ đã nhận tiền song chưa di dời. Vẫn còn 64 ngôi mộ trên địa bàn 2 xã Bình An và Bình Quế tồn tại trên đường. Theo ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, phần lớn các trường hợp buộc phải dùng biện pháp bảo vệ thi công rơi vào loại đất công ích 5%. Người dân xã Bình Quý đã 5 lần “cấm đường” các nhà thầu chở vật liệu xây dựng không đảm bảo môi trường, nhưng cũng có trường hợp cản trở thi công vì lấy lý do Nhà nước bố trí đất TĐC không theo ý muốn, giá BT thấp. “Thực tế một số nơi xây dựng hệ thống cống đường cao, gây ngập úng ruộng cục bộ. Hơn 8ha đất sản xuất trên địa bàn xã Bình An bị ảnh hưởng nguồn nước tưới thủy lợi do làm đường cần xử lý kịp thời” - ông Ngữ nói.

Nhiều khu tái định cư còn dang dở hạ tầng. Ảnh: C.T
Nhiều khu tái định cư còn dang dở hạ tầng. Ảnh: C.T

Bất hợp lý ở chỗ, không ít trường hợp giá đất BT quá thấp không đủ để người dân mua lại suất đầu tư hạ tầng. Đơn cử, hộ ông Nguyễn Thanh Bốn (thôn Nam Thành, xã Duy Trung, Duy Xuyên) có diện tích đất ở hơn 1.751m2, bị thu hồi đất ở hơn 1.000m2, còn lại hơn 725m2 không vuông vức, nằm sát đường cao tốc. Trong khi hộ này có 7 nhân khẩu, 2 cặp vợ chồng sinh sống, giá BT quá thấp (48 nghìn đồng/m2) nên tiền BT khó dùng để mua lại một suất đất đầu tư hạ tầng. Vì vậy, địa phương kiến nghị hỗ trợ gia đình ông Bốn một suất đầu tư hạ tầng với diện tích 150m2. Tại xã Duy Trung có 11  hộ dân có diện tích đất ở sau khi bị thu hồi còn lại lớn hơn 100m2 nhưng lại nằm trong mốc lộ giới đường cao tốc, biệt lập với khu dân cư, tắc đường đi lại. Tại huyện Phú Ninh, còn 214 hộ dân và công trình nhà văn hóa thôn Xuân Trung (xã Tam Đàn), 3 nhà cổ ở xã Tam Thành chưa bàn giao mặt bằng. Vì chưa thỏa thuận BT cho dân nên 20 vị trí giao chéo công trình điện trung, hạ thế không di chuyển về địa điểm mới.
Lo tái định cư

Nhiều nơi người dân dù đã nhận tiền BT nhưng vẫn chưa thể bàn giao mặt bằng thi công do đất TĐC chưa sắp xếp. Đến nay, huyện Phú Ninh còn nợ 133 lô TĐC cho người dân, đáng nói địa phương này đang giai đoạn lập thủ tục, tìm nhà thầu thi công mặt bằng TĐC. Khu TĐC tại thôn Xuân Trung (xã Tam Đàn) hiện vẫn chưa ra hình hài, 79 hộ bị thu hồi đất đã nhận tiền BT nhưng ngóng chờ đất TĐC. Trong khi đó, các khu TĐC Phong Thử 1 và ĐT609 thuộc xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn) đang trong quá trình xây dựng ngổn ngang. Theo ông Trần Úc - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, địa phương đang trình thẩm định giá đất TĐC lên Sở Tài nguyên - môi trường để có cơ sở phê duyệt phương án đền bù. Nếu sớm được thông qua, thị xã tiến hành họp dân tổ chức bốc lô ngay. Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương, nỗi lo nhất khi hoàn thành khu TĐC Phong Thử 1 là liệu người dân có vào đó an cư hay không? Bởi, 100 hộ dân ở làng cũ lâu nay sống ở vị trí đường thuận lợi cho phát triển thương mại, nếu đưa vào đó sinh sống mà không xây dựng chợ búa, người dân sẽ gặp khó khăn.

Thực tế một số nơi ở Núi Thành, Phú Ninh, Điện Bàn dù có đất TĐC, nhưng người dân vẫn không mặn mà đăng ký vào xây nhà ở do chỗ ở mới không tốt hơn nơi ở cũ; thậm chí cos nền khu TĐC quá thấp, muốn xây nhà ở phải đổ đất tốn kém chi phí lớn. Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Ninh, trở lực trong xây dựng khu TĐC là chọn điểm mới thuận lợi, hồ sơ, thủ tục pháp lý liên quan, nhất là khâu đấu thầu mất nhiều thời gian.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đi qua các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh có chiều dài hơn 48km. Tính đến ngày 9.6, các địa phương bàn giao được 43,74km (chiếm 91%), có 5.274 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó hiện có 4.824 hộ đã nhận tiền BT.

Chính quyền huyện Thăng Bình thành lập 2 tổ công tác để giải quyết vướng mắc, phát sinh dự án đường cao tốc. Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình – ông Nguyễn Văn Ngữ kiến nghị: “UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở Tài nguyên - môi trường, Thanh tra tỉnh, tổ công tác của tỉnh phối hợp cùng địa phương giải quyết đơn khiếu nại, kiến nghị. Công an tỉnh cần phối hợp thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự, hỗ trợ thi công và cưỡng chế thu hồi đất”. Liên quan đến thực trạng xe vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ thi công gói thầu số 4 chở quá tải trọng, nguy cơ cao dẫn đến sụt lún tuyến ĐT610, ông Phan Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên đề xuất, tỉnh cho đặt trạm cân để kiểm soát tải trọng. Còn theo ông Trần Úc - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, đề nghị nhà thầu gói số 3A thực hiện cam kết trước đây về việc hoàn trả tuyến đường dân sinh qua địa bàn thôn Kỳ Lam, Kỳ Long (xã Điện Thọ) đã được đơn vị thi công mượn làm đường công vụ. Đồng thời nhà thầu sớm mời đơn vị giám định độc lập tiến hành kiểm tra lần cuối mức độ ảnh hưởng nhà ở của 135 hộ dân nằm ven tuyến đường này để giải quyết đền bù cho bà con.

Ông Trần Thanh An, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho rằng chủ đầu tư  đã thiếu hợp tác với chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh. Lẽ ra trước khi thi công, chủ đầu tư phải làm việc với ngành giao thông để phải biết đi đường nào, ảnh hưởng đến cầu cống ra sao. Trạm cân có mặt trên đường là cần thiết để giám sát xe công trình chạy quá tải. Trước đề nghị của chủ đầu tư về việc dời trạm cân tải trọng trên tuyến ĐT609, lãnh đạo tỉnh quả quyết, trạm cân vẫn giữ nguyên vị trí cũ để giám sát tải trọng các phương tiện. Về nhiệm vụ triển khai sắp đến, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu, trước ngày 30.6, chính quyền các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Binh, Phú Ninh phải cam kết bàn giao xong mặt bằng đất nông nghiệp và di dời mồ mả; cơ bản giải quyết xong TĐC, suất đầu tư hạ tầng. Riêng khu TĐC Phong Thử 1 phải ưu tiên đầu tư chợ theo quy hoạch nông thôn mới.

Kiểm định, áp giá bồi thường thiếu khách quan
Về việc giải quyết BT nứt nhà do thi công tại thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên), chính quyền huyện Duy Xuyên tích cực phối hợp với đơn vị bảo hiểm, nhà thầu, người dân tiến hành khảo sát thực tế về khối lượng thiệt hại để tính đúng, tính đủ giá trị BT cho người dân. Theo ông Phan Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, công việc này sẽ hoàn thành trước ngày 12.6; đầu tuần tới, các bên liên quan sẽ họp thống nhất khối lượng, giá trị thực tế để nhà thầu chi trả tiền BT cho dân và sớm tổ chức thi công trở lại.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, sở dĩ người dân không chịu nhận tiền BT nứt nhà ở do mất niềm tin với các nhà thầu và đơn vị chi trả bảo hiểm. “Không thể chấp nhận kiểu BT tùy tiện ban đầu áp giá 129 triệu đồng, bà con phản ứng thì tăng lên hơn 300 triệu đồng. Đến lúc chính quyền vào cuộc, giá trị BT là 626 triệu đồng. Rõ ràng, các nhà thầu, đơn vị bảo hiểm, đơn vị giám định thiếu khách quan, làm giảm sút niềm tin của người dân, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo dân sinh. Nhiệm vụ của chính quyền chỉ làm công tác vận động, hướng dẫn bà con thực hiện đúng chủ trương, quy định của pháp luật, chứ không thể can thiệp vào những tranh chấp dân sự” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.

HỮU PHÚC - CÔNG TÚ

HỮU PHÚC - CÔNG TÚ