Mô hình trường học mới: Nâng chất lượng, tạo kỹ năng
Mô hình trường học mới (VNEN) sau 2 năm triển khai thực hiện được các trường, cán bộ quản lý giáo dục đánh giá là khá hiệu quả, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.
Phát triển kỹ năng
Trường Tiểu học Văn Thanh Tùng (thị xã Điện Bàn) bắt đầu tham gia triển khai thí điểm mô hình trường học mới từ năm học 2012 - 2013. Ban đầu, việc triển khai gặp một số khó khăn do thiếu thốn cơ sở vật chất, một bộ phận phụ huynh không đồng tình, đội ngũ giáo viên chưa quen với việc tổ chức và phương pháp giảng dạy mới. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện, theo đánh giá của nhà trường, kết quả đạt được khá phấn khởi, chất lượng học tập của học sinh (HS) được nâng lên rõ rệt với tỷ lệ hoàn thành chương trình đạt 99,5%, cao hơn mặt bằng chung toàn huyện. “Ngoài kiến thức thì điều quan trọng nhất mà HS của trường có được là phát triển kỹ năng tự giác, tự quản, tự tin, tự học, tự trọng, tự đánh giá bạn và đánh giá mình. Đồng thời các em cũng biết cách tổ chức điều hành các hoạt động thông qua các đợt sinh hoạt ngoại khóa” - cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Hiệu trưởng nhà trường thông tin. Trong khi đó, theo cô Võ Thị Lý - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (TP.Tam Kỳ), điểm nổi bật của mô hình VNEN là đổi mới các hoạt động sư phạm mà cụ thể là tổ chức lớp học, sử dụng các công cụ hỗ trợ để nâng cao chất lượng dạy - học. Nhờ đó, HS có điều kiện rèn luyện và thể hiện kiến thức, năng lực và phẩm chất; giáo viên thuận lợi trong đổi mới phương pháp giảng dạy; gia đình và nhà trường được kết nối.
Học sinh học nhóm theo mô hình trường học mới. Ảnh: X.PHÚ |
Cùng với Trường Tiểu học Văn Thanh Tùng, Lê Thị Hồng Gấm, toàn tỉnh còn có 36 trường tiểu học khác tại 16 huyện, thị xã, thành phố triển khai thí điểm mô hình trường học mới từ năm học 2012 - 2013. Sau khi mô hình đạt được những kết quả khả quan, nhiều địa phương đã nhân rộng ra nhiều trường tiểu học trên địa bàn như huyện Đại Lộc đến nay có 12 trường, TP.Hội An có 4 trường, Quế Sơn 6 trường, TP.Tam Kỳ 11 trường. Theo ông Bùi Tấn Nhã - Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ, sau năm đầu tiên thí điểm ở 3 trường, thành phố đã nhân rộng ra thêm 4 trường ở năm học thứ 2 và năm học 2014 - 2015 vừa qua, tất cả 11 trường trên địa bàn đã được triển khai dạy theo mô hình VNEN. “Việc tổ chức thực hiện mô hình VNEN đã mang lại hiệu quả bước đầu theo tinh thần đổi mới phương pháp dạy học. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường nhận thức được việc thay đổi vai trò của người dạy từ chủ đạo sang điều hành, định hướng, giúp đỡ HS tự chiếm lĩnh kiến thức. Trong khi đó, các em HS đã được làm chủ trong quá trình lĩnh hội kiến thức, thực hành, trao dồi kỹ năng và vận dụng vào thực tế cuộc sống. Năng lực tự quản, tự phục vụ - giao tiếp, hợp tác - tự học, tự giải quyết vấn đề của HS cũng sẽ được nâng cao hơn” - ông Nhã đánh giá.
Tiếp tục nhân rộng
Theo Sở GD-ĐT, dự án mô hình trường học mới được thí điểm tại 38 trường tiểu học tại 16 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh kể từ năm học 2012 - 2013. Năm đầu tiên triển khai thí điểm cho lớp 2, 3; năm học 2013 - 2014 thí điểm lớp 2, 3, 4 và năm học 2014 - 2015 thí điểm thêm lớp 5. Sau 2 năm triển khai thực hiện, Sở GD-ĐT đánh giá mô hình VNEN đã giúp cho giáo viên, HS thay đổi phương pháp dạy - học, từ chỗ thụ động sang chủ động; đặc biệt tăng cường tính tự học, trao đổi của HS; tạo ra môi trường giáo dục thân thiện. Đồng thời mô hình VNEN còn tạo điều kiện cho các bậc phụ huynh và cộng đồng cùng tham gia, giúp tăng cường cơ sở vật chất trường học. Từ đó giúp nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông. Đến nay, ngoài 38 trường thí điểm đã có thêm 40 trường thuộc 6 huyện, thị xã, thành phố nhân rộng mô hình VNEN.
Ông Nguyễn Tấn Từ - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT) cho rằng thông qua dự án, mô hình trường học mới đã giúp cho ngành đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới đánh giá HS để nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững. Sau 2 năm chưa phải đủ để đánh giá hoàn toàn nhưng rõ ràng qua thực tế ở các trường dạy VNEN thì chất lượng có nâng lên rõ rệt. “Tôi đi đến nhiều trường VNEN thì cảm thấy khác hẳn các trường không thực hiện VNEN, nhất là các trường tiểu học ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số. Nhờ phương pháp học tập mới tăng cường giao lưu, học theo nhóm nên các em HS ở đó nhanh nhẹn, hoạt bát, tiến bộ hơn nhiều” - ông Từ dẫn chứng.
Cũng theo ông Từ, với hiệu quả của chương trình VNEN nên kế hoạch trong thời gian tới của ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh. Đồng thời xây dựng trường dạy VNEN thành trường trọng điểm, trung tâm bồi dưỡng của các địa phương. Ngoài bậc tiểu học, năm học mới 2015 - 2016 cũng sẽ có một số trường THCS triển khai thực hiện thí điểm mô hình này ở lớp 6 theo định hướng của Bộ GD-ĐT.
Dự án mô hình trường học mới trang bị cho mỗi học sinh một bộ tài liệu hướng dẫn học, tài liệu hướng dẫn cho giáo viên, đầu tư cho các trường trang thiết bị như máy tính, máy chiếu, camera, bộ nghe nhìn. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ kinh phí cho các trường tổ chức ăn trưa cho các em học sinh khó khăn để có điều kiện tham gia học 2 buổi/ngày.
XUÂN PHÚ