Báo quốc ngữ 80 năm trước - Kỳ 3: Chữ nghĩa báo xưa
|
Tám mươi năm trước, từ phong trào phóng sự (1934) đến phong trào văn học mang tên “Công cuộc tài bồi cho nền quốc văn” do 3 tờ báo Tin văn, Khuyến học và Tràng An (Huế) khởi xướng năm 1935, sau sự kiện tranh luận về Khổng giáo giữa Phan Khôi và Trần Trọng Kim trên Phụ nữ tân văn kéo dài suốt 3 năm đã gây sự chú ý sâu rộng khắp 3 kỳ, các phong trào này đã tạo ra một khía cạnh tích cực là làm cho văn chương báo chí quốc ngữ ngày càng phát triển với sự tham dự hầu hết nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu đương thời tại các tòa soạn.
Văn chương báo chí
Các thể loại phóng sự, tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ có mặt thường xuyên trên tất cả loại báo, kể cả những tờ báo chuyên ngành như Khoa học phổ thông, tạp chí Khoa học, tuần báo Khuyến học… cũng đã giúp mở rộng lượng người đọc và kỹ năng sử dụng quốc ngữ. Thử lấy một đoạn văn sau: “Cho nên văn thể của nhật báo không cần giài rợ, yêm bác và tinh tường, mà chỉ cốt rõ ràng giản dị, càng ngắn ngủi, mỗi cái để in vừa một địa vị đã hạn định trên mặt tờ báo hàng ngày càng hay. Văn từ thì quan hệ nhất là mới mẻ mà rất kỵ những ý sáo cũ, và phải cần làm thế nào cho thường khỏi được dư luận lên cho xã hội. Nhà viết báo mà thường khỏi được dư luận lên cho xã hội là nhà có tài…” (Đồ Nam Tử, Nghề làm nhật báo, Khuyến học số 3.1935).
Cũng loạt bài trên, trong mấy số báo sau Đồ Nam Tử lại viết: “Nhật báo là cơ quan xuất bản để cổ động tư trào, nghị luận, đàn hạch thời vụ, truyền báo tin tức, mà phải lấy nhanh chóng làm trọng… Mỗi chức vụ phải có nhiều ký giả, như xã thuyết, thám phóng, thông tin, phê bình các sách mới xuất bản vân vân…”. Những từ như giài rợ, yêm bác, địa vị, quan hệ, cổ động tư trào, đàn hạch thời vụ, thám phóng hay cụm từ cho thường khỏi được dư luận lên cho xã hội… trong những câu văn nêu trên ngày nay chắc chắn chẳng còn ai viết, nhưng lúc đó là của một nhà văn, nhà báo uy tín.
Lại đọc một bản tin sau đây đăng trên tờ nhật báo Sài Gòn năm 1935:
“Ông bạn đồng nghiệp Lê trung - Nghĩa đã được ra khỏi ngục
Saigon - Ông Lê trung - Nghĩa, cựu biên-tập viên của báo Indochine Nouvelle vì viết bài công-kích Sáu-Thanh chủ ô-tô hàng ở Cần-thơ và công-kích ông Cẩm Robert mà bị tòa phạt tiền vạ và tiền bồi thường thiệt hại đến trên 500 đồng. Vì không tiền nộp tòa nên mới đây ông Nghĩa bị bắt giam ở khám Cần-thơ. Ông Neumann hiểu thấu đến tình cảnh của ông Nghĩa mới lấy danh nghĩa của liên-đoàn báo-giới Nam-kỳ xin cho ông Nghĩa được tha ra.
Việc can thiệp của ông Neumann có kết quả.” (sic.)
Nhà văn Trương Tửu trong truyện “Một cổ đôi ba tròng” trên báo Tiểu thuyết thứ 5 còn viết là “Truyện giài”, thay vì “dài” như bây giờ.
Ngoài ra, xuất hiện dày đặc trên các báo lúc trước vẫn là đại danh xưng “ngài” mà các tòa soạn thường dùng để thưa với người đọc, người đăng quảng cáo, mà từ lâu rồi chẳng ai còn dùng trên mặt báo!
Những đề mục thường gặp
Trên các báo Rạng Đông, Tiểu thuyết thứ 7, Tiểu thuyết thứ 5, Khuyến học, Phụ nữ, Khoa học phổ thông… người đọc ngày nay sẽ bắt gặp những mục hết sức lạ, nếu không đọc kỹ các nội dung thì chưa chắc đã hiểu hết.
Sau đây là vài ví dụ:
Tạp trở: mục này có ở nhiều báo và tạp chí, như tin tức mọi mặt mà ngày nay không còn ai dùng.
Khải sự: Tuần báo phụ nữ thỉnh thoảng có tít lớn Bổn báo khải sự để trình bày với bạn đọc những vấn đề liên quan đến thu tiền báo, phát hành, khó khăn về tài chính.
Cái tẩy: Mục này do Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu phụ trách thường xuyên trên tuần báo Khuyến học khi ông về ở hẳn vùng quê Bất Bạt. Nội dung là chuyên sửa lại các chú dẫn Truyện Kiều, (và các tác phẩm văn học cổ khác) mà trước đó cả Nguyễn Văn Vĩnh lẫn Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim đều hiểu chưa đúng hay chưa đầy đủ trong các bản dịch của họ. Thỉnh thoảng mục này cũng “tẩy” một vài sơ suất của các tác giả đương thời, nhưng hiếm hơn. Nội dung tương đương với mục “Dọn vườn” các báo hiện nay đang dùng.
Nói hay đừng: Khi báo Lao Động có ấn bản Chủ nhật do cố nhà báo Chánh Trinh thực hiện tại TP.Hồ Chí Minh những năm bắt đầu đổi mới, nhiều người vẫn thích thú với mục Nói hay đừng do nhà thơ Cao Thoại Châu phụ trách. Anh Châu là người Quảng Nam, nên nhiều người còn có cái thú vị riêng về nói lái bên cạnh nội dung châm chọc nhiều chuyện “tréo cẳng ngỗng” trong đời sống và thầm phục người có sáng kiến mở ra mục này của đồng nghiệp Lao Động. Té ra không phải! Đọc trên báo Rạng Đông của Nghiêm Xuân Huyến những năm 1930 mới biết mục này do Vũ Bằng phụ trách thư ký tòa soạn viết. Qua hồi ký của Vũ Bằng, ta biết hồi đó ông đã: “chửi tưng” mọi chuyện, chỉ trừ… chính quyền bảo hộ, vì sẽ bị tịch thu hoặc đóng cửa báo!
Ngoài ra, có thể nêu ra đây vài đề mục cách đây 80 năm và tương đương trên các báo ngày nay: Cuốn sổ tay = Sổ tay phóng viên; Cuốn nhật ký = Tin trong tuần; Không đó thì đây = Tin đó đây, Trang vàng = Đọc sách, Khoa học tân văn = Tin khoa học…
Báo chí giai đoạn 1930-1940, đều có các mục giới thiệu các danh nhân, các nhân vật lịch sử và những người mới thành đạt trên đường khoa học làm rạng danh cho dân tộc. Nhiều bài viết từ vua Quang Trung, Hoàng Hoa Thám đến hoàng hậu Nam Phương…, về sự nghiệp văn hóa và trước tác nổi bật của Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Vĩnh, Trương Vĩnh Ký… Riêng đối với Trương Vĩnh Ký, có báo đã xưng tụng ông là “ông tổ của nghề báo Việt Nam”! Riêng nhà báo Hải Triều, dưới đề mục “Tư tưởng mới” viết trên các báo ở Huế, được xuất bản thành sách “Văn sĩ và xã hội” do Hương Giang thư quán ấn hành năm 1937, ông đã giới thiệu về M. Gorki, Romain Rolland (Nobel 1916) và Henry Barbusse (giúp Nguyễn Ái Quốc ra báo Người Cùng khổ) rất thu hút người đọc… (theo Hữu Ngọc).
Sự thay đổi này cho thấy, văn báo chí đã có một bước thay đổi rất dài trong hơn 80 năm qua…
------------------------
Kỳ 4: Các chiêu thức phát hành báo
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG