Đô thị du lịch ven biển
Sở hữu hơn 7km bờ biển cùng vị trí địa lý đặc thù, Điện Dương (Điện Bàn) được đánh giá có nhiều lợi thế để phát triển thành một đô thị du lịch ven biển đầu tiên của tỉnh.
Tiền đề phát triển
Tính đến thời điểm này, giá trị sản xuất toàn nền kinh tế Điện Dương ước đạt hơn 566 tỷ đồng, trong đó dịch vụ thương mại và du lịch chiếm trên 58% cơ cấu nền kinh tế. Nhiều hạng mục, công trình được đầu tư xây dựng như bãi tắm Hà My, bãi tắm Thống Nhất hướng đến phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, tắm biển của nhân dân cũng như mở ra triển vọng khai thác phát triển du lịch. Tuy nhiên, dự án lớn nhất phải kể đến là khu phố chợ Điện Dương đang được đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào sử dụng nhằm biến nơi đây trở thành trung tâm thương mại dịch vụ của phường. Cùng với việc thúc đẩy thương mại dịch vụ, sản xuất nông, ngư nghiệp thời gian qua cũng có nhiều chuyển biến mạnh mẽ với việc tập trung vào các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây thực phẩm có hiệu quả kinh tế cao, qua đó giúp tăng sản lượng và giá trị nguồn thu đưa nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng ổn định bền vững. Đặc biệt, xác định chế biến hải sản và nước mắm là nghề truyền thống lâu đời, có thương hiệu nên thời gian qua việc định hướng thị trường, đầu tư công nghệ đã được người dân chú trọng, góp phần nâng cao năng suất mỗi năm cung cấp ra thị trường 300 - 400 nghìn lít nước mắm, hàng chục tấn ruốc khô, mắm chượp, cá khô tẩm gia vị… mang về doanh thu trên 10 tỷ đồng.
Khu phố chợ Điện Dương sẽ trở thành trung tâm thương mại của phường.Ảnh: VĨNH LỘC |
Sự phát triển ổn định của nền kinh tế đã tác động tích cực đến việc tăng thu ngân sách, đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên và đầu tư phát triển các công trình xã hội, dân sinh tại địa phương. Tính đến cuối năm 2014 tổng thu ngân sách của Điện Dương đạt 54,6 tỷ đồng, đóng góp hiệu quả vào quá trình đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của phường. Những năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn lực huy động khác đã giúp địa phương triển khai hoàn thành nhiều công trình dân sinh ý nghĩa như xây dựng hạ tầng khu nghĩa địa Tân Khai; cải tạo nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn, hỗ trợ đầu tư giao thông nông thôn, xây dựng mới cơ sở vật chất các trường học, trạm y tế, các công trình phúc lợi xã hội, thiết chế văn hóa, các công trình lịch sử văn hóa… Ông Trần Minh Hoàng - Chủ tịch UBND phường Điện Dương khẳng định, nhiệm kỳ qua việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, thương mại và du lịch khá rõ nét, điều đó thể hiện qua kết cấu hạ tầng kinh tế được đầu tư phát triển tốt, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao… “Với những kết quả đã đạt cùng lợi thế về địa lý được tác động bởi khu công nghiệp, khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, các khu nghỉ dưỡng cao cấp và các dự án du lịch ven biển đang được đầu tư sẽ là tiền đề, động lực để Điện Dương phát triển mạnh mẽ, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phấn đấu đến năm 2020 ngành dịch vụ, thương mại, du lịch sẽ chiếm 65% - 70% hướng đến xây dựng Điện Dương trở thành một đô thị du lịch đúng nghĩa” - ông Hoàng nói.
Du lịch ven biển
Điện Dương cũng là địa phương có nhiều dự án đầu tư du lịch nhất của thị xã Điện Bàn. Ngoài những công trình lớn đã được đưa vào khai thác như The Nam Hai, Le Belhamy thì vẫn còn hơn 10 dự án đang trong quá trình triển khai, tập trung chủ yếu dọc ven biển và sông Cổ Cò. Đặc biệt, tháng 2 vừa qua, UBND thị xã Điện Bàn đã thống nhất chủ trương cho phép Công ty CP Đất Xanh miền Trung nghiên cứu đầu tư xây dựng dự án “Khu đô thị sinh thái ven sông” tại thôn 1 nhằm cụ thể hóa đồ án quy hoạch chung, tạo điều kiện lấp đầy các dự án ven biển, ven sông Cổ Cò, góp phần phát triển đô thị Điện Bàn. Theo thiết kế, đây là khu đô thị có diện tích khoảng trên 20 hécta được đầu tư xây dựng với các tiêu chí thân thiện với thiên nhiên, tôn trọng địa hình, cảnh quan tự nhiên, giải quyết các vấn đề ô nhiễm cũng như góp phần vào dự án khơi thông dòng sông Cổ Cò. Ngoài dự án trên, một số dự án khác cũng đang được triển khai các thủ tục đầu tư như Sun Phú Hải, Vinacapital, Nam Hai (mở rộng)… hứa hẹn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ du lịch dịch vụ cũng như giải quyết một lượng lớn lao động tại chỗ sau khi hoàn thành.
Trong hội thảo về định hướng liên kết phát triển bền vững đô thị Điện Bàn với Đà Nẵng và Hội An tổ chức cách đây 1 năm, KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, việc quy hoạch phát triển Điện Dương theo hướng du lịch ven biển là cách thức đúng đắn nhằm kết nối vệt ven biển từ Đà Nẵng vào Hội An và rộng hơn là các huyện phía nam của tỉnh. Đặc biệt, Điện Dương không chỉ có lợi thế lớn khi gần 2 thành phố du lịch mà còn sở hữu bờ biển đẹp chưa bị xâm thực nhiều. “Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ dự án khai thác sông Cổ Cò và mục đích phát triển du lịch và sinh thái đô thị thì cần phải tổ chức quản lý và khai thác tốt nhất vùng đất ven biển và dải bờ biển hơn 7km; phân vùng cho các khu resort và các bãi tắm công cộng, xây dựng cầu tàu cho du thuyền nhằm kết nối Đà Nẵng - Hội An và Cù Lao Chàm; tiến hành lập dự án công viên sinh thái cồn cát ven biển cũng như các công trình du lịch đẳng cấp nơi đây… nếu triển khai hiệu quả những dự án trên chắc chắn sẽ tạo ra sự khác biệt cho Điện Dương trong những năm đến” - ông Chính phân tích.
VĨNH LỘC