Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp
Hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp đã trở thành nhu cầu thực tế trong vài năm trở lại đây nhằm hướng đến xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của doanh nghiệp trong phát triển du lịch.
Dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực du lịch có chất lượng sẽ gia tăng trong thời gian tới. Ảnh: VĨNH LỘC |
Sự cần thiết
Tính đến năm 2015, trên địa bàn tỉnh có khoảng 500 đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ liên quan đến các hoạt động du lịch như ẩm thực, khách sạn, lữ hành… thu hút gần 8.000 lao động tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp. Dự báo trong những năm tới nhu cầu việc làm ngành du lịch sẽ tiếp tục tăng mạnh, nhất là khi cầu Cửa Đại hoàn thành kết nối vệt ven biển từ Điện Bàn đến Tam Kỳ, Núi Thành, thu hút các dự án đầu tư để hình thành những điểm, khu du lịch mới. Khảo sát tại Hội An cho thấy, mỗi năm nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các doanh nghiệp tăng khoảng 10%, tập trung ở lĩnh vực lưu trú, nhà hàng và những dịch vụ thương mại liên quan đến du lịch. Bên cạnh nguồn lao động phổ thông thì nguồn nhân lực quản lý chuyên ngành chất lượng cao cũng rất khan hiếm, điều này đã đặt ra doanh nghiệp những lựa chọn khó khăn trong quá trình tuyển lựa lao động cho đơn vị mình. Do vậy liên kết hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm đào tạo ra lực lượng lao động đáp ứng “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp là rất quan trọng.
Ông Võ Văn Vân - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam nhìn nhận, mối liên kết này phản ánh lợi ích từ ba phía là doanh nghiệp, nhà trường và sinh viên. Với doanh nghiệp, sự hợp tác thể hiện cụ thể nhất thông qua việc tiếp nhận sinh viên thực tập để bước đầu hình thành đội ngũ lao động chất lượng, đủ năng lực làm việc ngay lập tức, hạn chế thời gian cũng như chi phí đào tạo lại trước khi tuyển dụng. Còn với nhà trường thông qua sự hợp tác sẽ nắm bắt kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp để điều chỉnh chương trình đào tạo và phương pháp phù hợp, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, giúp nâng cao uy tín nhà trường. Thực tế, trong vài năm qua mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Thể hiện qua việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa 8 đơn vị đào tạo với hơn 40 doanh nghiệp du lịch và các điểm du lịch trên địa bàn năm 2013 nhằm thúc đẩy hoạt động liên kết hai bên, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cho địa phương. Đến nay, đã có 53 doanh nghiệp liên kết với các cơ sở đào tạo bao gồm khách sạn, nhà hàng, kinh doanh lữ hành và điểm du lịch. Điều này phản ánh cách nhìn nhận mới của các bên về sự tương tác để hướng đến hình thành nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu công việc thực tế trong ngành du lịch.
Hướng đến mục đích chung
Không phủ nhận sự hợp tác sẽ mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp hay cơ sở đào tạo nào cũng nhiệt tình với điều này. Trong Hội thảo “Hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp du lịch” vừa diễn ra mới đây, ông Đoàn Văn Tín - Khoa Văn hóa du lịch (Trường Đại học Quảng Nam) bộc bạch, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với sinh viên thực tập, nhất là không chủ động cung cấp thông tin đến đơn vị đào tạo về số lượng sinh viên có thể thực tập cũng như yêu cầu cụ thể đối với sinh viên và vị trí công việc mà đơn vị có thể tiếp nhận. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chưa tích cực trong việc giới thiệu nhân sự tham gia các hoạt động giảng dạy, tư vấn hướng nghiệp tại các cơ sở đào tạo khi nhà trường tổ chức… “Tôi nghĩ cần thiết phải xây dựng kênh thông tin hai chiều giữa doanh nghiệp và đơn vị đào tạo trên địa bàn, vì đây sẽ là hành lang thông tin mà cả doanh nghiệp và đơn vị đào tạo đều có thể tiếp nhận hoặc chia sẻ” - ông Tín đề xuất.
Đồng tình với ý kiến trên, đại diện khách sạn Phú Thịnh (Hội An) khẳng định, trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay để phát triển và tồn tại buộc mỗi doanh nghiệp phải có nguồn nhân lực chất lượng nên việc liên kết phối hợp với nhà trường là rất quan trọng, nhất là tạo cơ hội cho sinh viên thực tập để làm cơ sở tuyển dụng sau này. Tuy nhiên, một nghịch lý là khi nhu cầu công việc cao thì doanh nghiệp không dám nhận nhiều sinh viên thực tập vì thiếu người giám sát các em, dễ ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Ngược lại, họ chỉ nhận sinh viên khi nhu cầu thấp nhưng lúc đó cơ hội làm việc thực thụ với nghề của sinh viên lại rất ít. Vì vậy phần lớn sinh viên khi được doanh nghiệp phỏng vấn thường có kỹ năng và kiến thức chuyên môn yếu, chưa kể rất mơ hồ về nghề nghiệp, trong khi kinh nghiệm luôn là ưu tiên của không ít nhà tuyển dụng… “Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng lao động thời vụ với chất lượng không cao. Vậy tại sao nhiều sinh viên đã tốt nghiệp một thời gian vẫn còn nằm trong đối tượng lao động này? Vì các em chưa có thái độ tốt với nghề của mình. Nếu các em có thái độ tốt đương nhiên sẽ có kỹ năng và kiến thức tốt, điều đó sẽ giúp các em trở thành một lao động giỏi. Do đó, việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp để định hướng nghề, nâng cao khả năng thực tiễn là điều cấp thiết để giảm dần những bất cập trên” - vị đại diện khách sạn Phú Thịnh phân tích.
Có thể nhận thấy, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch đòi hỏi doanh nghiệp và nhà trường phải có tiếng nói chung. Điều đó không chỉ thể hiện ở việc tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận thực tiễn tại doanh nghiệp thông qua chương trình thực tập hay chủ động cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng của đơn vị… mà qua đó còn giúp nhà trường hoàn thiện khung chương trình đào tạo sát thực tế và theo yêu cầu của doanh nghiệp…
VĨNH LỘC