Việc học của vận động viên
Tại hội nghị liên Sở VH-TT&DL và Sở GD-ĐT mới đây về công tác phối hợp nâng cao chất lượng thể thao học đường, hai sở đã đề cập kế hoạch trong thời gian tới sẽ tham mưu cho tỉnh về việc chuyển Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT Quảng Nam thành Trường Năng khiếu Văn hóa, TD-TT Quảng Nam để dạy văn hóa cho các vận động viên (VĐV) ngay tại trường thay vì phải đi học tại các trường phổ thông như hiện nay. Mục tiêu là nhằm giúp cho các em vừa có điều kiện để phát triển tài năng thể thao, vừa nâng cao chất lượng đào tạo văn hóa.
Việc học văn hóa của VĐV cần được coi trọng không kém việc tập luyện. Ảnh: A.NHI |
Nhiều VĐV và các bậc phụ huynh rất mừng trước thông tin này. Bởi lâu nay, trong đào tạo VĐV của cả nước chứ không chỉ riêng Quảng Nam thường coi trọng việc tập luyện thể thao hơn, còn học văn hóa bị xem nhẹ. Do đó mà các trung tâm huấn luyện hoặc trường TD-TT chưa quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các VĐV học văn hóa. Đã vậy, chương trình tập luyện có phần nặng khiến nhiều em khá mệt mỏi khi đến lớp hoặc không có thời gian để học bài vì tập luyện vào ban đêm. Đó là chưa kể nhiều khi VĐV tham gia tập huấn, thi đấu các giải quốc gia nên phải nghỉ học dài ngày. Ở nhà, các em được cha mẹ quan tâm chăm sóc còn khi vào trường TD-TT, trăm sự của VĐV đều cậy nhờ thầy. Tuy nhiên, thầy dạy ở trường TD-TT nên vấn đề quan tâm chính là phát triển tài năng thể thao của các em còn học văn hóa thì …“được chừng nào hay chừng ấy”. Với những khó khăn và đặc thù như vậy nên chất lượng học tập của phần lớn VĐV là không cao. Thậm chí có không ít trường hợp trước đó học khá giỏi nhưng khi vào trường TD-TT thì sức học giảm sút hẳn.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, những năm gần đây, thay vì phân tán như trước đây thì VĐV của Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT Quảng Nam học tại Trường THPT Phan Bội Châu (Tam Kỳ) được nhà trường bố trí học riêng ở 3 lớp 10, 11 và 12. Điều này giúp nâng cao chất lượng học tập, đồng thời tạo điều kiện cho Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT Quảng Nam thuận lợi trong việc sắp xếp thời gian tập luyện cũng như quản lý việc học văn hóa của VĐV. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để nâng cao chất lượng tốt nhất có thể cho cả học văn hóa lẫn tập luyện thể thao của VĐV. Ngoài ra, các em VĐV học cấp 2 tại Trường THCS Nguyễn Huệ (Tam Kỳ) cũng chưa được học theo lớp riêng.
Quãng đời làm VĐV khá ngắn. Sau trên dưới 10 năm, thậm chí với nhiều VĐV còn ít hơn khi tài năng không phát triển nữa sẽ phải chia tay để chuyển sang ngả rẽ khác. Khi còn VĐV nếu học hành chẳng đến nơi đến chốn thì các em sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu. Bởi vậy, được tạo điều kiện thuận lợi để học văn hóa song song với rèn luyện năng khiếu thể thao là cơ hội rất tốt cho VĐV phát triển toàn diện. Ý tưởng thật hay nhưng bao giờ kế hoạch này được thực hiện mới là câu chuyện đáng bàn.
AN NHI