Vì trẻ em vùng cao
Đầu tháng 6, vùng biên Chơ Chun (Nam Giang) như mở hội theo từng nhịp bước của đoàn công tác ở xuôi lên khám bệnh, tặng quà cho trẻ em.
Mở đầu cho chuỗi hoạt động “Tháng hành động vì trẻ em 2015”, Sở LĐ-TB&XH và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp tổ chức tặng quà cho trẻ em tại hai xã vùng biên La Êê và Chơ Chun (Nam Giang).
Về với bản
Chiếc xe Uoat được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh điều động thêm để tiếp sức cho đoàn công tác lên Chơ Chun - nơi xa nhất của huyện Nam Giang. Sau một giờ đồng hồ khởi hành từ Đồn Biên phòng La Êê, đoàn công tác cũng đến được nơi. Phía núi, mặt trời đã ló dạng…
Trẻ em xã Chơ Chun háo hức đổ về Trạm Y tế xã để được khám bệnh, cấp thuốc. Ảnh: VĂN HÀO |
Trạm Y tế xã Chơ Chun nằm kề sát ủy ban xã, vừa được thành lập và đi vào hoạt động cách đây hơn một tháng. Hồi trước, hễ có người đau ốm thì phải chở xuống Trạm Quân dân y kết hợp Đồn Biên phòng La Êê. Như lời một nữ y sĩ công tác tại trạm, ở đây khó khăn mọi thứ, chưa có điện lưới quốc gia, đường sá trắc trở, cơ sở tạm bợ… Nói vậy đủ biết, công tác chăm sóc sức khỏe ở vùng cao này cũng lắm gian truân, đặc biệt là trẻ nhỏ. Biết có đoàn lên đây, bà con tranh thủ đưa con, dẫn cháu tập trung về khu trung tâm của xã. Những bước chân hối hả từ phía Côn Zốt đổ xuống, A Sò đổ về, như một ngày hội. Lần đầu tiên, Trạm Y tế xã đón tiếp nhiều người dân đến vậy, và hầu hết họ đến với trạm cũng là lần đầu tiên. “Nhà ở thôn Côn Zốt, xa lắm, đi bộ hơn 3 tiếng mới ra được đây. Biết có cán bộ về khám bệnh cho trẻ nên ai cũng háo hức” - bà Pơloong Thao Thức (60 tuổi) dẫn hai đứa cháu vừa đặt chân tới trạm y tế, nói.
Ngoài đoàn y, bác sĩ của Bệnh xá BĐBP tỉnh còn có chiến sĩ của Trạm Quân dân y kết hợp Đồn Biên phòng La Êê và cán bộ Sở LĐ-TB&XH tham gia khám bệnh, phát thuốc, tặng quà. Hai phòng khám dường như không đủ chỗ trước nhu cầu của hàng trăm trẻ. Tuy nhiên với sự bố trí, phân công nhiệm vụ khoa học theo trình tự từ các khâu tiếp đón, hướng dẫn đến khám bệnh, phát thuốc, tặng quà… nên mọi việc đều diễn ra suôn sẻ, thuận lợi. Chị Bhnước Thị Luyến (37 tuổi, thôn Côn Zốt) bồng đứa con gái vừa được khám bệnh xong tâm sự: “Hắn bị ho miết. Nhiều lần định xuống Trạm Y tế xã để khám xin thuốc nhưng thẻ bảo hiểm y tế bị mất rồi nên chưa đi được. Nay, được bác sĩ trực tiếp khám, bảo bệnh không nghiêm trọng và chu đáo dặn dò cách chăm sóc trẻ theo mùa nên cũng trang bị cho tui một ít kiến thức nên yên tâm hơn”. Mặt trời vừa nhích lên khỏi núi, dòng người đổ về trạm xá một đông hơn. Bên trong các phòng khám, mồ hôi ướt đẫm trên những chiếc áo blouse trắng. Bên ngoài, không ngớt giọng hướng dẫn tỉ mỉ cách sử dụng thuốc; những nụ cười miền xuôi khi trao những phần kẹo bánh cho trẻ.
Các y, bác sĩ khám bệnh cho trẻ em xã Chơ Chun. Ảnh: VĂN HÀO |
Trước khi “hành quân” lên Chơ Chun, đoàn công tác cũng đã triển khai hoạt động này tại La Êê. Xã vùng biên chiều ấy, mưa nặng hạt, nhiều cha mẹ vẫn đội mưa đưa trẻ đến với bộ đội, với bác sĩ quân y.
Vì trẻ vùng cao
Hoạt động của đoàn công tác diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 1 đến 3.6) với khoảng 700 trẻ tại các xã La Êê và Chơ Chun (huyện Nam Giang) được khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí. Dịp này, ngoài những phần quà mừng ngày 1.6, đoàn đã tặng 100 suất quà cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (300 nghìn đồng/suất), tổng kinh phí gần 100 triệu đồng. |
Chơ Chun được tách ra từ xã La Êê vào năm 2011, gồm 3 thôn, tiếp giáp với nước bạn Lào và 4 xã của Tây Giang. Đây là xã khó khăn nhất của huyện Nam Giang, có 134 hộ với tỷ lệ hộ nghèo trên 90%. Trụ sở làm việc của xã cũng chỉ trên nền đất tạm bợ, làm bằng ván gỗ. Ông Pơloong Ađốc - Chủ tịch UBND xã Chơ Chun cho biết, bởi những điều kiện khách quan và chủ quan nên việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ vẫn còn nhiều bất cập. “Nhận thức của đồng bào vẫn còn thấp nên nhân dịp có đoàn công tác về, bà con có điều kiện để tiếp xúc với những tiến bộ kỹ thuật, hiểu hơn với cách dùng thuốc mỗi khi đau ốm” - ông Pơloong Ađốc nói.
Trực tiếp khám cho trẻ, Thượng úy, bác sĩ Phạm Văn Trung - Bệnh xá trưởng Bệnh xá BĐBP tỉnh cho biết, số trẻ em bị mắc bệnh chiếm tỷ lệ 1/5 với những bệnh thường gặp như rối loạn tiêu hóa, viêm đường hô hấp, bệnh ngoài da. “Tôi từng đến vùng đất này cách đây 5 năm, bây giờ quay lại thấy cuộc sống của đồng bào cũng có sự đổi thay nhất định. Tuy nhiên để cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em thì cần tăng cường việc tuyên truyền đến cán bộ thôn, xã để góp phần thay đổi nhận thức người dân” - bác sĩ Trung tâm sự. Nhiều trường hợp đã làm mẹ từ khi mới ở lứa tuổi vị thành niên, con cái đau ốm thì tìm đến lá cây rừng… cũng được cán bộ Phòng Chăm sóc, bảo vệ trẻ em Sở LĐ-TB&XH tỉnh tuyên truyền, vận động nhằm hướng đến một môi trường an toàn, lành mạnh cho sự phát triển của trẻ vùng cao. Ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết: “Chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trong các hoạt động hướng đến công tác giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng sâu, biên giới, hải đảo. Lần này, ngoài khám, phát thuốc, tặng quà cho trẻ, chúng tôi còn tổ chức các buổi tập huấn cho các cán bộ từ xã tới thôn để hiểu hơn, nhận thức đầy đủ trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ miền núi” - ông Thùy nói.
VĂN HÀO