Sự trở về của "chất xám" Ấn Độ

NAM VIỆT 04/06/2015 10:36

Những năm gần đây, nhiều tài năng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ trở về từ các nước phát triển để làm việc tại quê hương, là tín hiệu vui cho nền kinh tế lớn mới nổi Ấn Độ.

Để thực hiện giấc mơ “đổi đời”, chàng sinh viên Ấn Độ Kunal Bahl đến Mỹ vào cuối năm 2007. Bahl nhanh chóng kiếm được bằng đại học chuyên ngành kinh doanh và kỹ sư của Ivy League - cụm 8 trường đại học cổ kính và nổi tiếng nhất nước Mỹ, sau đó khởi đầu công việc tại tập đoàn máy tính Microsoft danh tiếng. Dù cố gắng nhưng Bahl bị từ chối khi xin được cấp quốc tịch Mỹ. Thất vọng khi buộc phải rời khỏi nước Mỹ, nhưng đó lại là điều rất may mắn với Bahl. Bởi khi trở về Ấn Độ, Bahl cùng bạn học thời niên thiếu của mình thành lập một công ty công nghệ với tên gọi Today Snapdeal.com tại thủ đô New Delhi. Trị giá của công ty hiện lên tới 5 tỷ USD, ngày càng phát triển mạnh mẽ và là một trong những công ty công nghệ nổi tiếng tại Ấn Độ.

Kunal Bahl, ông chủ Today Snapdeal.com rất thành công tại Ấn Độ năm nay mới 31 tuổi. (Ảnh:Bloomberge)
Kunal Bahl, ông chủ Today Snapdeal.com rất thành công tại Ấn Độ năm nay mới 31 tuổi. (Ảnh:Bloomberge)

Hay như Samir N. Kapadia, người trở về Ấn Độ từ năm 2012 - từng có thời gian thực tập tại Bộ Quốc phòng Mỹ, sau đó có việc làm ổn định tại công ty tư vấn nhưng anh vẫn quyết định trở về với những công việc mới như kinh doanh điện tử, hoạt động web... Kunal Bahl hay Kapadia là hai trong số tài năng của dòng chảy “chất xám” nay trở về khởi nghiệp rất thành công tại Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ ba tại khu vực châu Á. Trong đó, dòng tài năng hồi hương lớn nhất phải kể đến các kỹ sư công nghệ, nay làm việc tập trung chủ yếu tại Bangalore - Thung lũng Silicon, trung tâm công nghệ của Ấn Độ. Nhiều sinh viên xuất sắc của Ấn Độ nay không còn tham vọng tìm đến những “miền đất hứa” mà học tập và làm việc tại quê hương. Nhiều sinh viên đến Mỹ những mong tìm kiếm các tấm bằng từ các trường đại học danh tiếng như Harvard hay Standord không có kế hoạch ở lại nước Mỹ sau khi tốt nghiệp ra trường.

Một trong những yếu tố khiến những người tài hồi hương là nhờ vào nền kinh tế Ấn Độ có tốc độ phát triển rất nhanh trong thời gian qua, thậm chí hiện nhanh nhất thế giới. Nhiều chuyên gia còn dự báo Ấn Độ sẽ viết lên câu chuyện thành công của năm 2015 khi vượt mặt nền kinh tế Trung Quốc. Trong chiến lược phát triển của mình, Ấn Độ rất chú trọng đến phát triển công nghệ thông tin, lĩnh vực phát triển hàng đầu thế giới. Điển hình như Trung tâm công nghệ Bangalore (chỉ đứng sau Thung lũng Silicon của Mỹ) hiện thu hút rất lớn lượng đầu tư nước ngoài tại đây.

Ngoài ra, chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” được chính quyền Bangalore áp dụng triệt để với nhiều đãi ngộ cho tài năng như lương hấp dẫn, điều kiện làm việc rất tốt và thuận lợi. Vì thế, những năm trở lại đây, đa số các kỹ sư tài năng của Ấn Ðộ chọn làm việc ở Bangalore thay vì phải sang làm thuê ở các quốc gia châu Âu và Mỹ như vào những thập niên trước. Ngày càng nhiều những tài năng của Ấn Ðộ ở khắp nơi trên thế giới trở về làm việc tại quê nhà, trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

NAM VIỆT

NAM VIỆT