Chuyện nghỉ hè
Vậy là một năm học nữa lại đi qua. Ngoài các em học sinh có năm thi vào đại học, đa số học sinh các lớp đều có ba tháng hè nghỉ ngơi. Và cách nghỉ ngơi nào có ích cho lứa tuổi học sinh?
Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Đó đây tôi đã nghe nhiều vị phụ huynh bắt đầu lo lắng. Có những bà mẹ không biết gửi con ở trường bán trú nào để học hai buổi, sáng đưa đi và chiều đón về, vì nhà không có ai trông, lại phải đi làm ở công sở, nhà máy… Có phụ huynh càng lo lắng hơn vì con đang học THCS, bắt đầu “bể giọng”, tuổi đang ăn đang lớn, cha đi làm xa nhà thường xuyên, dễ sa ngã nếu gặp bạn xấu. Trong năm học mà đã nhiều lần trốn vào tiệm nét, la cà ở quán, huống hồ ngày hè nghỉ suốt mà không có ai coi ngó!
Đúng là có con còn đang tuổi học sinh, ai cũng lo lắng. Trong năm học thì lo học phí, áo quần, đưa đón, học thêm… Hè lại lo con cái hư hỏng. Toàn là những sự lo chính đáng. Khai thác tình trạng này, đã có những trường bán trú dạy ngoại ngữ và các môn năng khiếu, văn hóa đang mở ra. Có trường giảm 30 - 40% học phí và quảng bá rộng để thu hút sự chú ý của các phụ huynh. Nhiều lớp dạy thêm các môn học chính để chuẩn bị cho năm học sau của các nhà giáo nghỉ hưu cũng nhận học sinh vào ngay từ đầu hè…
Nhìn chung, tôi thấy các em học quá căng thẳng, không còn giờ nghỉ ngơi. Thành phố lúc nào cũng xô bồ, lại còn thiếu nhiều cơ sở giải trí lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi, năng khiếu của các cháu; nhất là các cháu con em của lớp thị dân nghèo, công nhân, viên chức thu nhập thấp. Trong mạch suy nghĩ đó, tôi chạnh nhớ đến nhà thơ tiền chiến Xuân Tâm, một nhà thơ quê Quảng Nam đã từng viết:
Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết
Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về
Chín mươi ngày nhảy nhót ở vườn quê
Ôi tất cả mùa Xuân trong mùa Hạ…
(Lời tim non)
Tôi lại nhớ: hồi con gái tôi còn học cấp 2, thỉnh thoảng tôi hay đưa về quê chơi. Một hôm, trên đường làng, tôi phải dừng xe để tránh mấy con bò. Con gái ngồi sau đập lưng ba, nói như một “phát hiện”: “Ủa, sao mấy con trâu ni không có sừng ba?”. Phải giải thích cho con và tự nghĩ: một là mình có lỗi trong dạy dỗ con cái hoặc là chương trình giáo dục ở nhà trường có vấn đề! Học sinh lớp 8 mà không phân biệt được trâu với bò! Và vừa mới đây vài hôm, một người bạn ở nước ngoài lâu ngày, thuộc nhiều ca dao tục ngữ Việt, nhưng dường như xa quê từ tuổi nhỏ, khi xem tấm ảnh của tôi chụp đồng lúa đang trĩu hạt, vàng hườm, lại bảo sao lúa chết khô vậy anh, chắc đói kém tới nơi? Giải thích xong, bạn ấy mới nói thấy bông lúa cong xuống nên tưởng nó chết rồi! “Hồi nào giờ em đã thấy cánh đồng lúa chín đâu!” (?).
Từ hai chuyện cười ra nước mắt trên, tôi cho rằng các bạn phụ huynh có con đang chuẩn bị nghỉ hè, nên lên chương trình đưa con về chơi các vùng nông thôn trong ít ngày, một vài tuần, nếu có điều kiện. Các trường học ở thành phố có thể liên kết với các trường và địa phương ở nông thôn, tổ chức các đợt cắm trại giao lưu theo từng lứa tuổi hay cấp học. Coi như một “học kỳ” về nông thôn Việt Nam. Các em không chỉ nhìn trâu bò hay đồng lúa mà còn trải nghiệm nhiều việc khác của đời sống thôn dã và hít thở không khí trong lành. Tất cả nhằm bổ sung kiến thức cho các môn tự nhiên, xã hội của năm học sau và được xây dựng thành kịch bản khoa học, chặt chẽ... Học kỳ nông thôn cũng giúp các em rèn luện thể lực và giảm thiểu việc học thêm căng thẳng, việc cha mẹ phải lo lắng chăm nom ở thành phố, như tôi đã nghe trên đây…
Tôi kể với một cô giáo dạy THCS quen biết ý định đó, nhưng cô bảo giáo viên không có quyền quyết định những “học kỳ”, những “trại kỳ” như vậy cho học sinh, mà phải có chủ trương chung. Đúng là như vậy trong chương trình, quy trình, nội dung giáo dục hiện nay của chúng ta. Vì vậy, bài viết này, trước khi kỳ nghỉ hè diễn ra, như một đóng góp mang tính gợi ý nhằm tạo ra “mùa Xuân trong mùa Hạ” cho các em!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG