Kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 2: Sân khấu và cuộc đời
Trong những lúc ngồi xe di chuyển từ nơi này đến nơi khác, tôi lại thấy một Kim Cương khác trẻ trung với những câu chuyện vui trên sàn diễn. Những chuyện của chị luôn làm cho người cùng đi quên hết đoạn đường dài.
|
Nghệ sĩ Kim Cương thăm trẻ em khuyết tật Hội An. |
Trong đoàn kịch nói Kim Cương có em Kim Ngọc tuy mê sân khấu nhưng không diễn được, nên không có vai. Một hôm Ngọc hỏi: “Sao chị hai cứ cho em làm lính hầu, rồi làm xác chết, chị cho em một vai gì đi, cho em nói một câu trên sân khấu thôi cũng được!”. Nên đến vở kịch có đoạn người tù vượt ngục về thăm nhà, nhân vật từ trên cây nhảy xuống, vào nhà gặp đứa con trai, và chỉ nói đúng một câu: “Dũng, cha đây nè con!” thì bị tay cảnh sát rút súng bắn chết ngay. Kim Cương giao cho Ngọc. Suốt ngày trước đêm diễn, Ngọc cứ đi tới đi lui tập luyện. “Lúc diễn, em nó nhảy từ trên cây xuống, vẻ hồi hộp, nói lộn ngược: “Dũng, con đây nè cha!”, rồi ngã lăn ra... chết. Suốt đêm đó, nó gây lộn với đứa đóng vai cảnh sát. “Chị hai cho tao nói có một câu, nhưng tao nói lộn thì mày bắn liền. Làm sao tao đính chính!”
Một lần nghệ sĩ hài Trần Văn Trạch (em ruột nhạc sĩ Trần Văn Khê) vào vai đi tìm một tên cướp để giết. Hồi đó khi bắn súng thì trong hậu trường phải chuẩn bị 4 - 5 gói thuốc pháo để kích nổ khi nhân vật bắn. Lúc Trần Văn Trạch vừa gặp được kẻ địch, bèn rút súng ra và nói: “Mi là kẻ tàn ác không thể đội trời chung, ta sẽ giết mi!”. Vừa nói anh vừa rút súng ra, bóp cò liên hồi, nhưng không thấy tiếng súng nổ. Biết có sự cố bên trong hậu trường, Trần Văn Trạch bèn ứng biến: “Nhưng hôm nay ta tạm thời tha cho mi đó!” và đút súng vào lưng. Nhưng ác thay, khi đút súng vào lưng rồi thì lại có tiếng nổ! Lần này Trần Văn Trạch lại ứng biến tiếp: “Tha thì tha, nhưng ta phải bắn một phát để... thị uy cho mi sợ!”. Những chuyện vui sân khấu như vậy, Kim Cương sắp xếp bằng tình yêu nghề vốn sẵn. Và chị nói sẽ viết thành sách.
Hè năm Kim Cương 17 tuổi, chị quyết định đi thăm mẹ đang lưu diễn cùng đoàn hát ở Châu Đốc. Đêm đầu tiên xảy ra sự cố quân Ngô Đình Diệm bắn nhau với quân các giáo phái. Dì Năm quyết định cứ diễn rồi khóa cửa rạp, đề phòng khán giả nhốn nháo chạy dễ dính đạn lạc. Vở diễn kết thúc, súng vẫn nổ, để cầm khách lại trong rạp, các nghệ sĩ trong đoàn phải thay phiên nhau lần lượt hát. Riết rồi cũng hết người mà súng vẫn còn nổ, má Bảy đã cho phép Kim Cương ra hát. Kim Cương hát bản tân nhạc Nụ cười sơn cước đã được khán giả nhiệt liệt tán thưởng. Đêm hát tân nhạc đó đã thay đổi cuộc đời chị và sau đó chị đã thành công với vai chính A Liễu trong vở cải lương Giai nhân và ác quỷ mà soạn giả Duy Lân đã viết riêng để giới thiệu Kim Cương. |
Vậy nhưng nỗi buồn cũng không ít và thường chị nén chịu riêng mình, ít khi bộc lộ. Mới đây, sau nhiều lần thoái thác, chị kể với tôi một kỷ niệm về cố nghệ sĩ Thanh Nga. Hai người tuy ở hai thể loại sân khấu khác nhau nhưng có nhiều trùng hợp: đều nổi tiếng rất sớm; cả hai đều có gia đình chính thức vào năm 30 tuổi và cùng có con trai bị bắt cóc!
Kim Cương kể rằng con trai chị bị bắt cóc trước khi con Thanh Nga (và Thanh Nga bị bắn chết) đúng một năm. Lúc con Kim Cương bị bắt cóc thì Thanh Nga rất sợ. Lúc nào cũng giữ con bên cạnh mình. Thậm chí ra sân khấu, nhìn ngoài cánh gà thấy con đứng đó thì Thanh Nga mới hát được. Chính tình yêu thương mãnh liệt đó, chị đã giành giật đứa con mình đến tận cùng sức lực và ra đi vĩnh viễn. Kim Cương nói rằng nếu con chị bị bắt cóc sau con Thanh Nga, có lẽ chị cũng sẽ làm vậy. “Trời Phật cho người nghệ sĩ một trái tim nhạy cảm để lột tả hết tâm trạng của nhiều nhân vật. Và cũng bằng chính trái tim ấy, họ cũng sống chết hết mình trong cuộc sống riêng tư. Nhưng dư luận đôi khi không hiểu được điều đó!”.
Hơn 30 năm sau ngày cố nghệ sĩ cải lương Thanh Nga nằm xuống, Kim Cương đã một lần tâm sự như vậy về quan hệ của chị với Thanh Nga. Đó không chỉ là quan hệ đồng nghiệp, chị em, mà là cả một sự đồng cảm từ tâm hồn...
Nhưng trong hàng trăm chuyện buồn đã trải, có lẽ cái chết của người cha đã để lại một vết thương lòng sâu nặng nhất trong lòng Kim Cương. Chị kể lúc đó chị mới 6 - 7 tuổi, đi theo đoàn hát Đại Phước Cương của cha ra diễn ở Phan Thiết. Rất đông khán giả đến xem mỗi đêm. Ông chủ rạp do bán được nhiều vé đã thết đãi và ca ngợi cha chị hết lời. “Nhưng một tháng khi đang diễn ở Mũi Né thì cha tôi lâm bệnh nặng. Mẹ tôi phải thuê xe bò chở cha về Phan Thiết tìm bác sĩ chữa chạy. Trong lúc tìm thầy, mẹ đưa cha tôi đến xin tá túc trong rạp hát cũ. Người gác gian xếp một chỗ trong góc rạp cho ông nằm, nhưng bị ông chủ đến la ó om sòm và đuổi chúng tôi đi vì sợ người chết trong rạp của mình sẽ để lại xui xẻo!..”. Lúc đó bà Bảy Nam đã phải quỳ xuống vái lạy xin và nói rằng đoàn hát đã đem lại vinh quang cho ông chỉ mới tháng trước, sao bây giờ ông lại đối xử như vậy với một nghệ sĩ?. Ông chủ rạp mặt lạnh như tiền, bảo làm ăn là làm ăn, thương là thương. Rồi ông yêu cầu sáng mai phải mang chồng con đi khỏi rạp. Kim Cương nhớ như in rằng đêm đó chị đã ngồi chết lặng trong rạp và nghĩ đến cảnh bao nhiêu người vỗ tay, đã ca ngợi cha mình và bây giờ là sự xua đuổi đến tàn nhẫn. Hôm sau cha chị được những người yêu mến đưa đến tá túc trong một ngôi chùa và ông đã tắt thở ở đó vì bệnh quá nặng...
Chị tâm sự: “Với một đứa con nít mới 6 tuổi, thì đó là câu chuyện ám ảnh cả cuộc đời sau này. Nỗi ám ảnh về sự vô thường của cuộc đời!”.
__________________________
Kỳ cuối: Những điều không thể hẹn
“Trên thế gian này không có gì thiêng liêng bằng tình mẹ, đó là thứ tình cảm tự nhiên vì không bao giờ có sự trao đổi”. Sau này khi đến với những người nghèo nghệ sĩ Kim Cương lại nghiệm thấy điều đó.
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG