Nước sạch cho vùng nông thôn và miền núi: Thiếu và bất cập (bài 1)

NGUYỄN QUANG VIỆT 02/06/2015 08:30

Mùa khô đang đến, tình trạng thiếu nước sạch xảy ra càng nghiêm trọng hơn ở khu vực nông thôn Quảng Nam; trong khi đó, ở nhiều nơi người dân phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo chất lượng.

BÀI 1: THIẾU NƯỚCTRÊN DIỆN RỘNG
Dành dụm từng cốc nước

Từ thị trấn Khâm Đức, vòng vèo hơn 30km dốc đèo, chúng tôi đến được xã Phước Chánh (Phước Sơn) vào độ đang trưa. Hơi nóng oi bức như được hắt ra từ các dãy núi đã cho chúng tôi những cảm nhận đầu tiên về tình cảnh “khát nước” của đồng bào nơi đây. “Chiều mô có mưa thì lấy chậu hứng nước. Mưa lớn thì đủ nước dùng. Có khi mưa quá nhỏ, phải hứng từng ca nước nhưng dù tiết kiệm đến mấy cũng thiếu nước. Nhiều khi phải thay phiên, rửa rau xong thì dành nước lại để rửa chén... Suối khô cạn hết nước rồi” - bà Hồ Thị Theo, người dân tộc Giẻ Triêng ở thôn 2 (xã Phước Chánh) nói. Hỏi bà Theo còn nước để uống thì sao, bà cười nói: “Thì cũng vậy chứ sao, có nhiều dùng nhiều, ít thì tiết kiệm từng cốc nước. Giếng đào đi đào lại mấy lần mà trơ đáy nằm đó kìa”. Tôi quay sang hỏi anh cán bộ trẻ tuổi của xã đi cùng: “Xã đã được đầu tư công trình nước sạch nào chưa?”. Anh bảo: “Xã thuộc diện đặc biệt khó khăn nằm trong chương trình 135 nên Nhà nước đã đầu tư hệ thống nước tự chảy cách đây đã lâu, nhưng nay không sử dụng”. Từ nguồn vốn 250 triệu đồng, một công trình nước sinh hoạt được Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường Quảng Nam xây dựng vào năm 2010, mục đích cung cấp đủ nước cho 30 hộ dân thôn 2, xã Phước Chánh sinh hoạt. Nhưng đến nay, công trình này chỉ còn lại một bể chứa hư hỏng, bỏ hoang. Nguyên nhân khiến công trình “trơ gan cùng tuế nguyệt” là nguồn cung nước không còn khi dòng suối đầu nguồn cạn khô từ 2 năm nay. Ông Võ Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chánh cho biết, hiện toàn xã gồng mình đối phó với tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Gia đình bà Hồ Thị Theo xã Phước Chánh (Phước Sơn) phải sống chung với tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt. Ảnh: N.Q.V
Gia đình bà Hồ Thị Theo xã Phước Chánh (Phước Sơn) phải sống chung với tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt. Ảnh: N.Q.V

Phòng khám Đa khoa khu vực Phước Chánh là cơ sở y tế khám chữa bệnh ban đầu cho người dân 5 xã vùng cao huyện Phước Sơn là Phước Chánh, Phước Công, Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc. Ông Dương Công Biền - Trưởng phòng Khám đa khoa khu vực Phước Chánh cho biết, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân vùng cao là rất lớn. Mỗi tháng, ít nhất phòng khám đón 700 lượt người khám bệnh. Ông Biền nói: “Vào mùa khô thì số lượng bệnh nhân đến điều trị tại phòng khám tăng lên do thời điểm này rất dễ phát bệnh và lây bệnh. Trong khi đó phòng khám “chưa chủ động” được nguồn nước sinh hoạt nên rất bức bối”.

Mùa khô này người dân xã Bình Lãnh (Thăng Bình) lại phải tiếp tục lặn lội vào sâu trong hồ chứa Cao Ngạn để lấy nước về sử dụng. Người dân ở các xã Bình Trị, Bình Định Bắc, Bình Định Nam cũng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam với các xã vùng tây Thăng Bình mới đây, ông Nguyên Năm (thôn 4, xã Bình Lãnh) phát biểu: “Nhiều năm rồi, cứ vào mùa khô thì người dân địa phương lại thiếu nước trầm trọng. Giếng đào thì trơ đáy, hệ thống nước sinh hoạt không có nên mỗi nhà chống chọi với tình trạng khát nước theo mỗi kiểu, nhưng phổ biến là người dân phải vào sâu trong các hồ thủy lợi lấy nước về sử dụng”. Mới đây, một công trình cấp nước sinh hoạt được UBND huyện Thăng Bình nghiệm thu, đưa vào sử dụng, cung cấp nước sinh hoạt cho 260 hộ dân các thôn 5 và 6 của xã Bình Lãnh. Tuy nhiên, ở ngay trung tâm xã Bình Lãnh vẫn còn 650 hộ dân chưa được đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch, còn các thôn khác thì người dân luôn phải điêu đứng vì thiếu nước.

Không đảm bảo chất lượng

Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều người dân ở miền núi và cả đồng bằng vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của nguồn nước sạch. Khi được hỏi về nguồn nước đang sử dụng có đảm bảo vệ sinh hay không, nhiều người cho rằng có nước để sử dụng đã là may mắn lắm, còn chất lượng nguồn nước như thế nào thì chưa quan tâm đến. Trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ phụ trách nước sinh hoạt của các huyện miền núi cho hay, hầu hết công trình nước sinh hoạt trên địa bàn khi đã nghiệm thu đều bàn giao cho tổ cộng đồng cấp thôn quản lý nên nhiều công trình bị hư hỏng nhanh. Người dân nào có điều kiện thì đào giếng, khoan giếng còn không thì lấy nước ở các sông suối đầu nguồn. Việc khai khoáng bất hợp pháp tại các huyện vùng cao cũng “góp phần” làm cho nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn sử dụng nguồn nước này cho cả nhu cầu uống, nấu ăn, rất dễ phát sinh thêm bệnh tật.

Dưới 84% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch
Theo Ban điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh, trong giai đoạn 2011 - 2014, Quảng Nam được Trung ương đầu tư hơn 78,4 tỷ đồng để xây dựng các công trình nước sạch, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Dự kiến, trong năm 2015, Quảng Nam sẽ tiếp nhận thêm gần 33,7 tỷ đồng từ Trung ương để tiếp tục đầu tư cho nước sạch. Theo điều tra của cơ quan này, hiện tỷ lệ dân cư nông thôn của Quảng Nam được sử dụng nước sạch khá thấp: dưới 84%.

Theo ông Trần Xuân Vinh - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Nam, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân ở khu vực nông thôn và miền núi là rất lớn, tuy nhiên qua kiểm tra cho thấy ở nhiều khu vực nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Ông Vinh cho biết, mới đây nhất, Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam đã đi khảo sát nước sinh hoạt tại các xã Đại Hưng và Đại Hồng (Đại Lộc). Xã Đại Hưng có đến 6/10 thôn thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng vào mùa khô nhưng chưa được đầu tư công trình nước sạch. Trong khi đó, nguồn nước được người dân nơi đây sử dụng bị nhiễm phèn, muối, vôi rất nặng, có nơi nguồn nước bị nhiễm cả thuốc trừ sâu do thấm vào mạch nước ngầm khi sử dụng trong nông nghiệp. “Hiện tại, qua kiến nghị của chúng tôi, UBND tỉnh đã cử đoàn kiểm tra đến địa phương để lấy mẫu nước xét nghiệm cụ thể các chỉ tiêu trong nước nhằm có biện pháp xử lý kịp thời. Trước mắt chúng tôi khuyến cáo người dân không nên dùng nguồn nước ô nhiễm đó để ăn uống. Còn muốn tắm rửa, người dân phải chủ động hơn trong quá trình lọc chứ không dừng lại ở lọc thô bằng cát như vẫn làm” - ông Vinh nói.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn nước sinh hoạt của người dân tại các khu dân cư gần Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc không đảm bảo chất lượng, có nơi bị ô nhiễm nặng. Nước giếng dùng cho sinh hoạt của người dân các thôn Viêm Trung, Ngân Câu, Tứ Câu (xã Điện Ngọc, Điện Bàn) thường xuyên có màu đục, mùi hôi và nổi váng. Đây là các hiện tượng thường thấy khi nguồn nước bị nhiễm thạch tín từ chất thải công nghiệp (thạch tín là một trong các tác nhân chủ yếu gây ung thư da và phổi). Theo thống kê của UBND xã Điện Ngọc, từ năm 2010 đến nay địa phương có gần 50 trường hợp người dân bị chết do bệnh ung thư.

NGUYỄN QUANG VIỆT

Bài 2: Bỏ hoang công trình nước sạch
Hàng loạt công trình nước sạch mới được đưa vào sử dụng đã bỏ hoang do việc thi công và quản lý công trình còn nhiều bất cập.

NGUYỄN QUANG VIỆT