Cơ hội du lịch Quảng Nam

VĨNH LỘC 31/05/2015 07:12

Bộ VH-TT&DL vừa tổ chức hội nghị công bố, phổ biến và triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030, mở ra cơ hội phát triển du lịch cho các địa phương, trong đó có Quảng Nam.

Du lịch biển đảo đóng vai trò chủ đạo trong liên kết vùng.
Du lịch biển đảo đóng vai trò chủ đạo trong liên kết vùng.

Du lịch biển đảo

Quyết định phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030” được Thủ trướng Chính phủ ký ngày 24.12.2014 có mục tiêu tổng quát là khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng để phát triển du lịch biển - đảo, trở thành thế mạnh hàng đầu của du lịch Việt Nam. Cùng với đó, sẽ phát triển các đô thị du lịch hiện đại, các khu du lịch, điểm du lịch quốc gia có cơ sở dịch vụ cao cấp. Phấn đấu đến năm 2020 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng thu hút 15 triệu lượt khách (gồm 4,5 triệu lượt khách quốc tế), doanh thu đạt 70.000 tỷ đồng; đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của vùng, thu hút khoảng 25 triệu lượt khách (khoảng 7,5 triệu lượt khách quốc tế), đạt doanh thu khoảng 160.000 tỷ đồng góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển và hải đảo Việt Nam.

Bên cạnh du lịch biển - đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái cũng được tập trung phát triển, trong đó lấy du lịch biển đảo làm mũi nhọn; du lịch văn hóa là nền tảng với điểm nhấn gồm các giá trị văn hóa Champa, Sa Huỳnh, văn hóa của cư dân vùng biển, văn hóa các dân tộc phía đông dãy Trường Sơn… Để phát huy hiệu quả chiến lược trên, không gian du lịch sẽ được phân chia thành 2 tiểu vùng là du lịch phía bắc và du lịch phía nam. Tiểu vùng du lịch phía bắc bao gồm 4 địa phương là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định với hướng khai thác sản phẩm đặc trưng là du lịch di sản văn hóa thế giới gắn với Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn; sản phẩm khai thác giá trị văn hóa Champa, Sa Huỳnh; nghỉ dưỡng biển - đảo; hội nghị, hội thảo, sinh thái, giải trí, lễ hội, tâm linh… Ngoài ra, sẽ tập trung đầu tư phát triển 9 khu du lịch quốc gia, 6 điểm du lịch quốc gia và 4 đô thị du lịch như Sơn Trà, Bà Nà (Đà Nẵng); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Phú Quý (Bình Thuận); Cù Lao Chàm; Mỹ Sơn, Hội An (Quảng Nam)…

Bà Đặng Thị Bích Liên - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho rằng, dù thời gian qua lượng khách quốc tế đi lại giữa các tỉnh trong vùng đạt gần 17,3%/năm, cao nhất trong các vùng của cả nước, tuy nhiên sự phát triển du lịch vùng vẫn chưa đồng bộ, chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu tầm nhìn tổng thể. Vì vậy, với  việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ sẽ là tiền đề quan trọng cho công tác đầu tư, quản lý phát triển du lịch vùng một cách đúng hướng và bền vững. “Đây sẽ là bước khởi đầu cho quá trình phát triển mới với nhiều việc cần phải làm, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa, quyết tâm cao của các bên có liên quan; các cấp, bộ, ngành, các địa phương và toàn xã hội cần phối hợp chặt chẽ để triển khai thực hiện quy hoạch một cách hiệu quả nhất, thực sự đi vào cuộc sống” - bà Liên nhấn mạnh.

Vai trò nhạc trưởng

Có thể khẳng định, việc công bố phê duyệt Quy hoạch du lịch vùng Nam Trung Bộ đã tạo cơ hội rất lớn cho các địa phương, trong đó có Quảng Nam. Đặc biệt, quy hoạch đã giúp hình thành nên những tuyến du lịch cụ thể như nội vùng, liên vùng cũng như mở rộng các tuyến liên vùng gắn với hệ thống cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cam Ranh (Khánh Hòa), Chu Lai và tuyến đường sắt, đường bộ xuyên Á, kết nối quốc lộ và các cửa khẩu đường bộ quốc tế tại Quảng Nam và Tây Nguyên. Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhìn nhận, đây là sự kiện mang tính bước ngoặt vì lâu nay ngành du lịch Việt Nam chưa có tiếng nói chung và chưa có nhạc trưởng. Quy hoạch ra đời sẽ hình thành vệt ven biển kéo dài kết nối từ Đà Nẵng đến Bình Thuận với các sản phẩm dịch vụ riêng biệt mang sắc thái từng địa phương, giúp du khách có cơ hội trải nghiệm những giá trị văn hóa của cả khu vực duyên hải miền Trung, nơi có những giá trị văn hóa đặc thù như Sa Huỳnh, Champa và sau này là văn hóa Trung Hoa, văn hóa phương Tây. “Trước hết, quy hoạch sẽ giúp mỗi địa phương xây dựng chuỗi dịch vụ không trùng lặp, nhất là du lịch biển; thứ hai là chúng ta biết kết nối được giữa văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Champa, đây là một lợi thế vô cùng lớn; thứ ba là trên cơ sở những lợi thế về biển, lợi thế về rừng chúng ta có thể kết nối với Tây Nguyên tạo điểm tựa, mở rộng hành lang  quan hệ hợp tác với ASEAN thông qua các cửa khẩu của Quảng Nam và  Tây Nguyên khi khối ASEAN hình thành cộng đồng chung (31.12.2015) để kéo khách đường bộ từ các cửa khẩu này” - ông Cường phân tích.

Còn theo ông Hà Văn Siêu - Tổng cục phó Tổng cục Du lịch, liên kết vùng là vấn đề sống còn với quy hoạch vùng. Do vậy, vai trò nhạc trưởng rất quan trọng nhằm phối hợp hài hòa giữa các chương trình hành động của từng tỉnh lại với nhau trên tinh thần hợp tác liên kết bền vững. “Quan điểm của chúng tôi là phát triển có tính mũi nhọn ở từng cụm điểm và những vệ tinh, tạo sự hài hòa lan tỏa giữa các tỉnh trong vùng nhưng không nên dàn trải. Trong đó cần tập trung nguồn lực vào hạ tầng then chốt như cảng biển vì hiện nay hệ thống cảng biển đón khách và sự giao lưu giữa các tỉnh ven biển hầu như chưa có dù vùng duyên hải Nam Trung Bộ có thế mạnh nổi bật trong du lịch biển. Riêng với Quảng Nam nơi mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, nhà quản lý… đều coi du lịch là lẽ sống đam mê thì đây sẽ là cơ hội rất lớn để tạo ra một động lực mới về sự phát triển, trở thành bài học cho những địa phương khác trong cả nước” - ông Siêu nói.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC